| Hotline: 0983.970.780

“Cứ để dư luận người ta nói!” (?)

Thứ Sáu 08/06/2012 , 09:15 (GMT+7)

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Phải quyết liệt làm rõ vì danh dự ngành giáo dục.

Chiều ngày 7-6, sau khi trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có nội dung trả lời gửi các báo với những quan điểm - mà theo Pháp Luật TP.HCM - khó có thể đồng tình.

>> ''Hai không'' đi đâu?
>> Sốc với clip tiêu cực thi ở Bắc Giang

Bộ đang chờ báo cáo

Bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tỏ ra thờ ơ khi được các nhà báo hỏi về tiêu cực thi cử tại Bắc Giang. Ông cho rằng dư luận đã vội vàng khi công bố thông tin.

Ông Phạm Vũ Luận cho biết việc xử lý do địa phương làm, Bộ đang chờ báo cáo, khi nào có kết luận Bộ sẽ có ý kiến với tỉnh.

Dư luận đang rất nóng và báo chí muốn biết Bộ sẽ có một thông điệp cụ thể để công luận khỏi băn khoăn. Tuy nhiên, khi được hỏi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hỏi lại PV rằng: “Thông điệp rõ ràng để làm gì?”. Theo ông, tốt nhất là dư luận đừng vội đưa lên khi chưa có kết luận. “Báo chí chỉ cần nói là đang chờ kết luận của địa phương”.

Các PV cho biết không thể ngăn được dư luận vì clip rất rõ ràng, Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô cũng đã xác nhận là clip quay tại đó. Bộ trưởng Luận cho biết: “Cứ để dư luận người ta nói!”.


Vụ tiêu cực thi cử ở Bắc Giang khiến dư luận quan tâm những ngày gần đây. Trong ảnh: Lời giải photo được gửi từ bên ngoài vào cho thí sinh chép. Ảnh cắt từ clip.

Trước khi các clip này được công bố, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho rằng mọi việc đều tốt đẹp nhưng nay lại có clip như thế, Bộ trưởng cho biết sẽ điều chỉnh lại báo cáo này.

Khi được hỏi giáo viên Đỗ Việt Khoa, người đưa ra công luận clip đầu tiên, cho biết còn có 11 clip khác nữa về gian lận thi cử, Bộ trưởng có quan tâm không, Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận trả lời không quan tâm. Theo ông, khi nào họ công bố hãy tính, chứ ông không đi hỏi. Ông cho biết nếu báo chí có clip đó, muốn gửi cho Bộ trưởng thì gửi cho thư ký của ông.

Công bố clip là gây khó cho công tác quản lý?

Tuy nhiên, sau cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội nói trên, tối qua tòa soạn nhận được thông cáo báo chí của Bộ GD&ĐT do Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng ký. Kèm theo đó là một số nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về sự cố Bắc Giang. Nội dung như sau:

“Vi phạm ở Hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang là nghiêm trọng. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh để sớm có kết luận và xử lý nghiêm và công khai trên công luận.

Về việc cháu học sinh quay video clip, tôi nghĩ: Việc này chủ yếu là việc của người lớn. Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai.

Nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT thì việc các cháu làm như vậy là vi phạm quy chế. Nhưng việc xử lý các cháu như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng: Giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt.

Việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn (!), đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các cháu học sinh còn nhỏ tuổi.

Do vậy theo tôi, chúng ta không nên hướng sự quan tâm thái quá đến các video clip như thế này”.

Theo chúng tôi, ngay cả những câu trả lời có chuẩn bị này của Bộ trưởng cũng khó có thể tán đồng. Không thể cho rằng thí sinh quay clip, những học sinh sắp tốt nghiệp trung học, 18 tuổi, đã hình thành và định hướng nhân cách, đã đủ tuổi công dân, làm việc này chỉ vì bị lôi kéo. Nói như thế là phủ nhận nhận thức chống tiêu cực, phủ nhận nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của các em, là gián tiếp phủ nhận thành quả giáo dục.

Bộ trưởng chỉ chú ý việc xử lý nhằm giúp các em nhận ra sai phạm mà quên rằng dù có thể vi phạm chừng mực nào đó nội quy phòng thi nhưng việc đưa được sự tiêu cực, dối trá, bệnh thành tích trong thi cử ra dư luận là một cái công lớn, cần được tuyên dương. Nếu so tương quan thì công ấy lớn gấp nhiều lần vi phạm nội quy của các em và nó cần được đánh giá một cách công bằng. Nó giúp Bộ có chứng cứ, căn cứ để chấn chỉnh chứ không hề gây khó cho công tác quản lý như Bộ trưởng nói.

Không có những clip đó, dư luận sẽ bị ru ngủ bởi tỉ lệ tốt nghiệp mà không biết thực chất điều gì xảy ra.

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN: 
Tôi sẽ làm việc ngay với Bộ GD&ĐT

Tôi vừa đi nước ngoài về, chỉ mới nắm thông tin qua bản tin thời sự. Tôi rất giật mình! Ngay chiều nay tôi sẽ làm việc với Bộ Giáo dục. Cụ thể thế nào sau cuộc làm việc mới rõ được.

(PV: Nhưng Bộ trưởng Luận lại nói không quan tâm)

Hiện tôi chưa biết thông tin chính thức, phải biết thế nào thì mới nói rõ được. Nhưng nguyên tắc trách nhiệm thì ở địa bàn nào thì hội đồng thi ở tỉnh đó sẽ phải làm rõ. Vì đây là danh dự ngành giáo dục.

GS TRẦN HỒNG QUÂN, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 
Cần bảo vệ, tuyên dương các em đã chống tiêu cực

Về việc phản ánh tiêu cực của các em thí sinh ở Bắc Giang, theo tôi, ở đây có hai mặt. Một mặt, các em có thể vi phạm quy chế thi khi đem máy quay vào phòng thi nhưng mặt khác, các em quay clip để phản ứng với tiêu cực thì ở đó là mặt được.

Chúng ta cần phải chứng minh rằng dụng cụ quay clip ngoài chức năng ghi hình có thể lưu trữ tài liệu, mở ra xem lại như một dạng phao điện tử hay không, tức là có phục vụ mục đích tiêu cực của các em không. Còn nếu các em chỉ vi phạm quy chế thi vì đem dụng cụ vào để phản ánh tiêu cực thì vi phạm đó cũng không phải là quá lớn để xử lý. Tôi cho rằng việc các em chống tiêu cực thì phải ghi nhận, phải bảo vệ các em này, nếu không chẳng còn ai dám phản ánh chống tiêu cực.

Cũng không có lý do gì để không công nhận kết quả thi của các em, nếu chứng minh hiện tượng ném phao thi mà diễn ra phổ biến thì có thể xử lý cả phòng thi, còn người chống tiêu cực là chuyện khác. Chúng ta không thể xử lý một người chống tiêu cực, chống sai phạm, làm trong sạch hóa thi cử. Cũng không nên hành xử theo kiểu hành hạ các em. Tôi nghĩ nên tuyên dương hành động dũng cảm chống tiêu cực của các em.

 

Theo Phapluattp

Xem thêm
Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đồng Nai: Số bệnh nhi mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Trong tuần qua, số lượng bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Đặc biệt, Sở Y tế đã công bố ca tử vong đầu tiên do sởi.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.