Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội. Ảnh: VGP. |
"Việc siết chặt quản lý bán hàng đa cấp đã có tiến bộ khi trước đây có khoảng 1,3 triệu người và 50 doanh nghiệp đa cấp, đến nay chỉ còn khoảng 800.000 người và 23 doanh nghiệp. Thực tế, có 300.000 người bán hàng đa cấp thực sự với mục tiêu hướng tới lợi nhuận, còn lại chủ yếu để mong hưởng chiết khấu", ông Trần Tuấn Anh trả lời khi được chất vấn về quản lý hàng đa cấp.
Bộ trưởng Công thương cho biết thông qua việc ban hành Nghị định 04 đã mang lại những nền tảng cơ bản để quản lý bán hàng đa cấp đúng mục đích, đúng bản chất và không cho phép doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại lớn cho xã hội.
"Đến nay chúng ta đã siết chặt lại và đã gần như đảm bảo được hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo lợi ích của người dân cũng như người tham gia bán hàng đa cấp. Chúng ta đã tham mưu báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội để bổ sung Điều 127 a trong Bộ luật Hình sự để quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng tham gia bán hàng đa cấp trục lợi trục lợi bất chính bảo đảm sự răn đe như trước chế tài mạnh", ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh cho rằng hiện nay với sự phát triển của kinh tế xã hội và hội nhập, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều bất động đa cấp bất chính trong nhiều lĩnh vực, không chỉ là bán hàng đa cấp trong các mặt hàng sản phẩm thương mại mà đa cấp, huy động tín dụng hay đa cấp trong các dịch vụ khác.
Bộ trưởng Công thương thừa nhận đây là vấn đề mới, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có biện pháp điều chỉnh, bổ sung luật lệ để quản lý hiệu quả hơn.