Vi phạm táo tợn
Nhắc đến chuyện các công trình thủy lợi trên địa bàn bị xâm hại, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, không khỏi lắc đầu ngao ngán. Ông trầm ngâm như để nhớ lại, nói: “Chuyện không phải mới đây, mà đã từ lâu lắm rồi. Vi phạm phổ biến nhất là trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình; xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi lấn chiếm phạm vi bảo vệ đập và bờ kênh; xả rác thải xuống kênh mương, ngoài ra còn nhiều hình thức vi phạm khác kể không xuể”.
Các công trình thủy lợi ở tỉnh này còn bị xâm hại với những hành vi rất táo tợn. Ví như vào mùa khô năm 2015, năm ấy hạn gắt, nước hồ Hội Sơn nằm trên địa bàn huyện Phù Cát suy giảm nghiêm trọng, nhưng phải chắt chiu để cung cấp nước tưới cho 177ha đất nông nghiệp nằm trên địa bàn thôn Hội Sơn (xã Cát Sơn) và tiếp nước cho hồ Thạch Bàn để tưới cho vùng ruộng cuối nguồn qua 2 tuyến kênh NC và NC1.
Thấy 2 tuyến kênh NC và NC1 có nước, vậy là những hộ dân có ruộng nằm 2 bên tuyến kênh liền đục thủng cả kênh để nước chảy vào ruộng của họ. Tuyến kênh NC dài chỉ 6km mà có đến 80 lỗ bị đục, còn tuyến kênh NC1 dài 4km bị đục đến 60 lỗ. Mỗi lỗ có đường kính từ 10-15cm, thậm chí có lỗ bị đục rộng đến 20cm, gắn đường ống vào đưa nước về nhà phục vụ nghề nuôi vịt và tắm cho gia súc.
Không chỉ vậy, những cái máy đóng mở nước thuộc hệ thống kênh tưới hồ Hội Sơn còn bị người dân đập phá hư hỏng. Ở những nơi có máy đóng mở nước bị phá hỏng, nước thoải mái chảy vì không còn đóng mở được, nước thấm lậu vào bờ đất lâu ngày dẫn đến làm sập bờ kênh nổi. Còn tại những lỗ đục nếu không được bịt lại, vào mùa mưa lũ, nước tràn xuống kênh, chảy qua những lỗ thủng sẽ phá hỏng bờ đất, đến khi ấy cả tuyến kênh bị nước lũ đe dọa.
Còn chuyện người dân ở các địa phương có kênh chạy qua lấn chiếm hành lang kênh để cất chòi, làm công trình phụ kiên cố, chăn thả vịt trong lòng kênh, trồng cây lâu năm và trồng hoa màu trên bờ kênh thì xảy ra nhan nhản. Có nhiều trường hợp người dân tự ý làm cầu bắc qua kênh gây cản trở dòng chảy và hàng ngàn trường hợp đào kênh lắp đặt cống lấy nước trên kênh.
Đáng lo ngại nhất là những trường hợp lấn kênh xây hàng rào kiên cố, đóng cọc kè bờ, đục phá lòng kênh để xây nhà ở. Đó là chưa kể đến nhiều hành vi xâm phạm khác như khai thác đất, cát, đánh chất nổ bắt cá trong phạm vi bảo vệ ảnh hưởng đến an toàn của công trình.
Một số vụ vi phạm đã được chính quyền địa phương xử lý, thế nhưng sau đó không tiếp tục giám sát, kiểm tra nên chẳng bao lâu sau các công trình thủy lợi lại bị “tái chiếm”. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cấp có thẩm quyền và ngành chức năng chưa được gắn kết, chính quyền cơ sở thường cả nể, ngại va chạm nên thiếu nhiệt tình, do đó những vụ vi phạm không được xử lý triệt để.
Chính quyền địa phương buông lỏng
Trước tình trạng xâm hại công trình trình thủy lợi đến mức báo động, để thực thi pháp luật trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, năm 2020, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, tình trạng xâm hại công trình thủy lợi trên địa bàn Bình Định đến thời điểm này đã có hơn 1.000 vụ. Trong đó, có 1.027 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và 29 vụ xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
Riêng trong năm 2020 có 35 trường hợp vi phạm, trong đó có 28 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình như xây dựng rào, chuồng trại và công trình kiên cố trong phạm vi bờ kênh; tự ý đục kênh bê tông để lấy nước vào ruộng; tự ý đóng mở cống điều tiết, đập phá van điều tiết. Đặc biệt có 2 trường hợp khai thác đất trái phép trong lòng hồ Đồng Quang (huyện Hoài Ân) và hồ Đá Bàn (huyện Phù Mỹ), 1 trường hợp đổ bê tông làm đường giao thông qua tràn xả lũ, nâng cao trình ngưỡng tràn hồ Mu Rùa (huyện Phù Cát) dẫn tới hồ bị giảm khả năng thoát lũ.
Vùng hạ lưu đập 2 hồ chứa Cây Thích và Đá Vàng (huyện Tuy Phước) nằm trong đất của Bộ Quốc Phòng, Lữ đoàn 675 Pháo binh xây dựng doanh trại cắt mất đường vào 2 hồ chứa, bởi tuyến kênh tưới của 2 hồ chứa Cây Thích và hồ Đá Vàng nằm trong khu vực doanh trại.
UBND tỉnh Bình Định phải có văn bản gửi Lữ đoàn 675 đề nghị công trình phải được xây dựng cách chân đập hồ Đá Vàng và hồ Cây Thích 50m; điều chỉnh tuyến kênh tưới hồ Cây Thích và mở tuyến đường phục vụ quản lý, cứu hộ công trình của 2 hồ chứa ở vị trí độc lập ngoài doanh trại. Sau đó Bộ Tư lệnh Pháo binh đồng ý các đề nghị của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, bước sang năm 2021 tình trạng xâm hại công trình thủy lợi vẫn tiếp diễn, ngành chức năng đã lập biên bản 19 trường hợp vi phạm và gửi công văn đến chính quyền địa phương đề nghị xử lý. Tuy nhiên, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa được chính quyền địa phương áp dụng, nên việc xử lý chưa mang tính giáo dục người dân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi. Ngoài ra, các hồ chứa địa phương mới bàn giao cho công ty quản lý trong phạm vi bảo vệ đập hầu hết bị lấn chiếm trồng cây lâu năm và hoa màu; một số trường hợp xây dựng chuồng trại, nhà ở.
“Thậm chí có trường hợp lấn chiếm phạm vi bảo vệ đập để xây dựng nhà ở còn được địa phương cấp sổ đỏ. Qua thống kê sơ bộ có khoảng hơn 100 trường hợp vi phạm như vậy. Hiện công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lập biên bản và bàn hướng giải quyết”, ông Tánh chia sẻ.
Giải thích nguyên nhân hành vi xâm hại các công trình thủy lợi trên địa bàn “liên tục phát triển”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết hiện lực lượng quản lý Nhà nước lĩnh vực thủy lợi ở cấp xã, cấp huyện rất hạn chế, hầu hết mỗi địa phương chỉ có 1 biên chế.
Trong khi đó phải theo dõi nhiều lĩnh vực, nên hạn chế trong việc hỗ trợ cho bộ phận chuyên môn ở cơ sở tổ chức thực hiện xử lý vi phạm. Đáng quan ngại nhất là chính quyền địa phương cơ sở chưa tích cực phối hợp với ngành chức năng trong xử lý vi phạm; không ngăn chặn kịp thời, có nhiều trường hợp vụ việc mới phát sinh nhưng không xử lý để vượt thẩm quyền cấp xã, gây tồn đọng kéo dài.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định: “Chúng tôi đã chia sẻ thông tin, số liệu các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong năm 2020 cho Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bình Định) để có biện pháp xử lý. Trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2021, chúng tôi có mời phòng PA04 Công an tỉnh Bình Định phối hợp kiểm tra các hồ sơ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý để có biện pháp phối hợp ngăn ngừa, xử lý”.