| Hotline: 0983.970.780

Giữa tâm điểm hạn mặn - Những công trình phát huy tác dụng

Cống Tân Phú và Bến Rớ, bảo vệ 'túi nước ngọt' thượng nguồn sông Ba Lai

Thứ Tư 20/03/2024 , 06:13 (GMT+7)

Mùa khô 2024, những công trình cống kiểm soát mặn ngọt do Bộ NN-PTNT đầu tư tại Bến Tre đã góp phần quan trọng cùng với địa phương giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai.

Lời tòa soạn: Giữa đỉnh điểm hạn mặn năm 2024 ở ĐBSCL, hệ thống cống, công trình thủy lợi trong vùng đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt khi đưa vào sử dụng. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam vào tâm điểm hạn mặn lắng nghe từng câu chuyện và chứng kiến những đổi thay ngỡ ngàng từ các vùng dự án.

Phát huy hiệu quả ngăn mặn

Mùa khô 2023-2024, tại vùng Bắc huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre, Bộ NN-PTNT đã bàn giao, vận hành hai công trình điều tiết mặn ngọt là cống Tân Phú (xã Tân Phú) và cống Bến Rớ (xã Tiên Long). Hai công trình này được vận hành đã ngăn nước mặn từ sông Tiền và sông Hàm Luông xâm nhập vào thượng nguồn sông Ba Lai và cung cấp nước ngọt cho hàng nghìn hộ dân, hàng nghìn ha cây ăn trái ở vùng Bắc Châu Thành và thành phố Bến Tre.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về hiệu quả công trình cống Tân Phú, Bến Rớ và kiến nghị Bộ sớm hoàn thành dự án JICA3 giúp địa phương kiểm soát được nguồn nước. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về hiệu quả công trình cống Tân Phú, Bến Rớ và kiến nghị Bộ sớm hoàn thành dự án JICA3 giúp địa phương kiểm soát được nguồn nước. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Ở đầu nguồn của sông Ba Lai, mùa khô 2019-2020 xã Tân Phú bị ảnh hưởng nặng nề do xâm nhập mặn từ phía sông Hàm Luông cũng như sông Tiền.

Vì vậy, trong mùa khô không kém phần khốc liệt này, chính quyền và nhân dân trong xã đã chủ động nạo vét kênh rạch, mương vườn trữ nước ngọt nhiều hết mức có thể.

Cùng với đó, công trình cống Tân Phú cũng được đưa vào sử dụng nên bà con ở đây yên tâm hơn. Hiện tại, nông dân trồng cây ăn trái đã chủ động đóng các bọng và sử dụng nước trữ trong mương vườn để chống hạn.

Cống Tân Phú đang ngăn mặn từ sông Tiền xâm nhập vào thượng nguồn sông Ba Lai. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Tân Phú đang ngăn mặn từ sông Tiền xâm nhập vào thượng nguồn sông Ba Lai. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Sanh Quyền, nông dân có 2ha sầu riêng từ 3-6 tuổi, ở ấp Tân Nam, xã Tân Phú, cho biết, thường xuyên theo dõi thông tin xâm nhập mặn, hạn hán trên báo đài cũng như thông báo của địa phương qua zalo, loa truyền thanh xã. Cách nay 3 tháng, ông thuê máy kobe đào ao rộng 1.000m2, sâu 5m, trữ được lượng nước trên 3.000m3.

Trong mùa hạn mặn này, ông chủ động tưới tiết kiệm với hình thức phun mưa cho sầu riêng, tưới 80 lít/gốc/ngày. Ngoài ra, ông còn mua rơm đậy gốc cho những cây sầu riêng nhỏ, giữ cỏ ở những vườn cây lớn, nhằm làm giảm thất thoát hơi nước. Với lượng nước trữ được trong ao, ông cho biết đủ tưới gần 3 tháng. Vườn sầu riêng đủ khả năng vượt qua được hạn mặn năm nay.

“Hiện nay, nhờ có cống Tân Phú nên độ mặn trong cống thấp hơn ngoài sông lớn và giữ được lượng nước chân trong các kênh rạch, do đó nước trong mương vườn chưa bị cạn kiệt. Tôi chưa cần phải sử dụng nước dự trữ trong ao. Năm nay, tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều so mùa mặn 2019-2020”, ông Quyền nói.

Ông Trần Văn Út Tám, Tổ khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú cho biết thường xuyên kiểm tra độ mặn trên sông và thông báo cho nhà vườn lấy nước tích trữ. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Văn Út Tám, Tổ khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú cho biết thường xuyên kiểm tra độ mặn trên sông và thông báo cho nhà vườn lấy nước tích trữ. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Văn Út Tám, Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú cho hay, năm nay nhờ có thêm cống Tân Phú đưa vào vận hành đã góp phần ngăn chặn nước mặn từ sông Tiền tấn công vào thượng nguồn sông Ba Lai. Tổ khuyến nông đã tuyên truyền vận động bà con vét bùn trong mương và trải bạt trữ nước. Bên cạnh đó, vận động tưới tiết kiệm nước.

“Những ngày này, chúng tôi thường xuyên đến các mương của bà con cũng như các sông kiểm tra độ mặn để khuyến cáo lấy nước. Nhờ độ mặn trong kênh thấp nên cũng không lo lắng lắm”, ông Út Tám nói.

Bảo vệ túi nước thượng nguồn

Hiện tại, độ mặn bên ngoài cống Tân Phú dao động từ 0,7-0,9‰, còn bên trong cống từ 0,25-0,5‰. Độ mặn này, vẫn phục vụ tốt cho sinh hoạt.

Ông Trần Duy Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH cấp nước sinh hoạt Hoàng Tâm (xã An Khánh, huyện Châu Thành) cho biết, doanh nghiệp có 3 trạm cấp nước trên địa bàn huyện Châu Thành, mỗi trạm công suất 100m3/giờ, trường hợp cần tăng công suất khả năng có thể lên 150m3/giờ.

“Nhờ có hai cống Tân Phú và Bến Rớ ngăn mặn nên độ mặn ở túi nước đầu nguồn sông Ba Lai vẫn đảm bảo. Hiện tại, độ mặn nguồn nước thô từ sông Ba Lai dao động từ 0,2 đến dưới 1‰, vẫn đảm bảo cấp cho bà con sử dụng sinh hoạt bình thường”, ông Tân nói.

Tại Trạm cấp nước sinh hoạt xã Thành Triệu của Công ty Cấp nước Hoàng Tâm, độ mặn nước ròng đang ở mức 0,4‰ và nước đầy là 0,5‰.

Ông Phạm Hữu Trí, cán bộ ở đây cho biết thêm: “Tại đây có đập tạm Thành Triệu do tỉnh tổ chức đắp, có cán bộ của tỉnh túc trực 24/24 để canh nước. Độ mặn sông Ba Lai giảm là bơm bổ cấp vào đập liên tục. Ngoài ra, còn có sà lan vận chuyển để bơm cấp thêm trong điều kiện độ mặn sông tăng cao”.

Bơm nước ngọt từ sông Ba Lai vào đập tạm Thành Triệu cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy nước. Ảnh: Minh Đảm.

Bơm nước ngọt từ sông Ba Lai vào đập tạm Thành Triệu cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy nước. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Phạm Quốc Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre, hiện tại hệ thống thủy lợi toàn tỉnh cơ bản đáp ứng được việc dùng nước của bà con trong khu vực khép kín.

Mặc dù hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre chưa được khép kín nhưng công ty cũng có phương án vận hành một cách linh hoạt. Những công trình bảo vệ cho hồ nước ngọt của tỉnh là cống Tân Phú và Bến Rớ được đưa vào sử dụng đã đóng góp một phần trong việc tích nước.

Độ mặn bên ngoài cống Tân Phú lên 0,5-0,6‰ công ty đã phối hợp Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 9, Bộ NN-PTNT đóng cống ngăn mặn xâm nhập từ thượng nguồn sông Ba Lai về sông An Hóa. Công trình đã phát huy hiệu quả bảo vệ cho hồ nước Bến Tre phục vụ nước sinh hoạt cho thành phố và khu công nghiệp.

“Năm qua, được sự đầu tư của Trung ương hỗ trợ cho dự án Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre cơ bản đáp ứng một số khu vực. Tuy nhiên, khu vực Bắc Bến Tre còn 3 cống An Hóa, Bến Tre, Thủ Cửu chưa được xây dựng. Kiến nghị đầu tư khép kín khu vực này”, ông Phạm Quốc Phong cho biết.

Hoàn thành JICA3 vào năm 2026    

Hai công trình cống ngăn mặn Tân Phú và Bến Rớ ở thượng nguồn sông Ba Lai. Đây là các công trình thuộc Dự án quản lý nước Bến Tre (Dự án JICA 3) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 9 làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư các công trình này hơn 295 tỷ đồng từ vốn vay của Chính phủ Nhật Bản.

Các cống Tân Phú và Bến Rớ có cùng thiết kế hệ thống công trình thủy công, cửa van rộng 20m, cao 7m, kết hợp với đường giao thông rộng 6m. Riêng hệ thống cống Tân Phú còn được bố trí thêm trạm bơm với 6 máy bơm công suất 20m3/giây.

Trong tương lai, các cống đập âu thuyền An Hóa trên sông Giao Hòa và cống Bến Tre trên sông Chẹt Sậy, cống Thủ Cửu (xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm) thuộc Dự án JICA 3 cũng sẽ được đầu tư xây dựng. Khi đi vào vận hành sẽ khép kín hoàn toàn sông Ba Lai, tạo thành hồ chứa nước ngọt khổng lồ phục vụ nhu cầu sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân vùng dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Cống Bến Rớ giúp ngăn mặn từ sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Bến Rớ giúp ngăn mặn từ sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Ảnh: Minh Đảm.

Dự án JICA 3, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt năm 2017. Đây là dự án có quy mô lớn, toàn dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.191 tỷ đồng.

Dự án được triển khai xây dựng 8 cống gồm: Cống An Hóa, Thủ Cửu, Bến Tre, Tân Phú, Bến Rớ, Cái Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm trên địa bàn các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và TP Bến Tre.

Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, dự án chỉ mới hoàn thành 2/8 công trình cống ngăn mặn là cống Tấn Phú và cống Bến Rớ, còn lại 6 công trình chưa được thi công.

Mới đây, ngày 12/3 tại buổi làm việc với tỉnh Bến Tre về công tác phòng chống hạn mặn mùa khô 2023-2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết nguyên nhân, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai dự án JICA 3 có phần chậm hơn so với kế hoạch.

Trong khi dự án kéo dài, đồng yên của Nhật bị mất giá, tỷ giá hối đoái đồng yên của Nhật so với đồng đô la Mỹ được quy đổi ra để thực hiện thì dự án bị hụt mất hơn 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do giá cả vật liệu tăng, đặc biệt là giá thép từ lúc lập dự án đến hiện tại tăng gần gấp đôi, kéo theo dự án tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, dự án đến nay đã tăng hơn khoảng 2.000 tỷ đồng tương đương với việc thiếu vốn làm 2 cống gồm: cống Vàm Thơm và cống Vàm Nước Trong.

Sông Ba Lai đoạn chảy qua xã Thành Triệu, huyện Châu Thành có độ mặn dao động khoảng 0,5‰, vẫn phục vụ tốt nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Sông Ba Lai đoạn chảy qua xã Thành Triệu, huyện Châu Thành có độ mặn dao động khoảng 0,5‰, vẫn phục vụ tốt nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT và các Bộ ngành liên quan đã mất hơn 1 năm để đàm phán căng thẳng cùng nhà đầu tư vốn cho Dự án JICA-3 phía Nhật Bản. Cuối cùng phía đối tác cũng thống nhất theo đề nghị của Bộ NN-PTNT là tách 2 cống: Vàm Thơm và cống Vàm Nước Trong thành dự án khác.

“Đối với nguồn vốn đã được phê duyệt, chủ đầu tư đủ thực hiện 4 cống còn lại gồm: Cống An Hóa, Bến Tre, Thủ Cửu và Cái Quao. Riêng cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, Bộ sử dụng vốn đầu tư công trung hạn trong nước 2026-2030 để thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết và cam kết với tỉnh Bến Tre là Bộ NN-PTNT sẽ nỗ lực hoàn thành dự án JICA-3 vào năm 2026.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.