| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/08/2023 , 10:11 (GMT+7)
Nguyễn Thị Mai Hiên

Nguyễn Thị Mai Hiên

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) 10:11 - 08/08/2023

Truyền thông chính sách nông nghiệp

Để chính sách nông nghiệp là hơi thở của cuộc sống, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, hãy làm tốt việc truyền thông chính sách.

Suốt thời gian dài qua chúng ta đã quan tâm và đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và gần đây là thực hiện truyền thông chính sách. Vậy truyền thông và tuyên truyền có giống nhau không? Nếu không thì nó khác ở điểm nào? Tại sao cần quan tâm đến truyền thông chính sách và khi nào thì cần thực hiện truyền thông chính sách?

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” với mục tiêu từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối tượng truyền thông là các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí sau: chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật phải lập đề nghị xây dựng văn bản trước khi soạn thảo; tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Với hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn còn hiệu lực được đánh giá là cơ bản đầy đủ, hoàn thiện để điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai. Các quy định pháp luật cơ bản phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tiếp tục thực hiện mục tiêu “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân” tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh được khẳng định trong Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ NN-PTNT đã chủ động đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật của ngành mà trọng tâm là truyền thông chính sách.

Với hơn 60 triệu nhân khẩu ở khu vực nông thôn, chính sách về nông nghiệp luôn được đón nhận vì có tác động ngay trực tiếp tới họ. Và để chính sách nông nghiệp là hơi thở của cuộc sống, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, hãy làm tốt việc truyền thông chính sách.

Song song với thực hiện quy định quy trình 2 bước [1] khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2020, tại Bộ NN-PTNT hiện nay, trước khi đăng ký vào Chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ cần nghiên cứu để đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hay nói cách khác, chúng ta cần làm tốt việc truyền thông những ý tưởng, nội dung muốn điều chỉnh trước khi xây dựng chính sách để đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản của Bộ hay Chính phủ, rồi sau đó mới bắt tay vào soạn thảo văn bản pháp luật. Điều này đảm bảo truyền thông chính sách đi trước một bước, không chờ có chính sách mới truyền thông. Và đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa truyền thông với tuyên truyền.

Quy trình này bắt đầu từ việc làm tốt câu chuyện phát hiện vấn đề cần giải quyết. Lắng nghe, ghi nhận ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản cả thuận chiều và trái chiều; thu thập, tổng hợp kiến nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan qua phản ánh của dư luận; dự báo những tác động, ảnh hưởng của tình hình trong nước và quốc tế… có thể giúp chúng ta phát hiện ra vấn đề cần giải quyết. Các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất các nội dung đang tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, trong văn bản quy phạm pháp luật cần giải quyết.

Thủ trưởng đơn vị và tập thể lãnh đạo đơn vị báo cáo Lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách về những nội dung lớn, có tác động rộng đến xã hội, để Lãnh đạo Bộ quyết định nội dung cần thiết và các bước tiếp theo. Tôi gọi bước này là truyền thông trong nội bộ. Những ý tưởng được ghi nhận từ cá nhân, được thảo luận tập thể sẽ tạo sự đồng lòng, quyết tâm xây dựng chính sách. Truyền thông ý tưởng trong nội bộ rất quan trọng, nó phát huy được sức mạnh của tập thể lãnh đạo đơn vị, cũng tránh một hiện trạng mà gần đây chúng ta nghe thấy nhiều đó là làm chính sách bắt đầu từ chuyên viên.

Bước thứ 3 trong chuỗi quy trình là hoạt động lấy ý kiến đối với nội dung chính, những vấn đề dự kiến sẽ tác động tới quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, là tổ chức truyền thông về các nội dung dự kiến quy định với mong muốn nhận được càng nhiều sự phản hồi của xã hội, tổ chức, cá nhân. Trọng tâm của bước này là truyền thông chính sách tới cộng đồng.

Một chính sách tốt không phải là một chính sách cào bằng mà nó phải phù hợp với đối tượng mà chính sách muốn hướng đến, từ đó giải quyết được mục tiêu của chính sách. Do đó, một chính sách được ban hành sẽ không tránh khỏi nhiều luồng ý kiến đồng thuận có, phản đối có thậm chí lại dậy sóng dư luận như câu chuyện về “thịt lợn 8 tiếng”, “heo không được ăn bèo” cách đây vài năm cũng có, dẫu biết đôi khi nguyên nhân không xuất phát từ quy định pháp luật mà có lẽ từ chưa truyền thông chính sách hoặc truyền thông không đúng thời điểm.

Điều này đòi hỏi Bộ cũng như các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT phải thống nhất nhận thức về vai trò quan trọng của truyền thông chính sách, quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách, xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mỗi chính sách cần có chiến lược truyền thông phù hợp nhưng quan trọng là phải được bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện.

Sau khi thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin từ nhiều nguồn, cơ quan chủ trì báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách quyết định việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đăng ký vào Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ hằng năm. Và rồi quy trình xây dựng văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được bắt đầu thực hiện.

Mặc dù truyền thông chính sách chưa phải là một cấu thành bắt buộc của quy trình ban hành chính sách nhưng hy vọng với cách làm mới này[2], chính sách nông nghiệp sẽ luôn thể hiện được tiếng nói và mong muốn của bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước như mục tiêu của Đề án truyền thông giai đoạn 2022-2027 hướng đến.

***

[1] gồm đánh giá chính sách, lập đề nghị xây dựng và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

[2] Quyết định số 2179/QĐ-BNN-PC ngày 2/6/2023 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thôn ban hành Quy trình đề xuất, lập Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NN-PTNT.