| Hotline: 0983.970.780

Giữa tâm điểm hạn mặn - Những công trình phát huy tác dụng

Cống âu thuyền Ninh Quới: 'Tường thành' bảo vệ vùng ngọt 4 tỉnh ĐBSCL

Thứ Năm 21/03/2024 , 08:34 (GMT+7)

Cống âu thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu) từ khi đưa vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả to lớn cho 4 tỉnh ĐBSCL sau 2 mùa khô hạn khốc liệt.

Lời tòa soạn: Giữa đỉnh điểm hạn mặn năm 2024 ở ĐBSCL, hệ thống cống, công trình thủy lợi trong vùng đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt khi đưa vào sử dụng. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam vào tâm điểm hạn mặn lắng nghe từng câu chuyện và chứng kiến những đổi thay ngỡ ngàng từ các vùng dự án.

Trúng vụ lúa giữa mùa hạn mặn

Bài liên quan

Giữa cái nắng chói chang những ngày trung tuần tháng 3, từ TP Cần Thơ, chúng tôi bám quốc lộ 1A đến TX Ngã Bảy rồi theo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp về xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đang đỉnh điểm mùa hạn mặn, tuy nhiên người dân nơi đây vẫn hăng say thu hoạch lúa vụ đông xuân.

Cống âu thuyền Ninh Quới lừng lững hiện ra, chắn giữ đôi dòng mặn ngọt. Thấy một lão nông chèo xuồng qua sông sau khi vừa thu hoạch lúa, tôi hỏi to: "Lúa trúng không chú Vọng ơi?", "Hơn 8 tấn/ha chứ bao nhiêu đâu", ông Vọng đáp lại.

Ông Phạm Văn Vọng, 55 tuổi, ngụ ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân cho biết, vụ lúa đông xuân 2023-2024 gia đình xuống giống hơn 4ha, chủ động đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nay cho năng suất rất cao, đạt trung bình từ 8,4 – 8,5 tấn/ha. Với giá bán 8.300 đồng/kg, trừ các chi phí còn lãi hơn 60 triệu đồng/ha.

Cán bộ xã Ninh Quới A trao đổi với PV NNVN tại cống âu thuyền Ninh Quới. Ảnh: Trọng Linh.

Cán bộ xã Ninh Quới A trao đổi với PV NNVN tại cống âu thuyền Ninh Quới. Ảnh: Trọng Linh.

Qua lời kể của ông Vọng, trước khi cống âu thuyền Ninh Quới chưa đưa vào hoạt động, nước mặn từ cống Hộ Phòng, Giá Rai tràn về thì người dân phải đắp đập tạm trên kênh 3 tháng 2 vì lo sợ bị mặn xâm nhập, không đủ nước ngọt bơm xuống ruộng. Có năm con kênh 3 tháng 2 khô cạn nước suốt nhiều tháng liền.

Ông Vọng vui mừng khi vừa thu hoạch lúa xong. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Vọng vui mừng khi vừa thu hoạch lúa xong. Ảnh: Trọng Linh.

“3 năm trở lại đây, khi cống âu thuyền Ninh Quới đưa vào hoạt động, khi nước mặn về thì cống âu thuyền đóng lại, nước ngọt từ Ngã Năm chảy xuống cung cấp nguồn dồi dào, không những giúp người dân sản xuất rất thuận lợi mà xà lan chở máy gặt lúa, ghe thu mua lúa có thể đến tận ruộng của bà con. Từ đó đến nay vụ nào trồng lúa cũng trúng mùa”, ông Vọng vui mừng chia sẻ.

Ông Vọng cho biết, 3 năm nay, từ khi có âu thuyền Ninh Quới điều tiết mặn ngọt, vụ lúa nào cũng trúng mùa. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Vọng cho biết, 3 năm nay, từ khi có âu thuyền Ninh Quới điều tiết mặn ngọt, vụ lúa nào cũng trúng mùa. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân Nguyễn Hoàng Hải, ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, chia sẻ: Khi cống âu thuyền Ninh Quới chưa đưa vào khai thác, nước mặn 'ăn' sâu vào nội đồng. Những năm khô hạn, bà con liều mình bơm nước từ bên ngoài vào, không bao lâu thì lúa bị xèo dần rồi hư hết.

“Từ khi có cống âu thuyền, nông dân không chỉ trồng lúa hiệu quả, mà còn chủ động trồng rau màu vì không sợ lo thiếu nước ngọt”, ông Hải nói.

Chung niềm vui này, ông Trần Văn Ghi, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân: Mùa khô năm nay bà con không còn cảnh thiếu nước ngọt. Cống âu thuyền Ninh Quới đã điều tiết rất tốt nước mặn và ngọt nên làm lúa trúng lắm, năng suất tăng cao hơn hẳn mấy năm trước.

Không lo thiếu nước ngọt, người dân chủ động trồng rau màu tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trọng Linh.

Không lo thiếu nước ngọt, người dân chủ động trồng rau màu tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Quới A, cho biết, xã Ninh Quới A nằm dọc theo tuyến Cầu Sập - Ngan Dừa và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp. Trước đây vụ lúa đông xuân và vụ hè thu địa phương phải cho đắp đập lại vì sợ nước mặn xâm nhập nội đồng, do đó không thể lấy nước ngọt từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về, chủ yếu là sử dụng nguồn nước tích trữ từ các kênh, rạch bên trong đập.

Năm 2018, Bộ NN-PTNT được Thủ tướng phê duyệt cho xây dựng cống âu thuyền Ninh Quới, khởi công vào ngày 26/11, dự kiến đến tháng 4/2021 là hoàn thành. Tuy nhiên do tính cấp bách của công trình nên chủ đầu tư đã rút ngắn thời gian hoàn thành sớm hơn 14 tháng so với dự kiến và đến nay công trình thực sự mang lại hiệu quả cho vùng ĐBSCL.

Các cống được đầu tư đồng bộ, kiểm soát tốt mặn ngọt, phát huy tối đa hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Các cống được đầu tư đồng bộ, kiểm soát tốt mặn ngọt, phát huy tối đa hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Khởi, sau khi cống âu thuyền Ninh Quới được xây dựng, các tuyến kênh xung quanh cũng được đầu tư các cống nhỏ và bê tông hóa đồng bộ giúp kiểm soát mặn. Việc vận hành các cống luôn được chủ động để lấy nước theo lịch điều tiết nước của Sở NN-PTNT hai tuần một lần, nhờ đó người dân sản xuất được thuận lợi, vụ nào trúng vụ đó.

Hiệu quả được kiểm chứng qua 2 mùa khô

Ông Nguyễn Kỳ Phong, cán bộ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết: Nhờ cống âu thuyền Ninh Quới mà tình hình mặn xâm nhập vào vùng ngọt của TX Ngã Năm không còn xảy ra. Những năm trước đây vào thời điểm này mặn đã xâm nhập qua Ngã Năm, thậm chí còn xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 10km ảnh hưởng rất lớn về sản xuất nông nghiệp.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: Khi cống âu thuyền Ninh Quới được đóng lại nước mặn sẽ không xâm nhập đến vùng ngọt chuyên sản xuất lúa của TX Ngã Năm, ngược lại đẩy nước mặn vào sâu khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện Hồng Dân, khi điều tiết nước sẽ đáp ứng được lượng nước cũng như độ mặn cho diện tích đất vùng lúa – tôm tại Ngã Ba Đình, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Lộc Ninh…

Mới chỉ đưa vào vận hành sau hơn 3 năm, công trình cống âu thuyền Ninh Quới đã đem lại niềm vui cho nông dân các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và một phần của tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, đúc rút từ những kinh nghiệm của đợt hạn mặn khốc liệt năm 2015-2016, 2019-2020 tỉnh Bạc Liêu đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng chống hạn mặn. Có thể thấy rằng, đến thời điểm cuối tháng 3/2024, hạn mặn trong mùa khô 2023-2024 tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo, an toàn cho việc sản xuất, đến nay chưa bị thiệt hại gì đáng kể.

Công tác phòng chống và hạn chế xâm nhập mặn tại các địa phương được thực hiện kịp thời. Đặc biệt là việc vận hành cống âu thuyền Ninh Quới đã hỗ trợ rất tốt cho sản xuất lúa vụ đông xuân. 

Kiểm chứng qua 2 mùa khô khốc liệt, cống âu thuyền Ninh Quới đã chứng minh được hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Kiểm chứng qua 2 mùa khô khốc liệt, cống âu thuyền Ninh Quới đã chứng minh được hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Tại Sóc Trăng, ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh tế TX Ngã Năm, chia sẻ: Kể từ khi cống âu thuyền Ninh Quới đưa vào vận hành đến nay đã hơn 3 năm, công trình đáp ứng được việc ngăn mặn, do nước mặn từ hướng sông kênh xáng Phụng Hiệp chảy về TX Ngã Năm. Nếu không có cống âu thuyền Ninh Quới vùng ngọt của Ngã Năm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Nhờ chủ động ứng phó, xây dựng kịch bản từ trước nên mùa khô 2023 - 2024 tỉnh Bạc Liêu chưa bị ảnh hưởng gì đáng kể. Ảnh: Trọng Linh.

Nhờ chủ động ứng phó, xây dựng kịch bản từ trước nên mùa khô 2023 - 2024 tỉnh Bạc Liêu chưa bị ảnh hưởng gì đáng kể. Ảnh: Trọng Linh.

Vụ lúa đông xuân 2023-2024 tỉnh Bạc Liêu gieo sạ hơn 45.000ha. Đến nay tỉnh đã thu hoạch hơn 10.000ha, năng suất bình quân đạt 8 – 8,5 tấn/ha, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 4. Đối với vụ lúa - tôm, toàn tỉnh xuống giống hơn 46.850ha, đến nay đã thu hoạch dứt điểm, năng suất bình quân đạt hơn 5,8 tấn/ha.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.