| Hotline: 0983.970.780

Vựa hành, tỏi khẩn trương thu hoạch, giải phóng đất cấy lúa xuân

Thứ Ba 30/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Bất chấp thời tiết giá rét, người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương khẩn trương ra đồng thu hoạch hành, tỏi, giải phóng đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023 - 2024.

Vựa hành, tỏi vụ đông 100 nghìn tấn

Về Hải Dương những ngày này, bất chấp thời tiết giá rét, người dân vẫn hồ hởi ra đồng, khẩn trương thu hoạch những diện tích hành, tỏi vụ đông, nhanh chóng giải phóng đất, sẵn sàng gieo cấy lúa vụ đông xuân.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 6.800ha hành, tỏi. Bình quân sản lượng hành, tỏi củ khoảng 105.000 - 110.000 tấn/năm. Ảnh: Trung Quân.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 6.800ha hành, tỏi. Bình quân sản lượng hành, tỏi củ khoảng 105.000 - 110.000 tấn/năm. Ảnh: Trung Quân.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 6.800ha hành, tỏi. Trong đó, hành, tỏi lấy củ chiếm khoảng 95% tổng diện tích (gần 6.500ha), còn lại là hành lá. Hành, tỏi lấy củ chủ yếu được trồng trong vụ đông thành các vùng tập trung. Trong đó, thị xã Kinh Môn khoảng 4.000ha, huyện Nam Sách khoảng 1.800ha, TP Chí Linh gần 300ha, TP Hải Dương gần 200ha, Kim Thành khoảng 150ha, Thanh Hà 50ha... Hành lá được trồng, thu hoạch quanh năm ở những vùng chuyên canh thuộc khu vực xã Hiến Thành (thị xã Kinh Môn), Phạm Kha (Thanh Miện), Thượng Vũ (Kim Thành).

Về thời vụ trồng và thu hoạch, đối với hành, tỏi lấy củ: Khu vực Nam Sách, TP Hải Dương thường trồng sớm từ cuối tháng 9, thu hoạch từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau. Khu vực Kinh Môn và một số địa phương khác thường trồng từ đầu tháng 10 (tập trung từ 5 - 20/10), thu hoạch từ cuối tháng 1 đến 20/2 năm sau. Cây tỏi thường được trồng trong tháng 10 (khoảng từ 5 - 20/10). Riêng hành lá được trồng và thu hoạch quanh năm.

Bình quân năng suất hành dao động từ 160 - 180 tạ/ha, tỏi khoảng 130 tạ/ha. Ở nhiều địa phương thuộc thị xã Kinh Môn năng suất hành đạt 180 - 190 tạ/ha, có những năm đạt 200 - 250 tạ/ha. Bình quân sản lượng hành, tỏi củ của toàn tỉnh khoảng 105.000 - 110.000 tấn/năm (hành củ khoảng 97.000 - 103.000 tấn).

Về tình hình tiêu thụ, 10% hành củ được tiêu thụ tươi trước, trong và sau Tết Nguyên đán; 5% bảo quản làm giống cho vụ sau; 10% chế biến (chủ yếu là thái lát chiên và sấy) bán cho các nhà hàng và xuất khẩu sang Trung Quốc; 3% được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia; 72% được bảo quản trong các hộ, tiêu thụ quanh năm tại thị trường trong nước (lượng sử dụng trong tỉnh khoảng 5%, còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh).

Ngoài tiêu thụ trong nước, hành, tỏi Hải Dương còn được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia... Ảnh: Trung Quân.

Ngoài tiêu thụ trong nước, hành, tỏi Hải Dương còn được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia... Ảnh: Trung Quân.

Tỏi củ sản lượng khoảng 6.500 - 7.000 tấn/năm, trong đó 5% được bảo quản làm giống cho vụ sau, 15% dùng chế biến (dạng bột tỏi, rượu tỏi…), 80% được bảo quản trong nông hộ và bán quanh năm (lượng sử dụng trong tỉnh khoảng 10%, còn lại là tiêu thụ ngoài tỉnh). Hành lá sản lượng khoảng 7.000 tấn/năm, trong đó 25% được chế biến ở dạng thái, sấy khô cung cấp cho các nhà máy sản xuất bột gia vị, mì tôm..., 80% còn lại được sử dụng ăn tươi (lượng sử dụng trong tỉnh khoảng 10%). Trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 đơn vị chế biến sản phẩm hành, tỏi, hành lá, tập trung chủ yếu ở huyện Nam Sách (xã Nam Trung) và thị xã Kinh Môn.

Không sợ sức ép tiêu thụ

Với diện tích trồng hành, tỏi hơn 4.000ha, thị xã Kinh Môn được mệnh danh là thủ phủ hành tỏi của Hải Dương nói riêng, miền Bắc nói chung. Hành, tỏi được trồng nhiều nhất ở khu vực Nam An Phụ, một số xã khu Bắc An Phụ và khu Tam Lưu. Hành tươi sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn; tỏi tươi khoảng 4.000 tấn. Giá trị sản xuất cây vụ đông hàng năm của thị xã Kinh Môn đạt 1.500 - 1.700 tỷ đồng (chủ yếu là hành, tỏi).

Theo đánh giá, hành, tỏi của thị xã Kinh Môn vượt trội so với các địa phương khác về độ cay, thơm, giá trị dinh dưỡng, hiện được chế bến thành nhiều sản phẩm như hành chiên, sấy khô, tỏi mật, rượu tỏi… và được xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu, Thái Lan, Malaysia…

Ông Mạc Văn Quảng, thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa (thị xã Kinh Môn) trồng 1 mẫu hành lấy củ cho biết, vụ hành năm nay năng suất tương đương với mọi năm. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc tốn nhiều công lao động và chi phí hơn do thời điểm sau xuống giống gặp thời tiết nắng nóng liên tục, khi cây xuống củ lại gặp các đợt mưa nhiều ngày nên việc cung cấp nước khi hạn, tiêu thoát nước khi mưa, bón phân, đảm bảo dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển khá vất vả.

Theo ông Mạc Văn Quảng (trong ảnh) ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa (thị xã Kinh Môn), vụ hành, tỏi năm nay mặc dù tốn nhiều công chăm sóc hơn nhưng năng suất vẫn được đảm bảo. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Mạc Văn Quảng (trong ảnh) ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa (thị xã Kinh Môn), vụ hành, tỏi năm nay mặc dù tốn nhiều công chăm sóc hơn nhưng năng suất vẫn được đảm bảo. Ảnh: Trung Quân.

“Đến bây giờ thì có thể thở phào nhẹ nhõm. Năng suất hành tươi đạt khoảng 8 tạ/sào, khô dự kiến 4,5 tạ/sào. Mọi năm giá bán hành khô trung bình khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, thời điểm cao 60.000 - 65.000 đồng/kg, gia đình thu được 26 - 27 triệu đồng/sào. Năm nay tốn nhiều công chăm sóc, nếu giá bán cao hơn thì càng vui, còn không cứ ổn định như mọi năm cũng phấn khởi ăn Tết rồi”, ông Quảng vui vẻ.

Bà Trịnh Thị Cải, cùng thôn Đích Sơn chia sẻ, gia đình bà trồng 3 sào hành xen tỏi. Năm nay thời tiết mặc dù nắng nóng kéo dài hơn so với mọi năm nhưng hệ thống nước tưới được đảm bảo nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Dự kiến hành khô đạt 5 - 6 tạ/sào. Hiện các thương lái đang tích cực thu mua hành tươi để phục vụ dịp Tết Nguyên đán với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg nên hộ nào cũng phấn khởi (hành tươi thường là loại 2, loại 1 sẽ được giữ lại làm giống hoặc bán khô suốt cả năm).

Theo bà Cải, hành, tỏi được người dân trồng trên chân đất 2 lúa (2 vụ lúa, 1 vụ hành) thông thường được xuống giống từ cuối tháng 8 âm lịch, sau 3,5 - 4 tháng có thể thu hoạch. Hiện tại, hầu hết các trà hành, tỏi đã đến độ thu hoạch và có thông báo về việc lấy nước đổ ải để làm đất gieo cấy lúa vụ đông xuân nên mặc dù thời tiết giá rét các hộ vẫn khẩn trương ra đồng thu hoạch nhanh cho kịp thời vụ.

Cái hay khi trồng hành, tỏi là thời gian bảo quản lâu (ngắn 7 - 8 tháng, dài 1 năm) nên người trồng thu hoạch về cắt tỉa sạch sẽ, phơi khô là có thể chủ động lựa chọn thời điểm xuất bán theo sự lên xuống của thị trường để có lợi nhuận cao nhất.  

“Hành, tỏi sau khi thu hoạch, nông dân thường phơi lại trên mặt ruộng vài ngày để phần lá khô khoảng 50 - 60%, sau đó được mang về bó thành các túm nhỏ treo lên giàn ở gia đình để tiếp tục phơi. Khi hành đã khô sẽ được cắt rễ, loại bỏ bớt lá, vỏ củ và củ thối hỏng, bó thành bó nhỏ treo từng lớp lên các giàn trong nhà kho hoặc lều, lán có mái che mưa, nắng.

Các giàn hành, tỏi còn được bao phủ bên ngoài bằng màng nilon để chống ẩm và xâm nhập của côn trùng, sinh vật gây hại. Nhìn chung, tỷ lệ hành, tỏi bị hao hụt trong bảo quản dao động từ 10 - 30% tùy theo thời gian bảo quản. Thường sau 4 - 5 tháng tỷ lệ hao hụt khoảng 10%; sau 7 - 8 tháng hao hụt khoảng 20%; sau 9 - 10 tháng hao hụt khoảng 30%”, bà Cải chia sẻ kinh nghiệm.

Hành, tỏi có thể bảo quản trong thời gian dài nên người trồng có thể quyết định thời điểm xuất bán để đạt lợi nhuận cao nhất. Ảnh: Trung Quân.

Hành, tỏi có thể bảo quản trong thời gian dài nên người trồng có thể quyết định thời điểm xuất bán để đạt lợi nhuận cao nhất. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết, năm 2017, hành, tỏi Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2018, hành, tỏi Kinh Môn là sản phẩm đạt Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, sản xuất hành, tỏi ở thị xã Kinh Môn đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu giống, gieo trồng, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu. Sản phẩm hành, tỏi Kinh Môn được bán phổ biến tại tất cả các chợ truyền thống trên cả nước; các hệ thống siêu thị lớn như Go, Win Mart, sàn thương mại điện tử và xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Nhờ cây hành, tỏi, thu nhập, đời sống người dân trên địa bàn thị xã thay da đổi thịt từng ngày.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.