| Hotline: 0983.970.780

Những con đập làm nên mùa vàng

Con đập chia nước 3 dòng sông được 7 tổ chức tự nguyện xây dựng

Chủ Nhật 23/07/2023 , 16:28 (GMT+7)

Nếu không có đập Bảy Yển thì không thể điều tiết công bằng nguồn nước sông Kôn về 3 nhánh sông Đập Đá, Gò Chàm và Tân An.

Cấp nước và tiêu thoát nước phân minh

Bình Định có 4 hệ thống sông lớn tính từ phía Bắc vào: Lại Giang, La Tinh, sông Kôn và Hà Thanh; trong đó, Sông Kôn là hệ thống sông lớn nhất tỉnh. Sông Kôn xuất phát từ thượng nguồn Vĩnh Thạnh chảy về đến đầm Thị Nại (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng phì nhiêu, trù phú thuộc các huyện Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.

Tính từ hạ lưu sông Kôn chảy ngang qua thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) đến đầm Thị Nại (thành phố Quy Nhơn) có chiều dài khoảng 30km. Trên đoạn sông này, xưa kia, để tận dụng dòng nước của sông Kôn tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân đã đắp khoảng 30 đập bổi để chặn dòng, dâng nước, làm hệ thống kênh mương đưa nước tưới lúa.

Đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn đưa nước theo hệ thống sông Kôn nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn đưa nước theo hệ thống sông Kôn nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nằm đầu nguồn hạ lưu sông sông Kôn thuộc làng Kiên Mỹ (nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) là đập dâng Văn Phong được xây dựng cách đây hàng trăm năm, xuống phía dưới này, đoạn giáp ranh giữa xã Nhơn Phúc và xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) là đập Bảy Yển, từ đó chạy về hạ lưu sông Kôn còn rất nhiều con đập.

Đặc biệt, không như những con đập khác là làm nhiệm vụ dâng nước, đập Bảy Yển không dâng nước mà chỉ làm nhiệm vụ phân phối nước. Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, sông Kôn chảy xuống đến nơi xây dựng đập Bảy Yển thì chia làm 3 nhánh sông chảy về thị xã An Nhơn, nhánh phía Bắc là sông Đập Đá, phía Nam là sông Tân An và nhánh khác là sông Gò Tràm.

Cũng theo ông Phú, gọi là đập Bảy Yển vì đập này được xây dựng bởi 7 tổ chức tự nguyện của người làm ruộng sử dụng cùng nguồn nước tưới, ngày xưa tổ chức này được gọi là “yển”, mỗi địa phương hưởng lợi nguồn nước sông Kôn tham gia 1 yển để cùng vận hành, phân phối nước sao cho đều 3 nhánh sông.

Ngoài phân phối nước, đập Bảy Yển còn có nhiệm vụ tiêu thoát lũ. Đến mùa lũ, đập Bảy Yển phải điều tiết để nước lũ về 3 nhánh sông nói trên đều nhau, để người dân phía hạ lưu của từng nhánh sông khỏi kêu ca. Sau này, Công ty KTCTTL Bình Định làm thay nhiệm vụ của các yển ngày xưa.

Đập Bảy Yển, 'yết hầu' của 3 nhánh sông Đập Đá, Gò Chàm và Tân An dẫn nước về cho gần 30.000ha đất nông nghiệp của các huyện Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Đập Bảy Yển, “yết hầu” của 3 nhánh sông Đập Đá, Gò Chàm và Tân An dẫn nước về cho gần 30.000ha đất nông nghiệp của các huyện Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

“Khi chưa có hồ Định Bình, dòng chảy cơ bản của sông Kôn không đủ cung cấp nước tưới cho sản xuất. Năm nào thời tiết thuận lợi thì lưu lượng cơ bản trên sông Kôn đáp ứng đủ tưới, năm nào hạn hán thì nông dân rất khổ sở vì thiếu nước tưới.

Những năm hạn, việc tranh giành nước tưới ở vùng hạ lưu đập Bảy Yển xảy ra rất gay gắt, kể cả lãnh đạo huyện, xã cũng tranh nước để dân địa phương mình có nước tưới. Khi có sự điều tiết phân minh tại đập Bảy Yển thì nạn tranh giành nước không còn”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, chia sẻ.

Cánh tay nối dài của các hồ chứa

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phú, khoảng vào năm 1959, đập Bảy Yển đã được xây dựng kiên cố, hiện nay vẫn còn sử dụng. Giai đoạn sau này, đập Bảy Yển chỉ sửa chữa nhỏ bể tiêu năng, 2 vai đập, đập chính hiện vẫn còn vững vàng.

Đập Bảy Yển được quan tâm xây dựng kiên cố sớm là bởi nó đóng vai trò rất quan trọng, là cái “yết hầu” của 3 nhánh sông được chia ra từ sông Kôn sau hạ lưu đập Bảy Yển có trách nhiệm phân phối nước về các địa phương huyện Phù Cát, Tuy Phước và An Nhơn. Nếu không có đập Bảy Yển thì không thể điều tiết công bằng nguồn nước sông Kôn về 3 nhánh sông Đập Đá, Gò Chàm và Tân An.

Đập Thạch Đề nằm trên nhánh phía Bắc của hệ thống sông Kôn là sông Đập Đá nằm giữa 2 khu vực Phương Danh thuộc phường Đập Đá và khu vực Cẩm Văn thuộc phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đập Thạch Đề nằm trên nhánh phía Bắc của hệ thống sông Kôn là sông Đập Đá nằm giữa 2 khu vực Phương Danh thuộc phường Đập Đá và khu vực Cẩm Văn thuộc phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài đập Bảy Yển phân phối nước về nhánh sông Tân An thuộc phía Nam, đầu nhánh sông Đập Đá thuộc phía Bắc của sông Kôn còn được xây dựng đập Bình Thạnh, nhánh sông Gò Chàm cũng đang được kiên cố hóa đập Gò Chàm. Cũng giống như đập Bảy Yển, 2 đập Bình Thạnh và Gò Chàm không làm nhiệm vụ dâng nước, mà chỉ làm nhiệm vụ điều tiết, phân phối nước về những địa phương vùng đồng bằng được mệnh danh là vựa lúa của Bình Định.

“3 đầu khẩu của 3 đập Bảy Yển, Bình Thạnh và Gò Chàm nằm sát cạnh nhau. Từ khi có hồ Định Bình tạo nguồn cho sông Kôn, cả 3 con đập nói trên vừa phân phối, điều tiết nước cung cấp nước tưới cho khoảng gần 30.000ha đất sản xuất của vùng đồng bằng Bình Định thuộc các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn”, ông Nguyễn Văn Phú cho biết.

Đập Cây Me nhận nước từ đập Thạch Đề để tiếp tục đưa xuống các đập dưới hạ lưu là đập Lão Tâm, đập Thuận Hạt. Ảnh: V.Đ.T.

Đập Cây Me nhận nước từ đập Thạch Đề để tiếp tục đưa xuống các đập dưới hạ lưu là đập Lão Tâm, đập Thuận Hạt. Ảnh: V.Đ.T.

Phía hạ lưu 3 đập Bảy Yển, Bình Thạnh và Gò Chàm còn rất nhiều con đập khác làm nhiệm vu dâng nước để tưới cho đồng ruộng của các địa phương. Theo ông Đinh Văn Chánh, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình thuộc Công ty KTCTTL Bình Định, phía dưới đập Bình Thạnh thuộc nhánh sông Kôn phía Bắc có đập Thạch Đề, dưới nữa là đập Lão Tâm, phía dưới nữa là đập Văn Mối.

Nhánh dưới đập Gò Chàm có đập Tháp Mão, đập Gò Đậu, cuối nhánh sông là đập Hạ Bạc nằm trên địa bàn xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước). Nhánh phía Nam bên dưới đập dâng Thạnh Hòa 1 là đập Thạnh Hòa 2 làm nhiệm vụ điều tiết nước cho đập Thạnh Hòa 1, dưới nữa là đập Thông Chín, đập An Thuận…

“Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 31 con đập chính trên các hệ thống sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Kôn và sông Hà Thanh làm nhiệm vụ dâng, điều tiết nước về các khu tưới phía hạ lưu. Ngoài ra, trên hệ thống kênh còn có hàng trăm con đập nhỏ khác chỉ 1 - 2 cửa, làm nhiệm vụ dâng nước phía hạ lưu để đưa nước vào ruộng đồng. Nếu không có hệ thống đập dâng đưa nước vào các tuyến kênh để tưới thì nước trong các hồ chứa xả ra sông sẽ trôi tuột hết về biển”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty KTCTTL Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.