Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng Bộ NN-PTNT là một trong những Bộ lớn với đa ngành, đa lĩnh vực, có sự ảnh hưởng, tác động lớn.
Theo đó, vai trò của Bộ NN-PTNT trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh từ văn bản quy phạm pháp luật thuộc sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trường Sơn cho biết, việc trao đổi giữa hai bên nhằm nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NN-PTNT. Đặc biệt, nắm bắt tình hình việc tổ chức thực hiện: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (được phê duyệt tại Quyết định số 407); Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Quyết định 977); Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” (Quyết định 345).
Đối với kết quả thực hiện quyết định số 407, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) báo cáo, ngay từ năm 2022, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã chủ động truyền thông “tiếp thị” các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội thông qua nhiều hình thức linh hoạt, thực tiễn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội nghị, tọa đàm…
Truyền thông chính sách đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp lãnh đạo Bộ quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung Quyết định 407 để thống nhất nhận thức và hành động cho đội ngũ cán bộ. Đưa công tác truyền thông, tiếp thị chính sách ngang tầm với nhiệm vụ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí.
Về thực hiện Quyết định số 977, triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, từ năm 2023, Bộ NN-PTNT đã quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đánh giá nhu cầu, thực trạng thực hiện, sử dụng pháp luật của người dân; củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Về kết quả thực hiện quyết định số 345, Bộ NN-PTNT đã tổ chức rà soát các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đại diện Vụ Pháp chế cho hay, bên cạnh những hiệu quả đạt được, việc truyền thông, tiếp thị chính sách vẫn gặp một số hạn chế nhất định như việc lấy ý kiến ở một số văn bản còn mang tính hình thức, ý kiến góp ý còn chung chung, chưa nêu rõ ý kiến phù hợp cho từng đối tượng; chưa bố trí được cán bộ chuyên trách thực hiện các Đề án; kinh phí cho triển khai các Đề án còn hạn chế.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu một số thống kê để công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách của Bộ hoạt động hiệu quả hơn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng tin bài liên quan đến nông nghiệp đạt gần 150.000 tin bài, nhiều hơn so với 6 tháng đầu năm 2023 (đạt 107.000 tin bài). Số lượt truy cập quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng đạt 201 triệu, nhiều hơn so với năm 2023 (đạt 183 triệu lượt), trong đó, có nhiều lượt người đọc từ nước ngoài tiếp cận tin tức nông nghiệp từ các trang báo Việt Nam. Thông tin tích cực liên quan đến ngành nông nghiệp đạt 78,28% trong khi năm 2023 đạt 73,95%.
Số lượng tin bài về nông nghiệp trong ngày đạt nhiều nhất là 2.118 tin bài, và ít nhất khoảng 430 tin bài. Các báo dẫn đầu về số lượng tin bài trong lĩnh vực nông nghiệp tính từ đầu năm 2024 đến nay là Báo tin tức 4.604 tin bài, báo Dân Việt hơn 3.000 và Báo Nông nghiệp Việt Nam khoảng 2.818 tin bài, tiếp theo là Nhân Dân, Tiền Phong, Lao động…
Theo ông Lợi, những con số trên chứng tỏ, công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền ngành nông nghiệp trong đó có chính sách nông nghiệp đã tích cực hơn và dành được nhiều sự quan tâm hơn.