| Hotline: 0983.970.780

Cù lao Khoai xứ - Chuyện bây giờ mới kể: Chuyện lạ trên bè cá

Thứ Ba 14/06/2022 , 13:46 (GMT+7)

Có lẽ, chỉ duy nhất ở Phú Quý mới có chuyện 'tắm' cho cá nuôi dưới nước, và chuyện người ta giao dịch với khách cả chục năm mà chưa gặp, không biết mặt khách.

Anh Võ Sinh xúc cá lên chuẩn bị tắm cho chúng. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Võ Sinh xúc cá lên chuẩn bị tắm cho chúng. Ảnh: Phúc Lập.

Tắm cho cá

Lần đầu tiên ra đảo Phú Quý, lên bè cá, tôi được nghe chuyện tắm nước ngọt cho những con cá biển đang nuôi dưới lồng bè.

Sau khi được người đàn ông địa phương tên Hùng tôi vừa quen vài chục giây trước gọi điện thoại cho chủ bè, vài phút sau, chiếc ghe từ làng bè Lạch Dù cách bờ chừng cây số tấp vào bờ. Đó là ghe của bè anh Võ Sinh, một trong những bè lâu đời nhất ở đây.

Ra đảo chưa lâu, nhưng tôi đã kịp cảm nhận được tính cách người dân nơi đây. Đó là thân thiện, dễ gần và…ít nói, nên khá tự nhiên, vừa bước lên bè, tôi hỏi ông chủ bè Võ Sinh, lần đầu gặp: “Nghe nói bè của anh nổi tiếng nhất, đón nhiều khách tham quan, ăn uống nhất ở làng bè?”. Anh cười, khoe hàm răng trắng đối lập với làn da đen bóng, chậm rãi: “Làm gì có. Ở đây bè nào cũng vậy mà”.

Theo lời anh Sinh kể thì bè cá này là một trong những bè lâu nhất ở đây, nhưng anh không phải người đầu tiên, mà là cha anh. “Cha tôi ngày xưa đi biển, đến năm chín mấy tôi không nhớ, do sức khỏe không còn tốt nên nghỉ đi biển. Nhưng mà nhớ biển nên rủ mấy người ra đây làm bè, lồng nuôi cá cho vui. Ban đầu chỉ có mấy bè thôi. Ổng thu mua cá của ngư dân, chủ yếu là các loại mú, thả xuống lồng, tích lại nuôi, khi nào biển động, ngư dân không đi biển được thì có nguồn cá bán. Lâu dần, thêm nhiều người ra nữa. Bản thân tôi cũng đi biển, nhưng cách đây gần 2 chục năm, cha yếu, nhà neo người nên tôi nghỉ đi biển, cha giao lại bè cho tôi coi”.

 Chính vì nuôi bè đầu tiên nên cha anh Sinh cũng là người đầu tiên có những cách nuôi cá an toàn. Một trong những cách đó là tắm nước ngọt cho cá. “Hồi xưa không ai biết chuyện tắm cho cá đâu. Cha tôi nuôi thời gian đầu cũng hay bị chết, cứ nuôi chừng tháng là thấy chúng yếu, lờ đờ, bắt lên xem thì thấy da có nhiều loại ký sinh trùng, bám chất dơ. Cha nghĩ có thể do môi trường nước chật hẹp, ít lưu thông, nên chất bẩn tích tụ, không thoát ra ngoài được, và bám lên thân cá, tạo thành ký sinh nên chết. Tôi không biết từ đâu là cha biết vụ tắm nước ngọt cho cá để trị bệnh. Nhưng đó là cách hiệu quả. Cho đến bây giờ, ở đây bè nào cũng phải tắm cho cá”, anh Sinh nói tiếp.

“Lần đầu tiên nghe anh nói chuyện tắm cho cá tôi rất tò mò, không hiểu tắm cho cá như thế nào?”, tôi hỏi.

Cá bơi trong thùng nước ngọt trong khoảng 10 phút trước khi chuyển sang nhà mới vừa được dọn vệ sinh. Bình thường trong thường nước ngọt sẽ có máy oxy khi cá tắm, nhưng khi tôi đến, cá đã tắm xong và ăn sáng xong, anh Sinh chỉ 'làm mẫu' cho tôi xem. Ảnh: Phúc Lập.

Cá bơi trong thùng nước ngọt trong khoảng 10 phút trước khi chuyển sang nhà mới vừa được dọn vệ sinh. Bình thường trong thường nước ngọt sẽ có máy oxy khi cá tắm, nhưng khi tôi đến, cá đã tắm xong và ăn sáng xong, anh Sinh chỉ "làm mẫu" cho tôi xem. Ảnh: Phúc Lập.

“Nước ngọt thì người ta chở từ đất liền ra bán, 20 ngàn đồng một thùng nhựa 200 lít. Định kỳ khoảng 1 tuần, 10 ngày là phải tắm cho nó một lần. Trước khi tắm, mình chuẩn bị một lồng trống, sạch, dùng vợt to xúc cá lên, đổ vào thùng nước ngọt, có oxy, tùy kích cỡ cá, dung tích thùng mà cho lượng cá phù hợp, không để dày quá, chúng sẽ thiếu oxy, cho chúng bơi chừng 10 phút rồi xúc lại đổ sang lồng sạch. Đơn giản vậy thôi à”.

Anh Sinh bảo, thời gian tắm cho cá là trước khi cho ăn vào sáng sớm, mỗi ngày chỉ làm từ 2-3 lồng, không nên làm nhiều, nước dơ từ các lồng cũ sẽ vẩn ra ngoài nhiều, ảnh hưởng đến lồng vừa tắm xong. Sau đó làm vệ sinh lồng, giặt lưới.

Cách đó không xa, bè cá của anh Võ Thành Trung, 35 tuổi, có 14 lồng nuôi cá mú, chẽm, và cá bớp. Trung cũng tắm nước ngọt cho cá, nhưng lại bỏ thêm đá vào thùng nước ngọt, khiến tôi khá ngạc nhiên. Trung giải thích: “Đây là cá bớp nhỏ, sức khỏe nó kém hơn cá mú nên phải cho thêm đá lạnh. Ngay cả khi chúng lớn rồi khi tắm cũng phải cho thêm đá. Còn cá mú, nếu quá nhỏ thì mình bỏ đá, còn lớn rồi thì không cần”.

Võ Thành Trung, chủ bè cá hàng xóm của anh Sinh. Ảnh: Phúc Lập.

Võ Thành Trung, chủ bè cá hàng xóm của anh Sinh. Ảnh: Phúc Lập.

Trung cho biết, cá bớp tắm cần phải có nước đá, nhất là cá còn nhỏ như thế này, vì chúng yếu hơn cá mú. Ảnh: Phúc Lập.

Trung cho biết, cá bớp tắm cần phải có nước đá, nhất là cá còn nhỏ như thế này, vì chúng yếu hơn cá mú. Ảnh: Phúc Lập.

“Làm gì cũng cần kinh nghiệm, nếu thấy nước biển ấm lên thì không nên tắm. Hoặc nếu cá bệnh thì phải xem chúng bị bệnh gì, rồi pha thuốc kháng sinh vào nước ngọt cho chúng tắm. Cá mú là một trong những loại cá hơi “khó tính”, thức ăn của chúng là các loại cá tạp, cá nhỏ, mới đánh bắt về chứ không để lâu, ôi thiu quá, phải băm thật nhuyễn... khi di chuyển cá từ lồng này sang lồng khác, san sẻ cá ra để kích thích sự tăng trưởng của chúng cũng là cả một quá trình vất vả. Biển lặng quá cũng không tốt vì thiếu oxy, lúc đó mình theo dõi, nếu cần thiết thì di chuyển bè ra ngoài xa hơn cho thoáng hơn, sạch hơn và nhiều oxy hơn”, anh Võ Sinh.

Những người chất phác đến lạ

Không chỉ ngạc nhiên khi nghe chuyện tắm nước ngọt cho cá, chuyện bán hàng cả chục năm, mỗi lần giao dịch số tiền 10 đến vài chục triệu đồng, nhưng nhiều chủ bè chưa từng biết mặt khách hàng. Cũng có đôi lần họ bị “xù”, nhưng sau đó, họ vẫn giao dịch bằng cách này.

Khi cá đạt kích cỡ hơn 1kg mỗi con như thế này, lồng mau dơ, nhiều chất thải hơn, thì thời gian tắm cho chúng ngắn hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Khi cá đạt kích cỡ hơn 1kg mỗi con như thế này, lồng mau dơ, nhiều chất thải hơn, thì thời gian tắm cho chúng ngắn hơn. Ảnh: Phúc Lập.

“Cá nhiều như vậy làm sao bán hết cho khách du lịch, chắc còn bán ở đâu nữa chứ?”, tôi hỏi anh Sinh. “Đúng rồi, khách du lịch ăn đáng bao nhiêu đâu. Tháng chừng vài chục, trăm ký là cùng chớ mấy. Đó là vào mùa biển lặng, khách ra nhiều, chứ từ tháng 8 đến hết năm, biển động, có mấy khách ra đâu. Hải sản chủ yếu bán cho khách mua sỉ. Ở đâu cũng có, 3 miền luôn”, anh Sinh đáp.

“Không những ở đảo mà còn ngoài bè nữa, anh giao dịch bằng cách nào?”. “Họ gọi điện thoại đặt hàng, mình đóng thùng gửi tàu vào thôi. Họ nhận hàng xong chuyển tiền cho mình”. “Vậy chắc toàn khách quen?”, “Đâu có. Người ta biết số điện thoại, gọi đặt hàng là mình giao. Nhiều người làm ăn lâu lắm rồi mà tôi chưa biết mặt”, anh Sinh đáp.

“Anh không sợ bị lừa sao?”, anh Sinh cười, ngập ngừng: “Cũng có chứ. Mà trước giờ làm ăn vậy quen rồi. Giờ mình đòi tiền trước, người ta bảo không tin tưởng họ, kỳ lắm”. “Vậy trước giờ anh đã bị “bùng” tiền lần nào chưa?”, “Cũng có mấy lần”.

Anh Võ Sinh cho biết, trước giờ cũng bị mất 3-4 đơn hàng, tổng số tiền khoảng 7-8 chục triệu. Nhưng anh lại “thanh minh” cho người xù tiền mình bằng câu: “chắc do họ làm ăn thất bại hay gặp chuyện gì đó thôi chứ không cố ý đâu”.

Mặc dù vậy, anh Sinh lại nghĩ theo hướng tích cực rằng họ không cố ý, có thể vì lý do khách quan nào đó nên họ đành làm vậy. Và, điều anh Sinh nói phần nào được anh “hàng xóm” Võ Thành Trung, “chứng thực” bằng câu chuyện anh đã trải qua.

Chắc chỉ có ở đảo Phú Quý mới có chuyện làm ăn với khách hàng nhiều năm mà không biết mặt và giao hàng trước nhận tiền sau. Anh Sinh cũng vài lần bị 'xù', nhưng anh nghĩ, có thể do họ làm ăn thất bại hay gặp chuyện gì đó nên mới vậy. Ảnh: Phúc Lập.

Chắc chỉ có ở đảo Phú Quý mới có chuyện làm ăn với khách hàng nhiều năm mà không biết mặt và giao hàng trước nhận tiền sau. Anh Sinh cũng vài lần bị "xù", nhưng anh nghĩ, có thể do họ làm ăn thất bại hay gặp chuyện gì đó nên mới vậy. Ảnh: Phúc Lập.

Trung kể: “Năm 2015, khi vợ tôi sinh con đầu lòng, tôi không đi ghe nữa, mà đầu tư làm bè nuôi cá. Đầu năm 2017, sau gần 2 năm nuôi, tôi thu hoạch vụ cá mú đầu tiên được hơn 2 tấn. Cá mú hồi đó có giá hơn bây giờ, loại từ 1-1,5kg giá 400-450 ngàn đồng 1kg, kích cỡ lớn hơn giá thấp hơn, 300-350 ngàn đồng 1kg. Tôi bán cho 6 lái, trong đó có 1 ông ở Phan Thiết lấy 5 tạ với giá 400 ngàn 1kg. Trong số này, tôi chỉ quen 2 người, mà cũng chỉ biết sơ sơ thôi chứ không thân. Sau khi đóng hàng cá sống giao vào đất liền cho họ, tôi nhận tiền gần hết, còn ông mua 5 tạ thì biệt tăm, hỏi không ai biết, điện thoại gọi không được. Cụt gần nửa vốn, tôi chỉ biết khóc.

Nhưng đến năm 2019, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ của 1 người đàn ông. Ổng nói đang ở đảo, muốn mời tôi ra quán cà phê nói chuyện. Tôi hỏi ai thì ổng nói cứ ra, gặp rồi biết. Tôi ra quán, nhìn quanh chẳng thấy ai quen, đang ngơ ngác thì 1 người đàn ông lạ mặt đến vỗ vai, hỏi tên tôi. Tôi gật đầu, ổng kéo tôi ngồi xuống, gọi nước uống cho tôi rồi mới giới thiệu. Thì ra ổng là người đã “xù” tiền cá của tôi cách đây 2 năm.

Võ Thành Trung cũng 1 lần bị 'quỵt' số tiền lớn, ngay vụ cá đầu tiên, khiến anh chỉ biết khóc. Ảnh: Phúc Lập. 

Võ Thành Trung cũng 1 lần bị "quỵt" số tiền lớn, ngay vụ cá đầu tiên, khiến anh chỉ biết khóc. Ảnh: Phúc Lập. 

Hồi đó ổng mua cá của tôi để bán lại cho thương lái Trung Quốc, ngoài cá, ổng còn mua hải sâm, cua, nữa. Nhưng rồi ổng bị nhóm kia lừa, mất sạch vốn liếng. Cũng may, ổng là người Quảng Ninh, vào Phan Thiết làm ăn, khách hàng cũng không rõ gốc gác của ổng lắm nên họ không tìm đến tận nhà được. Giải thích xong, ổng xin lỗi, rồi đưa cho tôi cọc tiền 250 triệu đồng. Tôi rất xúc động, không phải vì lấy được tiền, mà vì trên đời vẫn còn những người tử tế quanh mình. Tôi chỉ lấy đúng 200 triệu ổng nợ thôi. Hiện, ổng có nhà hàng hải sản rất lớn ở Phan Thiết, cũng là khách hàng thân thiết của tôi và nhiều bè ở đây”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm