| Hotline: 0983.970.780

Thiếu hệ thống cơ sở, ngành thú y gặp vô vàn khó khăn

Thứ Năm 07/01/2021 , 15:27 (GMT+7)

Trong thời gian qua, ngành thú y gặp phải vô vàn khó khăn, bất cập kể từ khi các trạm thú y địa phương sáp nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Nội vụ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Nội vụ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngày 7/1 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ về đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030”. Qua đó nhìn nhận và đánh giá lại tình hình chung của ngành thú y tại các địa phương.

Ngành thú y có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho động vật, đảm bảo sức khỏe con người. Theo thống kê, hiện nay có trên 75% các lại dịch bệnh ở người đều có nguồn gốc từ động vật. Ngành thú y còn có vai trò đảm bảo an toàn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật mà hầu như mọi gia đình, mọi người dân Việt Nam đang sử dụng hàng ngày.

Ngoài ra, thú y còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo kế sinh nhau cho khoảng 10 triệu hộ gia đình (ước tính có trên 40 triệu người dân Việt Nam); bảo vệ môi trường sinh thái và đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho hay, ngành thú y đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho hay, ngành thú y đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến hết năm 2020, cả nước có 7/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp tỉnh; 36/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập trạm thú y cấp huyện (trực thuộc Chi cục cấp tỉnh) với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp huyện và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp/Phòng Kinh tế do UBND cấp huyện quản lý; 6.411 người người làm công tác thú y tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã bị cắt giảm, nghỉ việc.

Cục trưởng Cục Thú y phản ánh: “Một trong những nguyên tắc trong phòng, chống dịch đã được Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là "chống dịch như chống giặc". Tuy nhiên, thời gian qua tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã sáp nhập các trạm thú y để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, dẫn đến rất nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập".

Một là không có văn bản quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành thú y.

Hai là rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Hiện nay công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ, thậm chí nhiều nơi không thực hiện, nhiều địa phương không còn lực lượng thú y để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; hệ quả là dịch bệnh thường lây lan rộng, dây dưa, kéo dài, gân tổn thất hàng nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2019, chỉ tính riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã gây tổn thất trên 13.000 tỷ đồng; các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dại, lở mồm long móng, tai xanh gia tăng mạnh và gần đây là dịch bệnh viêm da nổi cục đang hoành hành tại 16 tỉnh, thành phố, làm hàng nghìn trâu bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Bên cạnh đó, nguy cơ các dịch bệnh lây lan sang người gia tăng mạnh, dịch bệnh cúm gia cầm tăng gần 3 lần so với năm 2019; bệnh dại dẫn đến gần 100 người chết mỗi năm. Mỗi năm người dân đã phải bỏ ra ít nhất gần 1.000 tỷ đồng để điều trị, tiêm vacxin phòng bệnh dại.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ba là khó khăn trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Hiện nay các địa phương đang thiếu hụt nhiều kiểm dịch viên động vật để thực hiện các nhiệm vụ kiểm dịch theo quy định của Luật Thú y, ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, gây mất an toàn thực phẩm và gia tăng nguy cơ dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Đông cho hay: “Do địa bàn rộng, có nhiều đường ngang, ngõ tắt sang các địa phương khác nên công tác kiểm soát việc vận chuyển động vật gặp nhiều khó khăn hoặc không thực hiện được. Ngoài ra, khi dịch bệnh xảy ra cần thành lập các trạm, chốt kiểm dịch nhưng do không có nhân viên thú y tham gia, dẫn đến khó hoặc không thực hiện được các biện pháp chống dịch".

Bốn là những khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y không thể uỷ quyền thực hiện kiểm soát giết mổ cho cấp huyện, do các trung tâm dịch vụ nông nghiệp không thuộc quản lý trực tiếp của Chi cục.

Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp vẫn sử dụng mẫu dấu kiểm soát giết mổ không đúng theo quy định, thiếu nhân viên thú y, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý kiểm soát giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương.

Việc kiểm soát giết mổ cũng không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện, hiện nay chỉ kiểm soát được 30% trong tổng số 27.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Năm là khó khăn trong công tác quản lý thuốc thú y. Nhiệm vụ kiểm soát điều kiện buôn bán thuốc thú y tại các cửa hàng thuốc thú y hiện đang bị bỏ ngỏ. Việc thuốc thú y không có trong Danh mục được phép lưu hành không được xử lý, thu hồi đã gây ra rất nhiều hệ lụy.

Sáu là khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại. Hệ thống thú y thay đổi như hiện nay sẽ dẫn đến không vận hành theo đúng quy định tại Luật Thú y; các đối tác thương mại sang kiểm tra, thanh tra không thấy thực hiện theo quy định nên khả năng rất cao đưa ra các biện pháp quản lý, thậm chí dừng nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam.

Công tác triển khai giám sát, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đang gặp vô vàn khó khăn, xáo trộn do việc sáp nhập hệ thống thú y cơ sở. Ảnh: TL.

Công tác triển khai giám sát, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đang gặp vô vàn khó khăn, xáo trộn do việc sáp nhập hệ thống thú y cơ sở. Ảnh: TL.

Bảy là khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành gặp nhiều khó khăn, rất nhiều nơi hiện nay không thực hiện được.

Đánh giá chung những khó khăn mà ngành thú y phải đối mặt trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Dịch tả lợn Châu Phi vừa qua đã làm chết 6 triệu con, gây thiệt hại nặng nề, chưa kể đến các dịch bệnh khác như lở mồm long móng, tai xanh rất nghiêm trọng.

“Hiện nay vẫn còn 2.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Người ta mổ ở vỉa hè, mổ ở bờ sông, bờ suối, mổ ở chợ, ở nhà không thể nào mà quản lý hết được. Mà không quản lý được giết mổ thì không thể đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm được. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.