| Hotline: 0983.970.780

Công ty DCB lừa bán đất dự án để chiếm đoạt tài sản

Thứ Bảy 05/12/2020 , 10:03 (GMT+7)

Công ty DCB lợi dụng thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang "nóng" đã dựng các dự án “ma” nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân, nhà đầu tư.

Các dự án sau nhiều năm đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: Đình Sơn. 

Các dự án sau nhiều năm đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: Đình Sơn. 

Giao bán đất dự án thiếu minh bạch

Quảng cáo trên một số tờ báo, mạng xã hội Tập đoàn địa ốc DCB cho rằng đang sở hữu hai dự án đất tiềm năng tại khu Tây Sài gòn với tổng diện tích 6.000 m2 và mức giá 200 tỉ đồng tại quận Bình Tân. Đó là dự án 50 Nguyễn Quý Yêm với diện tích hơn 3.000 m2 và dự án 230 Hồ Học Lãm cũng với diện tích tương tự.

Theo quảng cáo thì: “Điểm chung của hai dự án này đều nằm ở vị trí đắc địa, gần các trục đường lớn như An Dương Vương, Võ Văn Kiệt, thuộc trục kết nối giữa quận 1 và quận 6 nên việc di chuyển khá thuận lợi và dễ dàng. Việc nằm gần trung tâm hành chính, bệnh viện, trường học, an ninh… cũng là những điểm cộng các dự án này. Từ đây sẽ hình thành nên cụm dân cư cao cấp, cải thiện bộ mặt đô thị cho khu vực và nâng cao chất lượng sống cư dân trong tương lai gần.

Khu đất 230 Hồ Ngọc Lãm được giới thiệu là: Dự án 230 Hồ Học Lãm DCB Real Estate tại P. An Lạc, Q. Bình Tân. GCN: CH04083 cấp ngày 27/2/2012 với diện tích: 3.072 m2. Thửa 424, tờ 107, phường An Lạc, Bình Tân, chuyển nhượng từ ông bà Lâm Hoàng - La Ngọc Vũ.

Trong khi đó, khu đất tại 230 Hồ Ngọc Lãm, theo tìm hiểu được biết đã được chuyển nhượng cho một người khác từ tháng 1/2019, cơ quan pháp luật đang cấm các giao dịch liên quan đến bất động sản này.

Tổng Giám đốc Công ty DCB bị tố lừa đảo

Ông Nguyễn Văn Chung (SN 1986), Tổng Giám đốc Công ty TNHH đo đạc tư vấn thiết kế xây dựng DCB (Công ty DCB; tự giới thiệu thuộc Tập đoàn Địa ốc DCB bao gồm các Cty: Công ty DCB, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển địa ốc DCB, Cty Cổ phần Tập đoàn địa ốc DCB, Cty Cổ phần DCB. Tổng giám đốc kiêm nhà đồng hành sáng lập Tập đoàn địa ốc DCB là bà Thái Thiên Hồng Đào.

Năm 2019, ông Chung với chức danh Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc DCB đại diện cho tập đoàn này nhận danh hiệu Top 50 Nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2019) đang bị nhiều người dân tố cáo là có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi thực hiện các giao dịch bất động sản.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Chung (SN 1986, trú tại quận Bình Tân, TP. HCM), Tổng Giám đốc Cty TNHH đo đạc tư vấn thiết kế xây dựng DCB (Công ty DCB, địa chỉ 63 Thoại Ngọc Hầu, Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) đã nhận tiền của rất nhiều khách hàng khi bán dự án "ma". Tuy nhiên, hiện nay người mua thì không thấy đất ở đâu mà bên bán trốn biệt tăm.

Trụ sở Công ty DCB. Ảnh: ST.

Trụ sở Công ty DCB. Ảnh: ST.

Cụ thể, ngày 23/7/2018, qua "cò” đất giới thiệu, anh Đỗ Văn Quyết (SN 1974, ngụ Q.12) đã ký "Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất" cho lô D18, một phần thửa đất tại tờ bản đồ số 2, P. Tân Chánh Hiệp, Q. 12, theo bản vẽ do bên bán tự phân lô lập ra. Bên mua phải đóng 858 triệu đồng (làm tròn) trước trên tổng giá trị nền là 2,8 tỷ đồng (làm tròn). 7 tháng sau sẽ ra sổ đỏ, phía người mua phải thanh toán hết số tiền còn lại và bên bán sẽ sang tên sổ cho người mua.

Theo hợp đồng này, người bán đứng tên cá nhân Nguyễn Văn Chung, nhưng cuối hợp đồng thì đóng dấu của Công ty DCB, do chính ông Chung làm Tổng Giám đốc. Giấy biên nhận tiền cũng đóng dấu của Công ty DCB.

Tới tháng 1/2019 như đã hẹn, người mua gọi lên công ty hỏi về sổ đất để sang tên. Phía DCB thông báo, chưa ra được sổ và hẹn khách hàng thêm 2 tháng để sang tên. Đến hẹn, không thấy phía Công ty DCB liên lạc và bên mua yêu cầu giải quyết hoàn trả lại số tiền cọc, thì bên bán là ông Chung không gặp cũng như không liên lạc.

"Cùng chung số phận" với anh Quyết, anh Trần Văn Chung (SN 1991, ngụ Q.Gò Vấp) cũng bị lừa lấy hơn một tỷ đồng mà đến nay cũng chưa thấy đất ở đâu tại Q.12.

Ông Huỳnh Tấn Tây – Phó chủ tịch UBND P. Tân Chánh Hiệp (Q.12) cho biết, các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 2 mà các khách hàng trên đã đặt cọc hiện đứng tên bà Nguyễn Thị Thu Vân. Khu đất trên thuộc quy hoạch đất công trình công cộng và một phần thuộc hành lang an toàn điện.

Hiện cơ quan có thẩm quyền không phê duyệt hay thỏa thuận bất kì dự án nào thuộc khu vực này. Tại vị trí trên, một số đối tượng tự ý "vẽ” ra để phân lô, đặt tên dự án và ngang nhiên rao bán. Để cảnh báo, UBND phường đã ban hành thông báo số 582 về việc cảnh báo mua bán đất nền nhà phố cho người dân biết.

Bà Võ Thị Hiền (SN 1960, ngụ Q.Tân Phú) cũng có đơn tố cáo Tổng Giám đốc Chung đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền 3,880 tỷ đồng. Đầu tháng 10/2017, qua sự giới thiệu của ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Công ty DCB, bà Hiền ký "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" một phần nhà 117-119-121-123 đường Lê Sao, P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú, thuộc thửa đất số 12 và số 38 thuộc giấy chứng nhận số 6215/2007 do UBND Q. Tân Phú cấp, đính kèm bản vẽ số 221/2017 của Công ty DCB. Tại thời điểm này, bà Hiền đã đặt cọc cho ông Chung 2 tỷ đồng…

Từ tháng 2/2020 đến nay, ông Chung có ý bán miếng đất số 230 Hồ Ngọc Lãm (P. An Lạc, Q. Bình Tân) cho bà Hiền để khấu trừ nợ. Nhưng đến nay, tất cả lô đất của ông Chung bán cho khách hàng đều không ra sổ được và Tổng Giám đốc Chung cũng không đứng tên chủ quyền.

Nhiều chủ dự án “ma” bị xử lý

Thời gian gần đây, không ít giám đốc công ty bất động sản bị công an mời lên làm việc, khởi tố; nhiều địa phương tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý dự án "ma".

Khu đất thuộc quy hoạch đất công cộng. Ảnh: Đình Sơn.

Khu đất thuộc quy hoạch đất công cộng. Ảnh: Đình Sơn.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Địa ốc Bất động sản Thiên Ân Phát (Công ty Thiên Ân Phát) do một lô đất có tên khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2 (phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) được bán cho nhiều người.

Công an TP. HCM cũng đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long liên quan đến hàng loạt dự án bất động sản tại TP HCM; khởi tố ông Đặng Tiến Tường, Giám đốc Công ty CP Kim Home Land…

Còn tại quận 9, TP. HCM từ thực tế trong 2 năm xảy ra nhiều dự án phân lô, bán nền nằm trên giấy như đường Bưng Ông Thoàn (4 dự án), đường Nguyễn Xiển (3 dự án), đường Nguyễn Thị Tư (2 dự án)…; UBND quận đã có động thái mạnh tay ngăn chặn dự án ma bằng cách phối hợp thông tin và chuyển hàng loạt đơn tố cáo của người dân đến công an xử lý.

Ngoài Công ty CP Bất động sản Phát An Gia (quận 9) rơi vào "tầm ngắm", có thêm 3 công ty lén lút phân lô bán nền và "vẽ" dự án trên giấy cũng đang bị Phòng Quản lý đô thị quận 9 tập hợp hồ sơ chuyển cho cơ quan công an.

 Tương tự, UBND quận Bình Tân cũng vừa hoàn tất chuyển thông tin đến cơ quan Công an TP HCM về một số công ty từng rao bán các khu đất không có thật để thu tiền khách hàng, bị người dân nhiều lần làm đơn tố cáo.

Theo các chuyên gia pháp lý cảnh báo, hầu hết các khách hàng sau khi bị các công ty bất động sản lừa đảo đều rơi vào tình cảnh mất toàn bộ tiền do các đối tượng này thừa nhận không đủ tiền khắc phục. Vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm