Ngày 19/11, trong khuôn khổ Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai năm 2024, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp với chủ đề “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng ở nhiều địa phương, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo, đất nông nghiệp chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, nhiều mô hình trang trại đang hoạt động… là tiền đề quan trọng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp giúp nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, giải quyết đầu ra tại chỗ cho ngành nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ. Du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), bên cạnh các yếu tố thuận lợi, việc phát triển du lịch nông nghiệp trên thực tế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, rào cản. Các văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về loại hình farmstay cũng như du lịch nông nghiệp như Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, chưa thực sự tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch. Việc thiếu các quy định đã khiến các địa phương lúng túng, gặp khó khăn trong công tác quản lý.
PGS.TS Bùi Thị Nga (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, sản phẩm du lịch thường dựa trên cơ sở thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương (về sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan, văn hoá lịch sử, ẩm thực...), tuy nhiên lại dễ trở nên nhàm chán nếu không duy trì được chất lượng, thường xuyên cải tiến, làm mới.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phát triển du lịch nông nghiệp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là nông dân vừa canh tác nông nghiệp vừa làm du lịch. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm, không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp…
Theo đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), muốn phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn cần dựa trên phương châm “đa dạng trong thống nhất”. Du lịch nông nghiệp, nông thôn cần được tích hợp trong tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia.
Quy hoạch này phải dựa trên các tài nguyên đặc thù của nông nghiệp, nông thôn, bao gồm giá trị cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công và văn hóa các dân tộc. Đây là nền tảng quan trọng để tổ chức bài bản loại hình du lịch giàu tiềm năng này.
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến đất đai và thu hút đầu tư. Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng, tạo điều kiện để các cộng đồng nông thôn tham gia vào chuỗi giá trị du lịch. Lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển nông thôn, hạ tầng, văn hóa, môi trường để tối ưu hóa việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn...
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG, hiện nay Trung tâm KNQG đã và đang triển khai 10 dự án khuyến nông, trong đó vừa chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp vừa kết hợp lồng ghép hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Qua đó góp phần mang lại giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Đặc biệt, để hỗ trợ nông dân giải đáp câu hỏi “người làm du lịch sẽ học làm nông nghiệp hay người làm nông nghiệp sẽ học làm du lịch” để tích hợp đa giá trị, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và bộ mặt nông thôn, lực lượng khuyến nông từ trung ương tới các địa phương đã chủ động chuyển mình mạnh mẽ. Thay vì chuyển giao kỹ thuật đơn thuần, cán bộ khuyến nông sẽ đồng hành cùng nông dân đưa những thành quả sản xuất tốt, an toàn gắn chặt với du lịch, khai thác hết tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, tạo sinh kế bền vững cho nông dân.