Thú y thủy sản đối đầu nhiều khó khăn
Ngày 19/3, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị Phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc.
Theo báo cáo của Cục Thú y, trong năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 46.217 ha, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 24.297 ha); ngoài ra có khoảng 10.274 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 4.863 ha); ngoài ra có khoảng 105 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.
Năm 2020, phạm vi và diện tích có tôm thiệt hại hoặc bị mắc bệnh đều tăng so với năm 2019.
Cụ thể diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tăng gấp 1,94 lần (chiếm 5,97% tổng diện tích tôm thả nuôi); diện tích tôm bị mắc bệnh tăng 7,4%; hơn 76,45% diện tích tôm bị thiệt hại nhưng chưa xác định nguyên nhân.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, do diện tích tôm thả nuôi chưa nhiều (mới đạt gần 60% tổng diện tích nuôi), diện tích tôm bị thiệt hại và bị dịch bệnh đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.
Theo dự báo diện tích tôm nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do nhiều lí do như người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn,..) tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm; các yếu tố bất lợi như nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, theo hướng cực đoan,.. có thể tác động xấu làm tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, sức đề kháng yếu; đồng thời điều kiện môi trường biến đổi lại tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm.
Do đó, cần có giải pháp khắc phục như quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi và sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp.
Đồng thời, tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh, lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2020, dịch bệnh trên cá tra xảy ra tại 37 xã của 13 huyện thuộc 4 tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tổng diện tích cá tra bị dịch bệnh là 1.426,33 ha.
Một số bệnh chủ yếu thường gặp là bệnh gan thận mủ: 370,63 ha tại Đồng Tháp; bệnh do ký sinh trùng: 217,79 ha tại Đồng Tháp; bệnh xuất huyết với 1.023,36 ha tại Đồng Tháp, Quảng Nam, Cần Thơ và Vĩnh Long. Ngoài ra còn một diện tích nhỏ cá tra bị trắng gan, trắng mang, thối đuôi, phù đầu.
Công tác thú y thủy sản vô cùng cấp thiết
Theo số liệu cập nhập mới nhất, thủy sản chiếm 25,1% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, chăn nuôi chiếm 24,3%. Tổng 2 lĩnh vực này chiếm 49,45%, xấp xỉ một nửa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành thú y liên tục phải đối đầu với các khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải lỏng xả ra môi trường gây ô nhiễm, dịch bệnh, năm 2020 sản lượng thủy sản vẫn đạt được 8,41 triệu tấn trong đó nuôi trồng là 4,56 triệu tấn, khai thác là 3,85 triệu tấn.
Xuất khẩu thủy sản, mặc dù rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19, xâm ngập mặn, hạn hán, lũ chồng lũ, bão chồng bão, vẫn đạt mức 8,4 tỷ USD, góp vào 41,55 tỷ USD của ngành nông nghiệp, thặng dư là 10,2 tỷ.
Ngày 11/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định 339/QĐ-TTg 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu đạt 9,8 triệu tấn, trong đó khai thác chỉ còn 2,8 triệu tấn, nuôi trồng từ 4,55 triệu tấn lên 7 triệu tấn.
Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD, 3,5 triệu lao động gắn với thủy sản. Từ đó có thể thấy được tiềm năng, lợi thế của ngành thủy sản thời gian tới, đặc biệt là nuôi trồng, có vai trò rất quan trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết trong giai đoạn 2016 – 2020, theo tổng kết, diện tích thiệt hại của ngành thủy sản hàng năm khoảng 45.000 ha với giá trị khoảng 3.000 tỷ/năm. Lí do là vì dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh trên thủy sản đã được Cục Thú y xây dựng, trình Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương và sẽ ký kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch bệnh trên thủy sản trong thời gian tới.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các ngành, các cấp, các tỉnh thành bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch bệnh trên thủy sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong thời gian qua, một số tỉnh đã sáp nhập các đơn vị Trạm Thú y cấp huyện vào Trung tâm dịch vụ nông nghiệp với chức năng là đơn vị sự nghiệp.
Trong khi đó hiện nay chúng ta không có nguồn lực, không trang thiết bị để có thể chủ động xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh. Với thực trạng đó, số lô thủy sản xuất đi buộc phải tái xuất.
Nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu xây dựng những vùng an toàn thì khó có thể đảm bảo được những mục tiêu đã được đề ra trong chiến lược.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tính cấp thiết của công tác thú y phòng bệnh trên thủy sản vừa phục vụ nội tiêu, vừa phục vụ xuất khẩu.
Nếu không làm tốt, không những không đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng mà còn không đảm bảo được mục tiêu xuất khẩu, không đảm bảo được mục tiêu về an toàn thực phẩm và ảnh hưởng trực tiếp tới người nuôi trồng thủy sản và tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung.
"Hiện nay, dư địa chỉ còn thủy sản và chăn nuôi. Trong những năm qua, 2 ngành này đều tăng trưởng ở mức 5 – 6%. Nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy thì sẽ không đạt được mục tiêu do văn kiện Đại hội Đảng XIII đề ra, không thực hiện được chiến lược tái cơ cấu. Có thể thấy vai trò rất quan trọng của công tác thú y trong môi trường thủy sản", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.