| Hotline: 0983.970.780

Công ty Thuận Phong có dấu hiệu hủy hoại tài sản Nhà nước?

Thứ Hai 21/09/2020 , 15:52 (GMT+7)

Công ty Thuận Phong tự ý san lấp cả môt đoạn kênh mương bê tông phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân để phục vụ cho việc vận chuyển khoáng sản.

Một bãi tập kết cát của Công ty Thuận Phong. Ảnh: MĐ.

Một bãi tập kết cát của Công ty Thuận Phong. Ảnh: MĐ.

Dân bức xúc

Quá trình khai thác cát trên địa bàn huyện Tánh Linh, Bình Thuận, Công ty khai thác khoáng sản Thuận Phong (Cty Thuận Phong, TP. HCM) gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân. Để phục vụ cho việc vận chuyển khoáng sản, công ty này còn tự ý san lấp cả môt đoạn kênh mương bê tông phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự này đang được cơ quan hữu trách huyện Tánh Linh thành lập đoàn kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Năm 2019 UBND tỉnh Bình Thuận có QĐ 3613 cho phép Cty Thuận Phong, quận 9, TP. HCM  được nạo vét kết hợp tận thu cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Pao, huyện Tánh Linh Bình Thuận. Quá trình nạo vét, tận thu Cty Thuận Phong buộc phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Nhưng thực tế, trong quá trình hoạt động, Cty Thuận Phong đã có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong người dân địa phương. Từ nhiều tháng nay, ông Nguyễn Tăng Thắng (83 tuổi, xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, Bình Thuận) liên tục có đơn tố giác hành vi vi phạm gửi đến các cơ quan hữu trách tỉnh Bình Thuận đề nghị kiểm tra, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cty Thuận Phong nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ. Trong khi hành vi vi phạm không được xử lý mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động.

Ông Nguyễn Tăng Thắng liên tục có đơn tố giác hành vi vi phạm gửi đến các cơ quan hữu trách tỉnh Bình Thuận đề nghị kiểm tra, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Thuận Phong nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Tăng Thắng liên tục có đơn tố giác hành vi vi phạm gửi đến các cơ quan hữu trách tỉnh Bình Thuận đề nghị kiểm tra, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Thuận Phong nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Tăng Thắng cho biết ông tố cáo các nội dung cụ thể như: Cty Thuận Phong đã san ủi 3 con đường từ quốc lộ 55 chạy thẳng ra bờ sông La Ngà; san lấp kênh thuỷ lợi tưới tiêu mới xây để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lợi ích chung của người dân. Tố cáo doanh nghiệp ép người dân để lấy đất với mức giá bồi thường 3,5 triệu đồng/sào để trồng tràm. Cty này khai thác khoáng sản nhưng không công khai, không báo cáo với địa phương.

“Trong quá trình tôi gửi đơn tố cáo, có một vài người đề nghị gặp gỡ. Nhưng vì lợi ích chung của người dân, tôi không chấp nhận. Tôi mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, kiểm tra xử lý nghiêm, không bao che, dung túng doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm, đang gây bức xúc trong người dân chúng tôi”, ông Nguyễn Tăng Thắng bức xúc. 

Ngày 25/6/2020, UBND huyện Tánh Linh có văn bản số 1160 (do ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch huyện ký. Ông Lâm nay đã nghỉ hưu theo chế độ) trả lời ông Nguyễn Tăng Thắng như sau: Việc mở rộng 3 tuyến đường đã được khảo sát, thiết kế theo quy định. Về việc này, UBND huyện Tánh Linh có Văn bản số 13, ngày 6/1/2020 thống nhất chủ trương mở rộng các tuyến đường giao thông phục vụ dự án nạo vét, tận dụng cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Bao, xã La Ngâu của Cty Thuận Phong. Đối với với nội dung người tố cáo cho rằng Cty Thuận Phong “ép” các hộ dân giao đất và bồi thường với giá 3,5 triệu đồng/sào, UBND huyện Tánh Linh cho rằng, UBND xã La Ngà đã tổ chức họp dân và cho rằng việc này, giữa Cty Thuận Phong và các hộ dân tự thoả thuận, tự kê khai hỗ trợ cây hoa màu và thống nhất 3,5 triệu đồng/sào.

Tại văn bản trên, UBND huyện Tánh Linh xác định Cty Thuận Phong tự ý dùng xe cuốc, xe ủi lấp đất san lấp khoảng 40m chiều dài kênh bê tông dẫn nước tưới tiêu khu tái định canh La Ngà là đúng sự thật.

Cần xem xét xử lý hình sự

Tại văn bản số 1160 của UBND huyện Tánh Linh cho biết đang chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện làm việc với Cty Thuận Phong để khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay Cty Thuận Phong không có bất cứ một động thái nào khôi phục đoạn kênh dẫn nước do họ tự ý san lấp trái pháp luật trên (khoảng 40 m). Hoạt động vận chuyển, tận thu khoáng sản của doanh nghiệp này vẫn diễn ra bình thường, không có sự kiểm tra, giám sát, xử lý của chính quyền sở tại.

Được biết, kênh dẫn nước trên do Nhà nước đầu tư bê tông kiên cố hóa để phục vụ nước sản xuất cho người dân sở tại. Khi mương bị lấp, dòng chảy bị chặn người dân khó khăn trong việc lấy nước sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, người dân ở đây hết sức bức xúc về việc này.

Công ty Thuận Phong tự ý lấp kênh dẫn nước do Nhà nước đầu tư để làm đường chở cát.

Công ty Thuận Phong tự ý lấp kênh dẫn nước do Nhà nước đầu tư để làm đường chở cát.

Ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, cho biết: UBND huyện đã nắm được sự việc, người dân cũng rất bức xúc về việc này. Theo Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh thì Cty Thuận Phong đến địa bàn huyện hoạt động nạo vét, tận thu khoáng sản mà không có văn phòng đại diện, chủ doanh nghiệp không báo cáo, không thông qua địa phương.

“Họ cũng không liên lạc, nên chúng tôi không biết doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp là ai. Việc rầm rộ khai thác, vận chuyển chuyển rơi vãi, ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc”, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh nói.

Trước câu hỏi việc Cty Thuận Phong tự ý san lấp 40 m chiều dài kênh dẫn nước bê tông do Nhà nước đầu tư phục vụ sản xuất cho người dân, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hủy hoại tài sản Nhà nước thì UBND huyện có chuyển sang cơ quan công an xử lý hình sự? Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, Bình Thuận cho biết: UBND huyện vừa thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động thăm dò khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận xử lý. Sai đâu xử đó, tinh thần là xử nghiêm theo quy định hiện hành của pháp luật.

Được biết, Quyết định thành lập đoàn kiểm tra này được UBND huyện Tánh Linh ký ngày 10/9 vừa qua. Đoàn gồm có lực lượng Công an huyện, Phòng TNMT, Phòng Tài chính, Phòng tư pháp, Chi cục Thuế khu vực….do ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn.

Có căn cứ khởi tố, xử lý hình sự

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết: Hành vi tự ý san lấp khoảng 40 m kênh mương kiên cố do Nhà nước đầu tư của Cty Thuận Phong có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự rất rõ (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản), cơ quan hữu trách tỉnh Bình Thuận cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định hiện hành của pháp luật.

Trong vụ việc này cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xác định thiệt hại mà hành vi của Cty Thuận Phong đã gây ra để có căn cứ xử lý. Cụ thể, theo Điều 178 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội danh Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nêu rõ: Tổ chức, cá nhân có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm”. 

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.