| Hotline: 0983.970.780

Công bố phát hành thêm 1 triệu tín chỉ các bon

Thứ Ba 26/06/2018 , 14:05 (GMT+7)

Từ năm 2003, Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai với nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Hà Lan, do Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản, giao Cục Chăn nuôi tổ chức thực hiện.

Dự án triển khai qua 3 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (2003 - 2006), giai đoạn 2 (2007 - 2016) và giai đoạn 3 (2016 - 2020). Mục tiêu nhằm phát triển ngành khí sinh học định hướng thị trường và giảm phát thải khí nhà kính từ phát triển chăn nuôi, thông qua hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ. Tổng số công trình khí sinh học được xây dựng và lắp đặt từ năm 2003 đến hết năm 2017 đạt trên 170.000 công trình ở trên 55 tỉnh, TP.

Năm 2013, Dự án đã đăng ký thành công kỳ phát hành lần 1 tín chỉ các bon giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế tự nguyện với Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard (Tiêu chuẩn Vàng) với 5 đợt giám sát các bon tương đương với 5 đợt phát hành tín chỉ các bon.

Đến năm 2016, Dự án đã thực hiện 2 đợt giám sát các bon cho 2 đợt phát hành tín chỉ với tổng số hơn 1,2 triệu tín chỉ đã được chứng nhận, phát hành và bán ra thị trường, thu về trên 2,5 triệu USD. Doanh thu từ bán tín chỉ các bon đã đóng góp hơn 50% tổng kinh phí thực hiện Dự án trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ ODA giảm dần và nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam rất hạn chế.

Trong giai đoạn 3 (11/2016 - 12/2020), Dự án đã hoàn thành giám sát các bon đợt 3 và kết quả giám sát các bon chỉ ra có khoảng hơn 1 triệu tấn CO2 được giảm thải từ các công trình khí sinh học tương đương hơn 1 triệu tín chỉ các bon đã được đệ trình lên Tổ chức Tiêu chuẩn Vàng thẩm định và chứng nhận phát hành.

Sau quá trình thẩm định thành công, ngày 5/4/2018, Tổ chức tiêu chuẩn Vàng đã chính thức công bố Dự án Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 ở Việt Nam đã có thêm 1.072.197 tín chỉ VER được chứng nhận phát hành cho các công trình khí sinh học được xây dựng đến hết năm 2014, đưa tổng số tín chỉ các bon của Dự án được chứng nhận phát hành lên 2.362.149 tín chỉ.

Công trình khí sinh học của Dự án được xây dựng thành bể hình cầu bằng vật liệu xây dựng hoặc bằng vật liệu composit cài đặt dưới đất để chứa chất thải chăn nuôi và qua quá trình phân giải của quần thể vi sinh vật lên men kỵ khí đã chuyển đổi chất thải chăn nuôi chủ yếu thành khí ga (CH4) dùng để đun nấu, thắp sáng, chạy máy đun nước nóng, úm vật nuôi và chạy máy phát điện.

Khí ga dùng để đun nấu giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người có tuổi ở nông thôn giảm được chi phí mua nhiên liệu đốt từ nguyên liệu hóa thạch, giảm gánh nặng về kiểm củi ở miền núi, tăng cường điều kiện vệ sinh trong khu bếp. Việc giảm phát thải khí nhà kính đến từ việc tránh sử dụng ga công nghiệp, củi, than tổ ong và khí methan. Tính trung bình mỗi công trình khí sinh học ở quy mô nông hộ giảm được 6 tấn CO2 quy đổi một năm.

Trên quy mô quốc tế, đây là Dự án có số lượng tín chỉ các bon theo cơ chế tự nguyện lớn nhất thế giới về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khí sinh học.

Cùng với những thành tựu trên, Dự án đã, đang và tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng 500.000 hầm khí sinh học của Bộ NN-PTNT và hàng năm giảm thải 1,46 triệu tấn CO2 quy đổi tương đương 5,99% tổng lượng dự báo phát thải khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi đến năm 2020 tại Quyết định số 3119/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/12/2011 về phê duyệt Đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nông thôn đến năm 2020. Hoạt động này sẽ góp phần để Việt Nam thực hiện đúng những cam kết với cộng đồng quốc tế trong cam kết quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (NDC).

Để ghi nhận những kết quả nêu trên, ngày 26/6 Bộ NN-PTNT công bố phát hành thêm 1 triệu tín chỉ các bon từ các công trình khí sinh học tại nông hộ trong khuôn khổ dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam 2016 - 2020”.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.