Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, nhấn mạnh: “Nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” là công cụ pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi đối với người nuôi cũng như những cơ sở chế biến cá thát lát tại Hậu Giang. Nhãn hiệu chứng nhận này sẽ góp phần tăng giá trị kinh tế và tính cạnh tranh đối với sản phẩm cá thát lát Hậu Giang trên thị trường, mang lại thu nhập cao hơn đối với người dân nuôi và chế biến cá thát lát”.
Tại buổi lễ công bố, các hộ dân nuôi cá và cơ sở chế biến cá thát lát cũng được trao nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang”.
Để có được nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang”, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” trong vòng 2 năm tại 2 mô hình nuôi cá ở huyện Vị Thủy và Long Mỹ với các tiêu chí chặt chẽ nhằm đạt được sản phẩm cá nguyên liệu đảm bảo chất lượng.
Theo nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền này, sản phẩm cá thát lát Hậu Giang phải được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đáp ứng được các tiêu chí gồm thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt dai, cơ thịt mịn, săn chắc.
Hiện cá thát lát được người dân nuôi ở hầu hết các địa phương trong tỉnh trong thời gian khoảng 8 tháng mỗi vụ cho đến khi cá đạt trọng lượng 300 - 500 gram thì xuất bán với giá 90.000 - 120.000 đ/kg.
Qua quá trình chế biến tại các cơ sở, sản phẩm cá thát lát tươi tẩm gia vị, chả cá thát lát được chuyển đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với giá bán 160.000 đ/kg đối với cá tẩm gia vị và 250.000 đ/kg cho chả cá thát lát. Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 20 ha diện tích nuôi cá thát lát với sản lượng trên 750 tấn.