| Hotline: 0983.970.780

Công an vào cuộc vụ nhiều quầy thuốc dựng biển ‘không bán khẩu trang, nước rửa tay’

Thứ Ba 04/02/2020 , 10:04 (GMT+7)

Cục QLTT Hà Nội sẽ phối hợp với lực lượng Công an xử lý nghiêm các trường hợp trên nếu có tình trạng găm hàng.

Cục QLTT Hà Nội tăng cường kiểm tra các quầy thuốc.

Trước đó, sau khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy” vì tự ý nâng giá bán khẩu trang y tế với giá cắt cổ, nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) dựng biển tạm “không bán khẩu trang, nước rửa tay khô, miễn hỏi”.

Thậm chí, có nhiều trường hợp đăng lên nhóm Facebook CHỢ THUỐC HAPULICO HÀ NỘI với 23.299 thành viên, kêu gọi các nhà thuốc không bán khẩu trang, nước rửa tay.

Cụ thể, tài khoản Nguyễn Kim Dung đã đăng tải: “Em xin có ý kiến, tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết đoàn kết… nhập khẩu trang và cũng…bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ đã có Nhà nước lo, miễn phí hay bán như trước thì nhà em... làm được rồi. Còn dân tự đi mua hay xếp hàng nhận được 2 cái khẩu trang free thì kệ họ...”.

Sau khi thông tin trên được lan truyền chóng mặt trên các mạng xã hội đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, gây bức xúc cho dư luận.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, cán bộ tại ban quản lý chợ thuốc, sau khi xuất hiện thông tin kêu gọi không nhập và không bán khẩu trang trên mạng xã hội, Công an quận Thanh Xuân đã trao đổi với Ban quản lý chợ phối hợp xác minh thông tin trên.

Dư luận cho rằng, một số nhà thuốc đã kêu gọi, liên kết với nhau về việc không bán khẩu trang y tế cho người dân vì trước đó một số quầy thuốc tại chợ thuốc này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính khi bán khẩu trang không có bảng niêm yết giá, tự ý nâng giá.

Sau khi đăng tải lên MXH, thông tin trên đã gây bức xúc trong dư luận.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sự Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Khi dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát thì trách nhiệm phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu, trách nhiệm này không chỉ thuộc về Nhà nước, của ngành y tế mà là của chung toàn xã hội.

“Chúng ta cần chung tay bảo vệ mình và cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh chứ không phải bỏ mặc người dân như các cơ sở này.

Trong khi rất nhiều đơn vị phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng bệnh, tránh nguy cơ lây lan cho công đồng thì một bộ phận cơ sở kinh doanh lại kêu gọi găm hàng, không nhập hàng, không bán hàng thì đây là hành vi phi đạo đức, thể hiện sự ích kỷ, trục lợi trên nỗi sợ hãi của người khác.

Họ quên mất rằng, ngoài mục đích lợi ích cá nhân thì chúng ta cần quan tâm đến y đức, đạo đức nghề nghiệp, đến lợi ích chung của cả cộng đồng”, Luật sư Cường nêu ý kiến.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Cường cho hay, tại điều 31 Luật dược đã quy định rõ nghĩa vụ của người hành nghề dược là tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược; Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa.

“Trong trường hợp phát hiện nhóm cơ sở này có hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không niêm yết giá thì phải xử lý thật nghiêm theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Luật sư Cường nói.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Mở rộng vụ chuyến bay giải cứu: Thêm 3 cựu Phó Giám đốc Sở hầu tòa

Vụ án 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2, có 3 cựu Phó Giám đốc Sở ở Thái Nguyên, Quảng Nam; 1 cựu cán bộ công an cùng nhiều bị cáo khác hầu tòa.