| Hotline: 0983.970.780

Công thần của biển hay phận dã tràng? - [Bài 2] Những 'quyết định thu hồi' chóng vánh

Thứ Tư 07/08/2019 , 13:05 (GMT+7)

9 thành viên của HTX nuôi trồng thủy sản Cao Quyền vẫn còn chưa gượng dậy được sau việc thu hồi đất của dự án Tuần Châu, thì nay chính thức suy sụp sau quyết định “buộc trả lại” đất bãi triều và đất đầm của TP Hạ Long.

Đánh úp bằng “biên bản vi phạm”

Khoảng cữ trung tuần tháng 4/2019, người dân nuôi trồng thủy sản ở thôn Cầu Trắng, phường Đại Yên “được triệu tập” lên phường với lý do “đo đạc và kê khai lại diện tích đầm và bãi triều”. Nhưng không phải UBND phường mời đồng loạt ngư dân, mà từng hộ một được mời lên kê khai riêng rẽ.

Chắc mẩm đợt này sẽ có sổ hồng, hay ít nhất phải có giấy chứng nhận hay giấy tờ gì đó liên quan đến quyền sử dụng bãi triều, nên ngư dân phấn khởi lắm. Họ í ới rủ nhau lên phường để kê khai. Trong một ngày, hơn 200 hộ dân đã “thực hiện xong nghĩa vụ kê khai và chờ ngày vui đến”, anh Giang cho biết thế.

Quyết định “buộc trả lại” bãi triều do UBND TP Hạ Long ban hành.

Thế nhưng, ngay đầu tháng 5, cán bộ địa chính phường chuyển đến cho người dân 1 tập giấy tờ, trong đó có “Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai”, được lập bởi “tổ liên ngành” gồm UBND phường Đại Yên, Phòng Tài nguyên – Môi trường và Phòng Kinh tế TP Hạ Long. Biên bản ghi rõ, hộ dân A vi phạm trong việc lấn chiếm bãi triều. Trong tập giấy tờ đó, ngặt không thấy có “giấy chứng nhận” hay bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến quyền sử dụng của họ.

Ngã ngửa người trước sự việc trên, tất cả ngư dân đều không đồng ý ký vào biên bản, vì theo họ, “chúng tôi có vi phạm đâu mà ký”. Theo lý giải của ngư dân, bãi triều đã chia ra các ô, thửa, mỗi gia đình sở hữu diện tích nhất định, có đóng phí hằng năm cho UBND phường từ những năm 1996 đến hết năm 2014, khi UBND tỉnh chỉ thị không được thu phí thuê đầm của ngư dân.

“Mỗi năm gia đình tôi đóng mấy chục triệu tiền phí thu đầm, còn biên lai đóng dấu đỏ đàng hoàng. Vả lại, diện tích các ô, thửa của từng gia đình đã được giới hạn bởi hàng cọc bê tông nên chúng tôi lấn chiếm đi đâu, lấn chiếm của ai được?”, chị Hiên bức xúc.

Theo chị Hiên, toàn bộ diện tích đầm đã được chia ổn định đối với các hộ dân. Nếu hộ nào không sử dụng nữa thì có thể chuyển cho người khác, hoặc con cháu tiếp tục nuôi trồng, có đơn và xác nhận của phường. Từ bao nhiêu năm nay, ở khu vực nuôi trồng thuộc thôn Cầu Trắng, các hộ gia đình ngư dân chỉ biết bảo ban nhau làm ăn thế nào cho hiệu quả, chứ chưa bao giờ xảy ra tình trạng đánh nhau, hoặc tranh giành to tiếng vì việc lấn chiếm.

Tiếp xúc với PV, những ngư dân hồn hậu ở đây cho biết, khi phường mời lên, họ chỉ biết kê khai phần diện tích đang sử dụng để nuôi hàu, nuôi sò, chứ nào ngờ sự việc bỗng dưng bị “đổi trắng thay đen” như thế. Bởi vậy, khi biên bản nói họ lấn chiếm bãi triều đến tay họ, cảm giác ngỡ ngàng ban đầu qua đi rất nhanh, thay vào đó là nỗi bức xúc, tức giận.

“Thế này thì khác gì chính quyền lừa ngư dân. Chúng tôi đầu tư hàng tỷ đồng vào đầm, chỉ mong yên ổn để làm ăn hiệu quả. Mà chúng tôi nào có lấn chiếm của ai. Nếu bảo lấn chiếm, thì cũng chỉ có nước lấn ra biển, mà lấn ra biển thì nuôi trồng sao được mà lấn”, ông Lương Cao Quý, một ngư dân thôn Cầu Trắng, giãi bày.
 

“Buộc trả lại bãi triều” vì vi phạm trên giấy

Có “thượng phương bảo kiếm” là các biên bản vi phạm trong tay, UBND TP Hạ Long ngay lập tức tổ chức họp, thông báo ý kiến của ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP, về quyết định “buộc các hộ trả lại bãi triều”, do vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai (?!).

Nỗi lo lắng, bức xúc khi bị “vu oan” bởi biên bản vi phạm hành chính chưa nguôi ngoai, thì “tai họa” lại ập đến với ngư dân Đại Yên khi UBND phường “tống đạt” quyết định thu hồi đất đầm và bãi triều của UBND TP Hạ Long.

Sau khi căn cứ đến hàng chục quyết định của Chính phủ, của UBND tỉnh, của UBND TP… cho thuyết phục, Quyết định “buộc trả lại bãi triều” nêu rõ: “Buộc ông A phải trả lại đất bãi triều tại khu Cầu Trắng, phường Đại Yên theo Khoản 5, Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Lý do là ông A đã chiếm đất bãi triều do UBND phường Đại Yên quản lý”…

Ngoài ra, ngư dân phải thực hiện việc di dời tài sản, cây cối, hoa màu, vật nuôi đang có trong thửa đất, bàn giao cho phường. Nếu không, chính quyền sẽ có biện pháp cưỡng chế.

12-14-59_20190731_071618
Ngư dân loay hay không biết trông vào đâu khi bãi triều bị thu hồi.

Điều đáng nói là, quyết định được đưa ra ngày 7/6/2019, đến ngày 19/6/2019 UBND phường mới chuyển đến cho ngư dân. Tuy nhiên, trong các quyết định trên, hạn chót để ngư dân di chuyển tài sản, vật nuôi là 10/7/2019.

Chỉ trong vòng hơn chục ngày, chính quyền bắt ngư dân di chuyển toàn bộ hàu, hà, sò ra khỏi đầm. Chưa nói đến quyết định về mặt thời gian đúng sai thế nào, vấn đề ở chỗ, nếu di chuyển được, thì họ mang đi đâu?

Quay trở lại tính pháp lý của Quyết định buộc trả lại bãi triều do UBND TP Hạ Long ban hành, trong Quyết định 209 về việc ban hành quy định quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bãi triều, mặt nước biển trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh, do ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ký ngày 17/1/2016, tại Điều 7 có quy định: “… Cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê bãi triều, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thì có thẩm quyền gia hạn, sửa đổi bổ sung quyết định, thu hồi, cho phép trả lại mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trước khi ra quyết định thu hồi mặt nước đã giao hoặc cho thuê, cơ quan ký quyết định thu hồi phải thông báo trước sáu (06) tháng cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi biết”.

Như vậy, chỉ riêng về mặt thời gian, UBND TP Hạ Long đã ra quyết định sai so với tinh thần Quyết định 209 của UBND tỉnh.

Có lẽ, vì lý do nhà đầu tư thúc ép, hoặc muốn nhanh chóng “thực hiện chặt chẽ việc quản lý bãi triều” mà UBND TP Hạ Long quên mất không thực hiện quyết định 209 của UBND tỉnh. Ngoài ra, một số văn bản, thông báo của cơ quan này do ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP ký, cũng xảy ra rất nhiều lỗi buồn cười.

NNVN tiếp tục thông tin cụ thể trong các số báo sau.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.