| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ cao - nền tảng nông nghiệp đô thị hiện đại

Thứ Sáu 10/02/2017 , 14:05 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh trong buổi làm việc với Báo NNVN về những thành tựu mà nông nghiệp Bắc Ninh đã đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh...

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh trong buổi làm việc với Báo NNVN về những thành tựu mà nông nghiệp Bắc Ninh đã đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.

15-01-27_img_0071
Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh
 

Ứng dụng CNC là nền tảng tất yếu

Thưa ông, trong những năm qua, diện tích đất nông nghiệp giảm, nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ; ngành nông nghiệp Bắc Ninh vẫn phát triển, an ninh lương thực được đảm bảo. Vậy, xin ông đánh giá khái quát những thành tựu về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp ở Bắc Ninh hiện nay?

Trong những năm qua, nhận thức được vai trò của khoa học, công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh luôn coi trọng chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ nhất là CNC vào sản xuất, coi đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững.

Năm 2015, Sở NN-PTNT đã xây dựng và trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020". Đến nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đã thu được những thành tựu khá nổi bật, nhất là trên lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể:

Về Chăn nuôi: Công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas, chế phẩm sinh học; công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin đã và đang được áp dụng nhiều trong sản xuất cho hiệu quả cao.

Nhiều giống vật nuôi cao sản như: các giống lợn ngoại siêu nạc, giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng… đã được đưa vào nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 291 trang trại và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm (gồm 278 trang trại và 13 doanh nghiệp), trong đó: 42 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín, 158 trang trại xử lý chất thải bằng bể biogas và đệm lót sinh học, 8 trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa và công nghệ thông tin; 6 doanh nghiệp chăn nuôi được cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

Về nuôi trồng thủy sản: Hầu hết các hộ nuôi cá thâm canh đều đã sử dụng máy quạt nước và chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, dịch bệnh được khống chế, năng suất chất lượng sản phẩm thủy sản được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, diện tích nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 900ha, chiếm 16,4% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi cá lồng trên sông theo hướng siêu thâm canh phát triển mạnh. Toàn tỉnh hình thành 16 vùng nuôi cá lồng trên các sông Đuống, sông Thái Bình, sông Cầu với gần 1.000 lồng nuôi, năng suất mỗi lồng nuôi đạt khoảng 4- 6 tấn (dung tích 108 m3 /lồng); sản lượng cá lồng đạt khoảng 4.200 tấn/năm.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản những năm qua của tỉnh Bắc Ninh có bước tăng trưởng mạnh: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng từ 29.500 tấn (năm 1997) lên 93.700 tấn (năm 2016) gấp 3,2 lần; năng suất thủy sản tăng từ 1,5 tấn/ha lên 6,6 tấn/ha gấp 4,5 lần, sản lượng thủy sản tăng từ 5.260 tấn lên 37.900 tấn gấp 7,2 lần năm 1997; dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản cơ bản được kiểm soát; tư duy sản xuất của người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thay đổi rõ nét theo hướng tích cực.

Như ông nói, ứng dụng CNC là nền tảng của nông nghiệp đô thị hiện đại, xin ông cho biết thêm về hiệu quả ứng dụng CNC vào sản xuất, nhất là trong ngành trồng trọt hiện nay ở Bắc Ninh?

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ về giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cơ giới hóa đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển giống, cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện diện tích đất sản xuất trồng trọt ngày càng bị thu hẹp mạnh; bảo đảm an toàn thực phẩm; giảm công lao động, giảm hao hụt và tổn thất sau thu hoạch, từ đó tăng năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.

14-15-47_nh-2
Mô hình trồng hoa lan CNC trong nhà kính
 

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn giúp nâng cao nhận thức, trình độ của nông dân trong sản xuất, và vấn đề đảm bảo VSATTP; giúp kiểm soát tốt các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người tiêu dùng.
 

Bắt đầu hình thành nền nông nghiệp CNC

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, xây dựng NTM ở Bắc Ninh đang có nhiều thuận lợi. Ông đánh giá như thế nào về thành tựu xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp?

Với đặc thù là một tỉnh công nghiệp phát triển, nên Chương trình MTQG xây dựng NTM luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt năm 2016, Chương trình MTQG xây dựng NTM được xác định là một trong 3 quyết tâm chính trị của tỉnh. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự chung tay xây dựng NTM của toàn dân, nên đến nay Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng, đó là: Mức độ tiêu chí đạt chuẩn NTM tăng từ bình quân 8,84 tiêu chí/xã năm 2010 lên 17,16 tiêu chí/xã năm 2016, tăng 8,32 tiêu chí/xã (không còn xã nào đạt dưới 12 tiêu chí).

Tỉnh đã công nhận 58/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 59,8%) Hiện tỉnh đã thẩm tra và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thẩm định, đề nghị Thủ tướng Chính Phủ quyết định công nhận huyện Tiên Du đạt chuẩn NTM và thị xã Từ Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2016.

Sau 5 năm chú trọng đầu tư phát triển, sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh phát triển khá ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo. Nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành và bắt đầu mở rộng. Bước đầu hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Công tác “dồn điền, đổi thửa” hoàn thành, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất canh tác tăng từ 88,2 triệu đồng/ha năm 2010 lên 107,6 triệu đồng/ha năm 2016; lương thực bình quân đầu người đạt trên 400kg/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 34,1 triệu đồng.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản; Cơ cấu khu vực nông nghiệp năm 2016 là: trồng trọt 41%, chăn nuôi - thủy sản 54%, lâm nghiệp và dịch vụ 5% (năm 2010 tỷ lệ này tương ứng là: 44,3% - 50,2% - 5,5%).

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã đạt nhiều thành tích trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Vậy, thuận lợi và khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay ở Bắc Ninh là gì thưa ông?

Về thuận lợi: Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp phát triển, có nguồn thu ngân sách lớn nên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp và xây dựng NTM hàng năm khá lớn.

Là tỉnh nằm trong vùng châu thổ sông Hồng có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đất đai màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, giao thông nội đồng cơ bản đã được đầu tư xây dựng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời cũng là nơi chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân. Đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn...

Khó khăn: Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp nhỏ, lại manh mún nên khó tích tụ ruộng đất. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý và tay nghề cao, nên thường chỉ có những tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, công nghệ mới thực hiện được.

Qua những thành tựu mà nông nghiệp Bắc Ninh đã đạt được sau 20 năm, xin ông chia sẻ những kinh nghiệm của Bắc Ninh đã đem đến thành công về nông nghiệp và phát triển nông thôn?

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp toàn dân hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là: Coi trọng chất lượng công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; quy hoạch phải gắn với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

Ba là: Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

14-15-47_nh-3
Đoàn công tác Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT Bắc Ninh trao đổi với người dân về nuôi cấy mô CNC ở Bắc Ninh
 

Bốn là: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của ngành; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp.

Năm là: Có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Xin ông khái quát nhanh về phương hướng, nhiệm vụ sắp tới của ngành nông nghiệp cũng như địa phương?

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với an toàn thực phẩm; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho nông dân. Mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX đã xác định:

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,8%.

2. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

3. Cơ cấu trong ngành: chăn nuôi - thủy sản 55%, trồng trọt 37%, lâm nghiệp và dịch vụ 8%.

4. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh.

5. Có trên 80% số xã đạt chuẩn NTM; 4/6 huyện và TX Từ Sơn, TP Bắc Ninh về đích NTM. Số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân trên 1 xã đạt trên 18 tiêu chí. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nâng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai có hiệu quả các Quy hoạch, đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt như Quy hoạch nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2030; Quy hoạch rau an toàn tập trung đến năm 2025, định hướng đến 2030; Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020.

Hai là, phát triển sản xuất trồng trọt theo quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ba là, cải tạo giống và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường trong chăn nuôi. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo phương thức nuôi công nghiệp với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp; đẩy mạnh áp dụng nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi thâm canh gắn với an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

14-15-47_nh-4
Trồng hoa ly CNC ở Bắc Ninh
 

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm là, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn ông đã dành cho Báo NNVN cuộc trao đổi này!

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Truoo Pet Care gây ấn tượng mạnh tại triển lãm Petfair Vietnam 2024

Đến với triển lãm lần này, Truoo Pet Care mang đến 4 dòng sản phẩm chính cho thú cưng và hàng loạt các trải nghiệm, phần quà miễn phí tại gian hàng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất