| Hotline: 0983.970.780

‘Con chip nông nghiệp’ của Trung Quốc đang ở đâu?

Thứ Năm 30/03/2023 , 10:23 (GMT+7)

Giới chức Trung Quốc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về “sự phụ thuộc quá mức” vào hạt giống nhập khẩu, khi an ninh lương thực trở thành ưu tiên quốc gia.

Khoảng cách về sản lượng đối với hạt giống ngô và đậu tương được sản xuất ở Trung Quốc hiện 'chậm hơn 20 năm' so với các sản phẩm hạt giống cùng loại của Mỹ. Ảnh: Getty

Khoảng cách về sản lượng đối với hạt giống ngô và đậu tương được sản xuất ở Trung Quốc hiện “chậm hơn 20 năm” so với các sản phẩm hạt giống cùng loại của Mỹ. Ảnh: Getty

Một nhóm quan chức từ miền trung Trung Quốc cho biết trong một bài báo được xuất bản gần đây rằng, ngành hạt giống của quốc gia đang thiếu khả năng cạnh tranh đối với các loại rau chính như ngô và “phụ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu” đối với hầu hết các loại lương thực không thiết yếu khác.

“Hạt giống rau cao cấp từ nước ngoài thì bán lẻ chi li, còn hạt giống rau ‘của nhà trồng được’ thì bán sỉ theo cân. Khoảng cách về giá trị thị trường của chúng là rất lớn”, các quan chức từ cơ quan quản lý hạt giống tỉnh Hồ Bắc cho biết.

Được mệnh danh là “con chip của nông nghiệp”, ngành hạt giống ở Trung Quốc thường được cho là có chất lượng và hiệu quả thấp do thiếu đổi mới và đang mất dần lợi thế trên thị trường thế giới. Một bài báo đăng tuần trước trên một tờ tạp chí chuyên ngành hàng đầu China Seed Industry của nước này cho biết.

Nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho các công nghệ nhân giống nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ - nơi nhập khẩu phần lớn thực phẩm và hạt giống của họ - và chuẩn bị cho những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và chế độ ăn uống thay đổi.

“1,4 tỷ người ở đất nước chúng tôi đã được no đủ trong vài năm qua và chúng tôi đã có thể tự sản tự tiêu đảm bảo duy trì các bữa ăn hằng ngày đều đặn. Giờ đây, nhu cầu lương thực ngày càng tăng, áp lực giữ được nồi cơm cũng tăng theo”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị việc làm nông thôn quốc gia thường niên vào tháng 12 năm ngoái.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nước này đã thâm hụt khoảng 350 triệu nhân dân tệ (50,9 triệu USD) trong thương mại hạt giống cây trồng vào năm 2021, chủ yếu do nhu cầu về rau.

Khách tham quan ngân hàng hạt giống với 2.000 loại tại một hội chợ tổ chức ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, vào ngày 22 tháng 11 năm 2020. Ảnh: CNS

Khách tham quan ngân hàng hạt giống với 2.000 loại tại một hội chợ tổ chức ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, vào ngày 22 tháng 11 năm 2020. Ảnh: CNS

Với mục tiêu coi công nghệ hạt giống và bảo tồn đất nông nghiệp là hai ưu tiên hàng đầu trong sản xuất lương thực quốc gia, chính quyền trung ương đã ban hành kế hoạch khôi phục ngành hạt giống vào năm 2021 nhằm mục đích kiểm soát hạt giống từ nguồn.

Giới chức tỉnh Hồ Bắc cho biết, mặc dù trên thực tế các nhà tạo giống nước ngoài chỉ chiếm 3% thị trường hạt giống của Trung Quốc, tuy nhiên khoảng cách về sản lượng đối với hạt giống ngô và đậu tương được sản xuất trong nước hiện “chậm hơn 20 năm” so với các sản phẩm hạt giống cùng loại của Mỹ.

Cụ thể, năng suất của cả hai loại cây lương thực quan trọng hàng đầu đối với an ninh lương thực này chỉ bằng khoảng 60% so với giống của Mỹ. Trong khi một ngành công nghiệp mạnh đòi hỏi phải cam kết mục tiêu dài hạn, nhiều công ty hạt giống trong nước vẫn thiển cận và có chung tâm lý “bằng lòng với cái mình có”.

Trong một động thái nhằm củng cố lĩnh vực này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc năm ngoái đã chọn ra 276 nhà gây giống trong nước sẽ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của chính phủ cả về vốn và nguồn nhân lực.

Tại một cuộc họp với đại diện của các công ty được nhà nước hỗ trợ này vào cuối tuần qua, chính phủ cho biết sự đổi mới và khả năng cạnh tranh đã được tăng cường thông qua việc thúc đẩy đầu tư và hợp tác với các viện nghiên cứu và công ty tài chính.

Tuy nhiên ông Huo Xuexi, giáo sư kinh tế nông nghiệp từ Đại học Tây Bắc A&F, cho biết Trung Quốc sẽ phải cần nhiều thập kỷ để đạt được vị trí của phương Tây hiện nay trong lĩnh vực nhân giống.

“Hồi sinh ngành công nghiệp hạt giống là một nhu cầu cấp thiết những cũng đối diện nhiều thách thức”, ông Huo cho hay khi đề cập đến tham vọng đạt được sự tự lực của Trung Quốc.

“Trước hết, chúng ta cần ít nhất 10 năm để tìm ra những câu hỏi khoa học cơ bản trong nông nghiệp, sau đó sẽ mất một thời gian dài nữa để đưa kết quả nghiên cứu đó ra thị trường”, ông Huo nói.

(SCMP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.