| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại chất thải của công ty Hóa chất Đức Giang Lào Cai

Thứ Năm 14/10/2021 , 09:24 (GMT+7)

Hiện tượng cây cối còi cọc, cỏ bị cháy vàng... khiến những hộ dân lo sợ môi trường sống không còn an toàn khi ở gần các nhà máy hóa chất.

Vùng cỏ bị cháy vàng từ nước thải khiến người dân lo lắng. Ảnh: H.Đ

Vùng cỏ bị cháy vàng từ nước thải khiến người dân lo lắng. Ảnh: H.Đ

Nước suối chuyển mầu, cỏ chết cháy 

Ông Nguyễn Văn Hải, thôn Mường 1, xã Xuân Giang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết, hôm 24/9, người dân phát hiện cỏ chết trắng, cháy vàng cả một vạt lớn, còn nước suối có màu khác lạ. 

“Cỏ qua một đêm cứ như đã bị phun thuốc diệt cỏ mặc dù khu vực này không còn người dân canh tác. Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi báo lên chính quyền địa phương để xuống kiểm tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại có hiện tượng lạ như vậy. Sau đó, Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai đã cho công nhân và máy móc xuống như là để xoá dấu vết”, ông Hải nói. 

Còn theo ông Phạm Xuân Văn và những người khác trong thôn lo lắng bởi không biết nước từ trong cống thoát nước mưa chảy ra là thứ nước gì mà khi ngấm xuống đồng ruộng ở khu vực này lại khủng khiếp như thế. 

Cũng theo người dân, ở khu vực họ sống rất nhiều lần cứ đến buổi tối hoặc thậm chí là ban ngày xuất hiện mùi hôi nồng nặc như mùi diêm sinh rất khó thở. Nhất là khi thời tiết ẩm thấp, mưa phùn ụp xuống thì mùi rất khó chịu, người già hít vào cũng thấy tức ngực. 

Khảo sát thực địa dọc con suối ở thôn Mường 1 và khu vực cống thoát nước tại nơi người dân báo có sự cố thải ra môi trường vẫn còn các đám cỏ úa xơ xác xót lại. Một số hố thu nước mặt có màu xanh ngắt, khác hẳn những vũng nước đọng lại sau trận mưa trên mặt đất.

Liên quan sự việc trên, ông Nguyễn Công Lập, Chủ tịch UBND xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết, ngày 24/9, xã nhận được thông tin từ người dân và qua kiểm tra phát hiện ra nước thải chảy từ cống xuống phần đất đã đền bù, thu hồi của người dân. Nước thải ra làm chết vàng hơn 4.000m2 cỏ, bèo của khu vực giáp thôn Mường 1. 

“Cũng rất may thời điểm này lúa chín nên người dân không lấy nước vào ruộng, vào ao do đó diện tích lúa và thuỷ sản không thấy bị ảnh hưởng. Sau khi báo cáo cơ quan chức năng của huyện thì ngay ngày hôm sau UBND huyện, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cùng Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai đã xuống hiện trường xác định nguyên nhân. Sự cố trên là do vỡ tấm đan chắn hố thu nước thải bề mặt của bãi Gyps của công ty Đức Giang khiến nước thải tràn ra”, ông Lập cho biết. 

Nước thải có màu khác lạ, người dân cho rằng sẽ ngấm sâu vào nước ngầm ảnh hưởng cuộc sống của họ. Ảnh: H.Đ

Nước thải có màu khác lạ, người dân cho rằng sẽ ngấm sâu vào nước ngầm ảnh hưởng cuộc sống của họ. Ảnh: H.Đ

Lo ngại ô nhiễm, người dân muốn di dời nơi ở 

Những hiện tượng như trên chỉ là một phần nhỏ trong suốt 6-7 năm qua, khi các nhà máy quanh khu vực người dân sinh sống đi vào vận hành. Theo người dân, tại khu vực này có đặt trạm quan trắc khí thải tự động thế nhưng không rõ hoạt động như thế nào và có phát hiện được không khí nơi họ ở bị ô nhiễm hay không? 

Trong khi, theo người dân nhà máy sản xuất hoá chất, chất thải rắn thì ở trên cao, đầu nguồn nước, đầu hướng gió, toàn bộ phía dưới thung lũng là khu vực sinh sống, trồng lúa của người dân... nên hưởng trọn. 

Ông Trần Quang Thành, Bí thư Chi bộ thôn Mường 1 cho biết, gia đình tôi có 11 khẩu nhưng hiện tại chỉ còn 3 người lớn vì phải sơ tán hết. Trước kia gia đình nhà tôi bán hàng tấn hoa quả nhưng giờ thì không có quả gì mà ăn. Còn nguyện vọng của người dân trong thôn lúc này di dời nơi ở vì ở đây lâu dài, sức khoẻ không đảm bảo nhất là người già và trẻ em. 

Thứ hai, sống thì phải có ăn nhưng cây cối lưu niên không ra quả thì thu nhập bằng cái gì? Hoa màu bị héo, bị táp đặc biệt chăn nuôi như con trâu, con bò nhỡ lội phải nước có bùn nhiễm chất thải là mắc bệnh đi không được. Các hộ nuôi cá hiện không dám sử dụng nguồn nước suối cạnh đó mà phải lấy nguồn nước cách 500-700m. Dù không dùng nước suối tại đây thì cũng có lúc khí thải chụp xuống làm chết hàng loạt cá trong ao.

“Sản xuất chăn nuôi kém, cây trồng không ra quả thì đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, do đó một số hộ đề nghị đơn lên xã, huyện, tỉnh nhưng chưa được. Các cơ quan chức năng đã về thẩm định nhiều lần nhưng chưa phúc đáp. Ở đây có gần 20 hộ muốn di dời nhưng không có điều kiện để tự đi nơi khác ở vì phải có tiền mua đất làm nhà, trồng cấy…”, ông Thành nói 

Trước sự việc nêu trên, ngày 1/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai khắc phục ngay tấm đan nắp cống bị vỡ tại vị trí tiếp giáp bãi chứa Gyps và đường tỉnh lộ 152; rà soát các khu vực khác để tránh nước chảy tràn ra ngoài gây ảnh hưởng môi trường và cuộc sống của người dân; tổ chức cải tạo diện tích đất cây cỏ, bèo, rau muống bị chết, vàng lá, cháy đen bị ảnh hưởng ô nhiễm…

Ông Phùng Trọng Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang xác nhận sự việc trên và cho biết, việc công ty đưa máy móc, công nhân để làm 3 hố thu lắng, xử lý bùn tồn dư chảy ra bên ngoài gây hỏng cỏ, bèo… trên diện tích công ty đã thu hồi của 15 hộ dân. Không phải để xoá dấu vết. Sau đó, công ty tổ chức đối thoại với người dân và thống nhất hỗ trợ năng suất cho 34 hộ dân trong đó gồm 1ha rau màu, 4ha lúa với giá trị gần 157 triệu đồng.

Về vấn đề di dời nơi ở của những hộ dân thôn Mường 1, ông Tú cho biết những hộ dân nằm ở khu vực ảnh hưởng chung của khu công nghiệp Tằng Loỏng tuy nhiên còn phụ thuộc chủ trương của tỉnh Lào Cai. Về phía doanh nghiệp sẵn sàng nhất trí đóng góp theo tỷ lệ ảnh hưởng của các doanh nghiệp trong khu vực.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.