| Hotline: 0983.970.780

Giữa tâm điểm hạn mặn - Những công trình phát huy tác dụng

Cống Bông Bót - Tân Dinh 'vượt nắng, thắng hạn' tiếp ngọt cho vùng giáp mặn

Thứ Ba 26/03/2024 , 07:30 (GMT+7)

Trà Vinh Cống Bông Bót - Tân Dinh phát huy hiệu quả to lớn trong việc tiếp nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất cho hàng ngàn người vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh.

Hồi sinh những cánh đồng chết

Trà Vinh là một trong những tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô từng khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước tưới. 

Ông Nguyễn Trung Bằng ở ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè kể lại, vào mùa khô năm 2016, nước mặn tràn vào đồng làm toàn bộ ruộng lúa trong xóm bị thiệt hại gần hết. Từ đó, hằng năm, vào tháng 3, tháng 4 (âm lịch) mùa gió chướng thổi mạnh, cả xóm Giồng Nổi ai cũng lo nước biển theo tràn về làm ảnh hưởng cây trồng.

"Đến năm 2020, Nhà nước đưa vào vận hành các cống Tân Dinh và Bông Bót, nỗi lo lắng của chúng tôi mới được giải tỏa. Bởi vào mùa khô, cửa các cống này đóng lại, nước mặn không thể xâm nhập sâu vào nội đồng. Từ đó bà con mạnh dạn chuyển từ lúa sang trồng cây ăn trái, đời sống được cải thiện rất nhiều", ông Bằng chia sẻ.

 Ông Nguyễn Trung Bằng cho biết từ hồi có cống ngăn mặn người dân trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm, chanh không hạt, mít Thái... nên đời sống cải thiện hơn. Ảnh: Hồ Thảo.

 Ông Nguyễn Trung Bằng cho biết từ hồi có cống ngăn mặn người dân trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm, chanh không hạt, mít Thái... nên đời sống cải thiện hơn. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo Phó phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè, ông Phạm Văn Kha, trong bối cảnh tình hình xâm nhập mặn đang diển biến phức tạp như hiện nay, công trình cống Bông Bót và cống Tân Dinh nằm trên địa bàn xã An Phú Tân do Bộ NN-PTNT đầu tư và đưa vào vận hành từ năm 2020, đang phát huy hiệu quả cao trong công tác ngăn mặn, trữ ngọt.

Cụ thể mùa khô năm nay, cống Bông Bót - Tân Dinh vận hành đảm bảo nước tưới cho 13.000 ha cây ăn trái và gần 4.000 ha đất lúa của người dân địa phương, cùng với nhiều vườn cây ăn trái, ruộng lúa thuộc huyện Trà Ôn, Măng Thít tỉnh Vĩnh Long.

Còn tại huyện Trà Cú, nơi đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 30% dân số toàn huyện, đa số họ sống bằng nghề trồng lúa. Trước đây, khi vào mùa khô hạn nông dân lại canh cánh nỗi lo thiếu nước ngọt. Trong tâm trí của người dân nơi đây vẫn không sao quên được đợt hạn mặn khốc liệt vào mùa khô năm 2019 - 2020. Mặn đã gây thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh, trong đó cây lúa bị thiệt hại nặng nhất với 919 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng chục hecta hoa màu và hơn 271ha cây ăn trái trong tỉnh cũng bị thiệt hại. Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô (2019 - 2020) cũng khiến hàng nghìn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt.

Cánh đồng trong giai đoạn trổ chín của nông dân ở Trà Vinh, hạt no mẩy bởi đủ nước. Ảnh: Hồ Thảo.

Cánh đồng trong giai đoạn trổ chín của nông dân ở Trà Vinh, hạt no mẩy bởi đủ nước. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Thạch Sa Nat, (ở ấp Đầu Giồng B, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú), cho biết: Năm đó, nước biển lấn sâu vào nội đồng, thậm chí còn nếm được vị mặn bằng miệng. Nước mặn làm lúa mới trổ bông èo uột, thân héo, lá cháy khô, chết nằm la liệt. Thấy tiếc bà con cắt về cho bò ăn. Có con ăn không quen lại phun ra bởi lúa nhiễm mặn.

Theo ông Sa Nat, từ khi Nhà nước vận hành cống Bông Bót – Tân Dinh để đưa nước vào kênh nội đồng thông qua trạm bơm 3/2, việc sản xuất của người dân địa phương ngày càng thuận lợi, năng suất lúa vụ Đông Xuân luôn cao hơn những năm trước. Năm nay, lúa không bị nhiễm mặn nên hạt no mẩy, bông không bị xèo lép, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, bán với giá 8.500 đồng/kg, trừ hết chi phí ông còn lãi trên 35 triệu đồng/ha.

Còn ông Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Trà Vinh (đơn vị vận hành cống và trạm bơm) cho biết, thời điểm này, chúng tôi đang vận hành trạm bơm Kênh 3/2, lấy nước từ cống đầu mối Tân Dinh – Bông Bót (huyện Cầu Kè) để bơm tiếp nước ngọt phục vụ diện tích trồng lúa đông xuân của huyện Trà Cú và 1 phần các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, cơ bản đáp ứng đủ nước phục vụ cho gần 26.000 ha đất sản xuất của hàng ngàn hộ dân.

“Tại cống đầu mối, từ đầu mùa khô đến nay, chúng tôi bố trí nhân viên trực 24/24 giờ, đều đặn ngày 2 lần đo độ mặn, khi độ mặn dưới 1‰ thì mở cống lấy nước để tích trữ; độ mặn từ 1‰ trở lên thì đóng triệt cửa cống ngăn mặn”, ông Dũng nói.  

Cống Bông Bót cùng với cống Tân Dinh tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là hai cống đầu mối để lấy nước phục vụ khu vực giáp biển tỉnh Trà Vinh thông qua trạm bơm Kênh 3/2. Ảnh: Hồ Thảo.

Cống Bông Bót cùng với cống Tân Dinh tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là hai cống đầu mối để lấy nước phục vụ khu vực giáp biển tỉnh Trà Vinh thông qua trạm bơm Kênh 3/2. Ảnh: Hồ Thảo.

Cần hoàn thiện cống nhỏ nơi tiếp giáp.

Theo ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt vào kênh trục như những năm trước đây. Nhìn chung, các diện tích sản xuất nông nghiệp ít bị tác động do thiếu nước và mặn đe dọa trong vùng nội đồng.

Từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp đã xây dựng kịch bản với các phương án ứng phó cụ thể; đồng thời phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong điều kiện hạn mặn, tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập sâu nội đồng làm các cống đầu mối không thể tiếp nước ngọt.

Cùng với đó các công trình thủy lợi như cống Bông Bót và cống Tân Dinh đã phát huy cao hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ đời sống dân sinh.

Một nông dân tại Trà Vinh đang bơm nước vào ruộng lúa, nguồn nước từ kênh nội đồng vẫn đảm bảo. Ảnh: Hồ Thảo.

Một nông dân tại Trà Vinh đang bơm nước vào ruộng lúa, nguồn nước từ kênh nội đồng vẫn đảm bảo. Ảnh: Hồ Thảo.

Tuy vậy, vào thời điểm khô hạn (từ tháng 1 - 5 hàng năm) việc tiếp ngọt các vùng hạ lưu sông Hậu gặp khó khăn bởi một lượng nước từ cống Bông Bót, Tân Dinh vào, qua tuyến kênh Trà Ngoa, kênh Tổng Tồn để phục vụ cho các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long bị thất thoát do theo kênh Ngã Hậu đổ ngược về phía Vĩnh Long.

“Tỉnh đã đề xuất Bộ NN-PTNT đầu tư hệ thống cống khu vực Ngã Hậu (tiếp giáp kênh Trà Ngoa, xã Tân An, huyện Càng Long). Công trình trên sẽ có tác dụng ngăn lượng nước ngọt đổ về phía Mang Thít (Vĩnh Long) để thuận lợi hơn việc tiếp ngọt cho các vùng hạ lưu sông Hậu (giáp biển) như Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải thông qua hệ thống bơm chuyền”, ông Răng thông tin

Cùng với cống Bông Bót, cống Tân Dinh đang vận hành trực tiếp bảo vệ hàng ngàn ha cây ăn trái, hoa màu của nông dân tỉnh Trà Vinh. Ảnh. Hồ Thảo.

Cùng với cống Bông Bót, cống Tân Dinh đang vận hành trực tiếp bảo vệ hàng ngàn ha cây ăn trái, hoa màu của nông dân tỉnh Trà Vinh. Ảnh. Hồ Thảo.

Cống Tân Dinh và Bông Bót là 2 công trình thuộc tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít do Bộ NN-PTNT đầu tư trên địa bàn xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, được đưa vào sử dụng tháng 1/2020. Từ khi 2 cống này được vận hành, địa phương đã khắc phục được nước mặn xâm nhập lấn sâu vào nội đồng, không còn tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, bảo vệ được toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái nên người dân địa phương rất phấn khởi.

Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhờ địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu mùa khô. Cùng với đó, các công trình thủy lợi do Bộ NN-PTNT và tỉnh đầu tư đã phát huy hiệu quả cao trong việc điều tiết nước phục vụ người dân sản xuất.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm