| Hotline: 0983.970.780

Công trình thuỷ lợi đang bị xâm hại tràn lan: Năng lực quản lý yếu

Thứ Năm 28/07/2022 , 09:25 (GMT+7)

Cần nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý để các công trình thủy lợi phát huy được vai trò phục vụ đời sống và sản xuất.

Lực lượng mỏng, chưa đảm bảo chuyên môn

Toàn tỉnh Quảng Nam hiện tại có 73 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích hữu ích xấp xỉ gần 500 triệu m3 nước (trong đó hồ chứa nước thủy lợi Phú Ninh có dung tích lớn nhất 344 triệu m3 nước). Hiện nay, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi quản lý 17 hồ chứa nước có dung tích trên 1.000.000 m3 nước (trong đó có hồ chứa nước Hương Mao là công trình dự trữ cấp nước chống hạn và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân).

Tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều hồ chứa, công trình thủy lợi phân bố khắp các địa phương. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều hồ chứa, công trình thủy lợi phân bố khắp các địa phương. Ảnh: L.K.

56 hồ chứa nước nhỏ còn lại do các địa phương quản lý. Ngoài ra, tỉnh này còn có tổng cộng 889 đập dâng nước; 242 trạm bơm; có 3.734km kênh mương các loại; 65 ao thu nước nhỉ lấy nước ngầm trong cát. Từ thực tế cho thấy, các công trình thủy lợi đã cơ bản đảm bảo nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác hằng năm, tăng năng suất và sản lượng cây lương thực.

Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh này cũng tạo điều kiện thực hiện cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, áp dụng giống mới vào đồng ruộng và phát triển ngày càng mạnh các loại cây có giá trị kinh tế cao, tạo ra những vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

Theo đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, bên cạnh những lợi ích mà các công trình thủy lợi trên địa bàn mang lại thì công tác Thủy lợi của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình. Nhất là ở các địa phương. Công tác quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quan tâm, năng lực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của các Tổ chức thủy lợi cơ sở ở các địa phương còn hạn chế.

Ông Phạm Quang Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, lực lượng phụ trách về thủy lợi ở các địa phương còn rất mỏng, chưa thường xuyên được đào tạo, nâng cao tay nghề nên chưa đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định, hiệu quả quản lý và khai thác công trình chưa cao; kinh phí phân bổ cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình còn hạn chế nên công trình nhanh bị hư hỏng, xuống cấp; tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình xảy ra nhiều ở các địa phương.

Nhiều hệ thống kênh mương bị người dân lấn chiếm ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu. Ảnh: Đình Thung.

Nhiều hệ thống kênh mương bị người dân lấn chiếm ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu. Ảnh: Đình Thung.

“Còn đối với các công trình do Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý thì tình trạng vi phạm an toàn các công trình thủy lợi ít hơn. Bởi đây là một đơn vị chuyên ngành, nguồn nhân lực cơ bản khá, ổn định, đảm bảo được quy định theo Luật, Nghị định liên quan đến luật thủy lợi. Do đó, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi khá bài bản, cán bộ công chức, viên chức thường xuyên được đào tạo, tập huấn và tâm huyết”, ông Đông nói.

Nhiều khó khăn, vướng mắc 

Theo báo cáo về tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, các hình thức vi phạm chủ yếu đối với các công trình trên địa bàn trong những năm vừa qua chủ yếu gồm: Gây cản trở dòng chảy; đổ rác, chất thải vào công trình; xây dựng, cơi nới, phá dỡ các công trình trong hành lang hồ đập; lập bến bãi, khai thác, nổ mìn, điều khiển phương tiện giao thông ở các công trình thủy lợi…

Ông Đào Văn Thiên, Phó giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, những năm qua, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm an toàn các công trình thủy lợi. Để kịp thời phát hiện các vụ vi phạm, Cty đã phân từng khu vực, đoạn kênh mương cho từng nhân viên quản lý, đồng thời thường xuyên giám sát, theo dõi. Địa điểm nào có vi phạm thì nhân viên phụ trách khu vực đó phải chịu trách nhiệm.

“Tuy nhiên, tình trạng vẫn thường xuyên xảy ra nhất trên các kênh mương hiện nay vẫn là việc xả rác thải, ảnh hưởng đến khu dân cư, đồng ruộng ở cuối kênh, an toàn kênh, ô nhiễm môi trường. Vừa qua, UBND huyện Thăng Bình cũng đã có nhiều văn bản liên quan đến việc xả thải vào kênh mương. Sau đó Cty đã trả lời phúc đáp và huyện Thăng Bình tiếp tục có văn bản gửi cho các xã phương có tuyến kênh chạy qua nhằm nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này”, ông Thiên nói.

Cũng theo ông Thiên, ngoài việc xả thải thì các trường hợp vi phạm về xây dựng, trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn còn tồn tại đến nay chưa thể giải quyết do nhiều vướng mắc. Chủ yếu là các vi phạm trước đây chưa được giải quyết dứt điểm, người dân còn dây dưa trong công tác giải tỏa hoặc cố tình kéo dài không chịu giải tỏa; đối tượng chủ yếu là các hộ dân sống dọc theo công trình thuỷ lợi.

Nhiều đợt ra quân tuyên truyền được thực hiện để người dân nắm rõ, tránh vi phạm an toàn toàn các công trình thủy lợi. Ảnh: L.K.

Nhiều đợt ra quân tuyên truyền được thực hiện để người dân nắm rõ, tránh vi phạm an toàn toàn các công trình thủy lợi. Ảnh: L.K.

Nguyên nhân là khu vực đất đó đã được cấp sổ đỏ cho người dân, hoặc trước đó người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng kênh mương. Tuy nhiên, sau khi Luật Thủy lợi ra đời, hành lang bảo vệ công trình được mở rộng nên diện tích này bị chồng lấn. Do đó, biện pháp ngăn chặn chủ yếu là tuyên truyền, vận động. Trường hợp việc sử dụng gây ảnh hưởng thì phải có biện pháp khắc phục. Nếu không thể khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ công trình, xem nhiệm vụ bảo vệ công trình là nhiệm vụ riêng của ngành thủy lợi. Điều này dẫn đến người dân vi phạm không xử lý, nếu có xử lý cũng không cương quyết, còn né tránh, ngại va chạm. Ngoài ra, ý thức về việc bảo vệ công trình thủy lợi đối với một số hộ dân còn hạn chế, chưa nhận thức được hành vi của mình là gây mất an toàn công trình.

“Một số địa phương ngại va chạm với người dân nên công tác xử lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm, không mang tính ren đe nên người dân chưa nắm rõ Luật, chưa nhìn thấy được tác hại, ảnh hưởng của sự việc mình gây ra, họ chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt; Các đồng chí phụ trách tại các địa phương chưa nắm rõ Luật và các Văn bản dưới Luật nên vẫn còn coi nhẹ công tác phối hợp, xử lý vi phạm”, ông Phạm Quang Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Từ thực tế này, Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, công nhân khai thác công trình thủy lợi, người của các tổ chức thủy lợi cơ sở. Đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy trình kỹ thuật mới trong công tác thủy lợi. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin truyền thông nâng cao nhận thức người dân trong quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Hằng năm, UBND tỉnh Quảng Nam đều chỉ đạo Sở NN-PTNT thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Ngành chức năng tỉnh này cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị quản lý khai thác tăng cường công tác quản lý, tổ chức tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật của Nhà nước về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều cho các tổ chức, cá nhân.

“Mỗi năm, chúng tôi đều trích kinh phí hàng trăm triệu đồng để xây dựng xây dựng các barie ngăn cản các xe vượt tải trọng lưu thông trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; làm biển báo, pa nô, tờ rơi tuyên truyền với các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu để người dân nắm rõ các quy định của Luật Thủy lợi. Song song song với đó là giải tỏa cây trồng nằm trong hành lang vùng phụ cận công trình kênh, hồ chứa”, ông Đào Văn Thiên, Phó Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam nói.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.