Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho biết, trong thời gian qua, TP.HCM thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 09 và Nghị quyết 97 của HĐND TP.HCM, đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, huy động mọi nguồn lực xã hội và nhân dân; nhân rộng các hoạt động thiện nguyện, qua đó hỗ trợ kịp thời các hộ nghèo, không để ai thiếu ăn thiếu mặc.
Tuy nhiên, bà Tô Thị Bích Châu cũng cho biết, qua phản ánh của cử tri và nhân dân, thực tế vẫn còn một số đối tượng chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.
"Việc triển khai gói hỗ trợ đợt 3 gặp nhiều khó khăn do ứng dụng (app) của phần mềm Công viên Quang Trung thường xuyên bị chậm, gián đoạn nên một số phường xã thị trấn phải chủ động phát trước, rồi cập nhật vào phần mềm sau, nên mất khá nhiều thời gian.
Mặt khác, việc lập danh sách cập nhật vào phần mềm vẫn còn nhiều sai sót, xử lý chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ chi hỗ trợ.
Vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây mất niềm tin trong nhân dân”, bà Tô Thị Bích Châu nhìn nhận.
Vì vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp với UBND các cấp, nhất là ở cơ sở để rà soát kỹ các trường hợp chưa nhận được tiền hỗ trợ theo các Nghị quyết để giải quyết thỏa đáng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Bà Tô Thị Bích Châu cùng nhìn nhận, đại dịch Covid-19 vừa qua, đã bộc lộ rõ hạn chế, tồn tại của hệ thống y tế cơ sở (từ trung tâm y tế quận, huyện đến trạm y tế phường, xã, thị trấn), còn thiếu nhân sự, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, còn lúng túng trong tiếp nhận, hướng dẫn, điều trị, phân luồng và chuyển viện người mắc Covid-19.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM khẩn trương có kế hoạch, giải pháp cụ thể, từng bước nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở một cách bền vững để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hiệu quả hơn. Đồng thời, đề xuất Bộ Y tế có cơ chế cho phép bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp, chưa có việc làm, có chứng chỉ hành nghề được tham gia điều trị F0 tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
Bà Châu cũng cho biết, cử tri nhân dân TP.HCM cũng rất lo lắng cho con em trước đại dịch Covid-19 khi TP dự kiến mở cửa lại các trường hợp vào tháng 1/2022. "Thời gian qua, TP.HCM có hơn 20.000 trẻ em bị mắc Covid-19, tuy mức độ nguy hiểm đối với trẻ em mắc Covid-19 thấp hơn so với người lớn, nhưng nguy cơ tử vong vẫn cao đối với nhóm trẻ béo phì, có bệnh nền".
Do đó, đề nghị TP.HCM ưu tiên dành vacxin phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi. Hiện toàn TP.HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ đưa chương trình tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em vào Chương trình tiêm chủng Quốc gia.
Bà Tô Thị Bích Châu cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành phối hợp với UBND quận huyện và TP Thủ Đức khẩn trương triển khai thực hiện các phương án lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế TP theo nguyên tắc an toàn, linh hoạt hiệu quả. Hỗ trợ các giải pháp giúp các doanh nghiệp phục hồi.