| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/10/2022 , 13:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 13:30 - 11/10/2022

Cơn khát xăng vì đâu nên nỗi quanh co?

Cơn khát xăng đang làm đảo lộn cuộc sống nhiều người dân ở các đô thị phía Nam, nhưng Bộ Công thương và Bộ Tài chính vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung.

Cơn khát xăng trong mấy ngày qua thực sự khiến nhiều người ngao ngán. Tại TP.HCM, cơn khát xăng càng phức tạp hơn vì nhu cầu đi lại của một thành phố có mật độ dân cư đông đúc. Nhiều cây xăng đóng cửa, khách hàng phải chạy lòng vòng nhiều con đường để xếp hàng chen chúc ở một vài điểm bán xăng còn phục vụ.

Hình ảnh tụ tập mệt mỏi chờ được đổ xăng của người dân, trông ngậm ngùi và xót xa như thời bao cấp. Vì sao cơn khát xăng lại diễn ra trầm trọng như vậy, khi Việt Nam có đến 36 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng?

Thị trường xăng dầu nước ta do hai cơ quan chủ chốt quản lý là Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Các địa phương thiếu hụt xăng dầu đã có báo cáo tình hình và mong muốn Bộ Tài chính và Bộ Công thương sớm có giải pháp khắc phục. Thế nhưng, Bộ Tài chính và Bộ Công thương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Bộ Tài chính cho rằng, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp.

Còn trong thông tin phát đi tối 10/10, Bộ Công thương nhận định, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Bình Phước, Đăk Lăk... là không phổ biến, khi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Để nhanh chóng vãn hồi cơn khát xăng, Bộ Công thương kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí tổng hợp đối với doanh nghiệp đầu mối để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn.

Tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đều chưa phát hiện tình trạng găm hàng. Cho nên, lý do cơn khát xăng chủ yếu do doanh nghiệp đầu mối không chủ động nhập hàng để kinh doanh, đồng thời không chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ nhằm bù đắp chi phí hao hụt sau mất đợt giảm giá xăng liên tiếp.  

Như vậy, thay vì tiếp tục khẳng định cơn khát xăng chỉ là sự thiếu hụt cục bộ và tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, thì Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần tháo gỡ ngay điểm nghẽn giữa quyền lợi của doanh nghiệp đầu mối và cây xăng bán lẻ. Không quá khó để nhìn ra mấu chốt của cơn khát xăng nằm ở tấm biển thông báo ngậm ngùi trước đại lý xăng dầu: “Chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp thua lỗ, hết tiền nhập hàng. Mong người tiêu dùng thông cảm”.