Dân tố công ty làm sai
Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép khai thác quặng Apatit bằng phương pháp lộ thiên tại khai trường 25 (Bắc Nhạc Sơn) thuộc xã Quang Kim và xã Bản Qua (huyện Bát Xát, Lào Cai). Quặng từ khai trường này là nguồn cung cấp nguyên liệu cho tổ hợp nhà máy hoá chất Đức Giang tại khu công nghiệp Tằng Lỏong (huyện Bảo Thắng) hoạt động, nằm cách khai trường 40km.
Thế nhưng, tại khai trường 25 của Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang hiện nay cũng đang tạm dừng hoạt động do một số nguyên nhân.
Song sự việc nổi cộm nhất tại khai trường này là tranh chấp đất đai giữa các hộ dân có đất trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án.
Ông Lê Văn Triển thôn Châu Giàng, xã Bản Qua (nay thuộc tổ 9 thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát), đại diện hộ gia đình chưa đồng tình với việc thu hồi đất dự án vì rằng giá thu đền bù thấp trong khi Công ty Cổ phần tập đoàn hoá chất Đức Giang là công ty đại chúng, doanh nghiệp tư nhân (mã chứng khoán DGC).
Ông Triển cho rằng, Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang đã nhiều lần cho máy móc, thiết bị vào thực hiện khai thác quặng trái phép, đỉnh điểm là từ ngày 19/10/2021, công ty ngang nhiên thực hiện khai thác quặng trên diện tích 3.276,5m2 đất rừng nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông.
Khi xảy ra sự việc trên, gia đình tôi đã kiên quyết ngăn cản và báo cáo lên chính quyền địa phương gồm UBND thị trấn Bát Xát, UBND huyện Bát Xát, Công an thị trấn Bát Xát. Các bên có lập biên bản làm việc tại hiện trường, trong đó có nội dung yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đến khi được cơ quan có thẩm quyền giải quyết...", ông Triển nói.
Nhân viên Công ty Đức Giang tham gia tranh chấp đất?
Liên quan sự việc này, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thị trấn Bát Xát xác nhận việc lập biên bản sự việc trên tuy nhiên trong biên bản Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang không ký.
Tại khu vực đang tranh chấp có 3 hộ dân trong đó đất của đình ông Triển. Các bên đã ký giáp ranh với diện tích đất thực tế sử dụng. Khi có tranh chấp thì cũng cần làm rõ số diện tích có trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với chức năng của UBND thị trấn đã chúng tôi đã tổ chức hoà giải giữa các bên nhưng không thành nên sự việc được huyện tiếp tục giải quyết, ông Hạnh thông tin.
Việc xảy ra tranh chấp đất đai đã khiến Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang không thể hoàn thành thủ tục thuê đất giai đoạn 2 của dự án khai thác quặng Apatit. Công ty này mới được tỉnh Lào Cai cho thuê đất giai đoạn 1 vỏn vẹn 6,2ha trong khi diện tích khai thác của mỏ lên tới 28,87ha và diện tích đất sử dụng cho toàn dự án cần 36,49ha.
Trở lại sự việc đỉnh điểm ngày 19-20/10/2021, tại khu vực tranh chấp có một số người xăm trổ lạ mặt cùng công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang đã đóng cọc và chăng dây thép gai tạo thành hàng rào. Tất nhiên, khu vực đất tranh chấp này Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang chưa được thuê đất, thế nhưng vì sao công ty lại nhiệt tình tham gia việc tranh chấp này?
Ông Trịnh Quốc Khánh, Chi nhánh Lào Cai đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang trực tiếp quản lý tại khai trường này cho rằng, việc tranh chấp là của các hộ dân. Trong đó, có hộ dân nhờ công ty rào giúp diện tích đất của họ.
Tuy nhiên, việc tham gia của Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang vào tranh chấp đất đai đã làm khu mỏ này thêm nóng, gây thêm căng thẳng và mất tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Trong khi việc tranh chấp đất đai bắt nguồn từ hồi tháng 4/2021, thế nhưng sau 7 tháng đến nay chưa được giải quyết rốt ráo. Chính quyền địa phương cũng đã mời các bên lên làm việc để giải quyết nhưng sự việc dường như giậm chân tại chỗ.
UBND huyện Bát Xát ngoài trả lời đơn của gia đình ông Triển và đề nghị UBND thị trấn Bát Xát tuyên truyền, vận động người dân... chấp hành quy định của pháp luật về đất đai; nếu không thể giải quyết được thì đề nghị các hộ nộp đơn khởi kiện ra toà án nhân dân để được giải quyết tranh chấp đất đai theo thẩm quyền.