Trong lúc nhiều người đang mải lo tính chuyện sẽ ăn chia sản phẩm mủ cao su như thế nào trong tương lai, thì nhiều diện tích cao su trồng ở các tỉnh Tây Bắc, sau những trận “thập tử nhất sinh” do thời tiết rét đậm những năm trước đây, hiện đang bị còi cọc và mang trên mình đủ thứ bệnh tật.
Phải vượt lên tới đỉnh con đèo Cò Chạy, leo qua mấy con dốc cao chót vót nữa, chúng tôi mới lên được tới những vườn cao su của Đơn vị trồng cao su số 1, xã Thanh Nưa (thuộc Cty CP Cao su Điện Biên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Đã quá trưa, nhưng mấy công nhân cao su (vốn là người dân của xã Thanh Nưa được tuyển vào làm công nhân cho Cty CP Cao su Điện Biên) vẫn đang hì hục xúc đất vun cho những đồi cao su. Anh Dàng A Dế, một cán bộ kỹ thuật, đang vun gốc cao su tại đây nghỉ tay giải thích: sở dĩ phải vun gốc cho cao su như thế là bởi những vườn cao su tại đây hiện quá còi cọc, phát triển chậm, các chỉ số về chiều cao, độ dài vanh thân, tán lá… hiện đều thấp hơn rất nhiều so với Tiêu chuẩn cao su Tây Bắc của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đề ra. Vì thế, đơn vị này đã quyết định thử vun gốc xem tốc độ phát triển của cao su tại đây có khá khẩm hơn không.
Những vườn cao su ở Điện Biên đã bước sang tuổi thứ 5, nhưng chỉ lớn như cổ tay và mang đủ thứ bệnh tật
Qủa thực, nhìn những vườn cao su ở đây mà thấy nản! Theo anh Dế cho biết thì toàn bộ diện tích 243 hecta cao su tại đây đều được trồng từ tháng 6/2008, với hai giống cao su chủ lực là PB 260 và GT1. Đến nay, cao su đã tròn 4 năm tuổi nhưng cây nào cấy nấy trông chỉ lớn như cổ tay, tán lá thưa thớt, lại rách bươm như tổ đỉa. Đã thế đa số trên thân cây cao su tại đây cây nào cũng thấy xì mủ đen thui, trông y như những cục mụn nhọt mọc tua tủa. Một cán bộ kỹ thuật của Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên đi cùng chúng tôi rút máy đo độ cao ra đo thử, kết quả là những vườn cao su tại đây đều được trồng ở độ cao trên 700m (so với mặt nước biển). Thậm chí có quả đồi cao su thân cây chỉ to như cây mía, chúng tôi đo được độ cao tới 820m.
Cán bộ kỹ thuật Dàng A Dế lí giải thêm: Những quả đồi trồng cao su bây giờ trước đây vốn là đất rẫy đẹp nhất xã Thanh Nưa, trồng lúa hay ngô cũng đều tốt bời bời nên vùng này chẳng phải do đất xấu. Sở dĩ cao su ở đây đã bước sang tuổi thứ 5 nhưng trông thảm hại như thế là bởi độ cao quá lớn, phổ biến đều từ 680m đến 850m so với mặt nước biển. Trong khi đó, cao su lại là cây trồng rất kỵ độ cao (theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trồng cao su ở miền núi phía Bắc, độ cao tối đa chỉ 600m). Đó là chưa nói nhiều diện diện tích cao su ở đây còn được trồng cả ở những diện tích đất quá dốc so với quy chuẩn. Tệ hại hơn, trong khi cao su vốn chỉ thích hợp với nơi khuất gió, thì ở những đồi cao su ở Thanh Nưa, gần như quanh năm gió thổi hồng hộc, nhất là vào mùa đông, thời tiết tại đây vừa rét đậm và gió cũng thổi mạnh nhất trong năm.
Sau trận đợt rét đậm rét của mùa đông năm 2010 - 2011, cao su ở Thanh Nưa may mắn hoàn hồn bình phục trở lại, nhưng sau trận hại “thập tử nhất sinh” đó, có tới 80% diện tích cao su ở Thanh Nưa đã bị cụt ngọn, và phát triển èo uột như bây giờ. Hàng trăm hộ dân ở xã Thanh Nưa góp đất cho Cty CP Cao su Điện Biên hiện hiện đang lo ngay ngáy, vì không biết với “thể trạng ốm yếu” như thế, không biết tới bao giờ, cao su ở đây mới cho thu hoạch mủ. Đáng lo hơn, không chỉ riêng gì ở Thanh Nưa mà rất nhiều nơi khác ở Điện Biên, thực trạng phát triển cây cao su rất đáng ái ngại.
Có tới 93% số cây cao su điều tra nhiễm bệnh phấn trắng với mức độ nhiễm bệnh từ cấp 1 đến cấp 4 và bệnh này đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các diện tích cao su thuộc nhiều giống khác nhau ở độ cao trên 600m hiện cũng đang nhiễm vô số loại bệnh như: Bệnh héo đen đầu lá; bệnh Corynespora; bệnh đốm mắt chim; bệnh do rệp đen phá hoại; và nguy hiểm nhất là bệnh xì mủ. Bệnh xì mủ diễn ra nặng nhất ở hai giống PB 260 và VNg77-4 (vốn là hai giống chủ lực ở Điện Biên hiện nay). |
Một cuộc điều tra quy mô lớn do Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên tiến hành mới đây tại 50 điểm trồng cao su thuộc 7 giống khác nhau trên địa bàn 5 huyện (Tuần Giáo, Mường Ẳng, Điện Biên, Mường Chà và Mường Nhé) cho thấy, hầu hết diện tích cao su trồng ở độ cao trên 650m hiện đến nay phát triển rất kém và đang bị hầu hết các bệnh trên cây cao su hoành hành. Cụ thể, vanh thân trung bình của cao su trồng năm 2008 ở độ cao 700m trên đất hạng III hiện chỉ có 13,9 cm – bé hơn 23% so với tiêu chuẩn tăng trưởng vanh thân của cao su miền núi phía Bắc do VRG công bố. Các chỉ tiêu khác về chiều cao vút ngọn, chiều cao phân cành… cũng đều thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn sinh trưởng. Đối với các diện tích cao su trồng năm 2009, tình hình phát triển của cao su ở độ cao trên 650m cũng không khá hơn, khi các chỉ tiêu sinh trưởng đều thấp hơn từ 7,5 đến 38,3% so với tiêu chuẩn.
Xu hướng chung của cuộc điều tra cho thấy, càng lên cao, tình trạng sâu bệnh càng nghiêm trọng, và tốc độ phát triển cao su càng chậm. Trong khi đó, điều oái oăm là trong tổng số hơn 3.700 hecta cao su đã trồng ở Điện Biên từ năm 2008 đến nay, đã có tới hơn 1.600 hecta cao su đã được trồng ở độ cao trên 600m – chiếm 50% tổng diện tích.
Khi được hỏi vì sao, mặc dù bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trồng cao su ở miền núi phía Bắc theo quy hoạch của Chính phủ đã ghi rõ độ cao phải dưới 600m, nhưng vẫn có rất nhiều diện tích cao su ở Tây Bắc vẫn “leo” lên tận độ cao 700, thậm chí trên 800m? Câu trả lời mà các Cty cao su đưa ra đó là quy chuẩn thì mãi tới cuối năm 2011 mới có, trong khi cao su thì đã được trồng từ năm 2008, và các diện tích cao su được trồng ở độ cao trên 600m, đó chỉ là thử nghiệm mà thôi. Thế nhưng, vấn đề khiến người nông dân góp đất cho “cuộc thử nghiệm khổng lồ” này băn khoăn, đó là hàng ngàn hecta cao su còi cọc và bệnh tật như hiện nay, giả như nó sẽ cho năng suất mủ rất thấp khiến nông dân không đảm bảo thu nhập, thì ai sẽ là người gánh vác trách nhiệm?