| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ cao lên ngôi

Thứ Hai 23/10/2023 , 19:16 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Với lợi thế nước có độ mặn phù hợp, quỹ đất lớn nên nhiều hộ dân tại Đồng Nai đã đầu tư công nghệ cao để nuôi tôm, cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Nhơn Trạch hiện có 171ha nuôi tôm công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Lê Bình.

Huyện Nhơn Trạch hiện có 171ha nuôi tôm công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Lê Bình.

Nói đến nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại Đồng Nai, phải nhắc đến nuôi tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp ao nuôi lót bạt đáy tại huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Nhơn Trạch hiện có 171ha nuôi tôm công nghệ cao, cho bình quân từ 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Nuôi tôm công nghệ cao cũng là định hướng phát triển của Đồng Nai hiện nay. Theo ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, nếu như vài năm trước, việc nuôi tôm của vùng Nhơn Trạch còn khá manh mún, tự phát thì những năm gần đây người dân đã biết liên kết, bắt tay nhau để cùng nuôi tôm tập trung với diện tích lớn.

“Điều này giúp việc quy hoạch được đồng bộ hơn, tiết kiệm chi phí xử lý xả thải phân tôm ra ngoài theo một kênh nhất định và kênh cấp nước tách biệt giúp an toàn cho nuôi tôm. Đồng thời, thuận lợi liên kết để nuôi tôm trên diện tích lớn giúp kiểm soát bệnh trên con tôm hiệu quả hơn”, ông An chia sẻ.

Chúng tôi đến thăm khu nuôi tôm của anh Nguyễn Huy Bình rộng 13ha, với 25 ao nuôi tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) đúng lúc thương lái bắt đầu kéo lưới, cân tôm. Theo anh Bình, từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, hiệu quả mang lại khá rõ rệt.

Nhiều người dân tại huyện Nhơn Trạch đang giàu lên nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều người dân tại huyện Nhơn Trạch đang giàu lên nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Bình.

25 ao nuôi tôm của anh Bình được cải tạo từ vùng đất nhiễm phèn, lót bạt đáy, đầu tư hệ thống quạt. Với mô hình nuôi tôm này, nguồn nước của ao tôm được xử lý sạch, cân bằng độ mặn trước khi thả con giống. Nhờ đó, tôm có môi trường an toàn để phát triển, tôm khỏe và tỉ lệ hao hụt thấp.

Sắp tới, anh Bình sẽ đầu tư thêm hệ thống nhà vòm tại các ao để tạo môi trường ổn định cho tôm, ít biến động nhiệt giữa ngày và đêm. Hơn nữa, trong mùa mưa sẽ hạn chế được nước mưa xuống ao tôm, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Không chỉ mạnh dạn đầu tư công nghệ cao trong nuôi tôm, anh Bình còn chủ động trong liên kết sản xuất. Nhờ đó, các công ty cung ứng thức ăn, con giống luôn ưu ái hỗ trợ cán bộ thú y theo dõi, giám sát quá trình nuôi, giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. HTX Dịch vụ nông nghiệp - Thủy sản Thành Công do anh Bình làm Giám đốc đã được thành lập để thúc đẩy liên kết sản xuất.

“Khi liên kết với nhau, HTX tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm vật tư đầu vào nên được các doanh nghiệp hỗ trợ về giá, công vận chuyển, con giống... Mình làm số lượng nhiều nên các công ty có chế độ hỗ trợ tốt hơn về kĩ thuật, máy móc, con người..., nhất là khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm, giám sát môi trường, các chỉ tiêu lý hóa trong môi trường nước...”, anh Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Trường Đại (ngụ tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) cũng khá thành công với việc nuôi con tôm bằng công nghệ cao CPF - Combine Model. Ông Đại cho biết với công nghệ này, việc nuôi tôm khá nhàn và không phải lo lắng trước mỗi đợt nước lên xuống bất thường hoặc độ mặn cao. Năng suất bình quân mỗi vụ đạt 40 tấn/ha, sau khi trừ hết chi phí còn lãi khoảng 1,5 - 1,6 tỷ đồng/năm.

Mô hình này được UBND huyện Nhơn Trạch chọn làm điểm phát triển vùng nuôi thủy sản VietGAP, nhân rộng chuỗi liên kết nuôi trồng - tiêu thụ sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm giúp người dân hạn chế được rủi ro dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm giúp người dân hạn chế được rủi ro dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Ngoài ra, để nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao và bền vững, ông Đại áp dụng tiêu chí "5 không" trong nuôi tôm: Không để nước quá lâu, không để nước quá sâu, không để nước đứng yên, không lấy nước trực tiếp và không xả thải nước ô nhiễm ra môi trường.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, những năm gần đây, khi số lượng ao tôm càng dày thì dịch bệnh trên tôm càng nhiều. Vì thế, việc chuyển từ kiểu nuôi truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao là xu thế tất yếu.

“Nuôi công nghệ cao giúp người nuôi kiểm soát tốt về con giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Đặc biệt, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đang cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống”, ông Sinh chia sẻ.

Xem thêm
Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.