| Hotline: 0983.970.780

Cù lao Khoai xứ - Chuyện bây giờ mới kể

Ở nơi sống tử tế và nhiều chuyện lạ

Thứ Ba 07/06/2022 , 07:30 (GMT+7)

Cù lao Khoai xứ, Cổ Long, Thuận Tịnh, hay cù lao Thu, là những cái tên khác của đảo Phú Quý, nơi có những con người, câu chuyện độc đáo, thú vị.

Chẳng cần đám cưới rình rang, người ta vẫn sống với nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Khi hàng xóm láng giềng có việc, chẳng ai bảo ai, cùng xắn tay vào giúp...

Những ngày tác nghiệp trên đảo, có nhiều thứ trên đảo khiến tôi ấn tượng, thấy gần gũi, thân quen. Đó là sự thân thiện, tử tế của con người nơi đây. Và thú vị với giọng nói, phát âm khiến tôi phải thường xuyên “hỏi lại cho rõ” và vẫn phải thêm 1 lần nghe qua “phiên dịch”…

Không đám cưới, "vô địch" xe ôm…

Buổi sáng, anh bạn thổ địa đảo Phú Quý (huyện đảo, thuộc tỉnh Bình Thuận) tên Thắng dẫn tôi đi uống cà phê. Nơi chúng tôi đến là khu vườn trồng xoài rộng trên đường Trần Hưng Đạo, thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh. Gọi là quán cho sang chứ chỉ có vài bộ bàn ghế đặt dưới tán những cây xoài, nền đất thậm chí còn chưa san lấp kỹ.

“Quán đúng nghĩa như Sài Gòn ngoài này cũng có, nhưng tôi muốn đưa anh đến chỗ này, vì đây là nơi buổi sáng rất nhiều người dân lao động đến. Đặc biệt là có mấy chú lớn tuổi, biết nhiều chuyện trên đảo. Anh gặp mấy chú tha hồ hỏi chuyện. Người dân trên đảo thân thiện lắm, gặp 1 lần, chào hỏi 1 câu xong là thành thân quen chứ không ý tứ, e dè gì cả”. Đó là lý do Thắng dẫn tôi ra đây.

Từ phải qua: Ông Văn Trảnh, ông Đỗ Đình Cu, và ông Nguyễn Văn Thinh. Ảnh: Phúc Lập.

Từ phải qua: Ông Văn Trảnh, ông Đỗ Đình Cu, và ông Nguyễn Văn Thinh. Ảnh: Phúc Lập.

Lúc tôi đến, mấy bàn trong vườn đều đã có người ngồi, họ vừa uống nước vừa trò chuyện rôm rả. Thắng dẫn tôi đến 1 bàn đang có mấy người đàn ông lớn tuổi ngồi. “Mấy chú đây toàn ngoài 70 tuổi, gần 80 tuổi hết rồi đó. Chuyện gì liên quan đến đảo mấy chú cũng biết, hay lắm”, Thắng giới thiệu tôi xong, tự đi lấy thêm 2 chiếc ghế nhựa lại bàn ngồi chung.

Nghe tôi nói mục đích gặp, ông Đỗ Đình Cu, tên thường gọi là Hai Cụ, theo giấy tờ thì năm sinh là 1942, tức 81 tuổi, một trong 3 vị “bô lão” ngồi trong bàn, mở đầu: “Chuyện lạ thiếu gì. Nhưng chuyện không có đám cưới thì chắc không đâu có”. Rồi ông kể: “Ngày xưa đảo chẳng bao giờ có đám cưới. Trai gái thương nhau, khi chín muồi rồi cứ dắt nhau về ra mắt cha mẹ, rồi nhà trai sang nhà gái “nói chừng”, khi 2 bên thống nhất, cùng làm mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh là xong chứ chả cưới xin gì. Tôi lấy vợ năm 18 tuổi, tính đến nay cũng hơn 50 năm rồi, 7 đứa con đều có gia đình, mỗi cặp mấy đứa con. Cả tôi lẫn con, chẳng ai làm đám cưới”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thinh đã có gần 60 năm sống hạnh phúc mặc dù không hề làm đám cưới. Ảnh: Phúc Lập.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thinh đã có gần 60 năm sống hạnh phúc mặc dù không hề làm đám cưới. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Cu nói chưa dứt lời thì ông Nguyễn Văn Thinh, 78 tuổi, ngồi bên cạnh, tiếp lời: “Khoảng hơn chục năm trở lại đây, tụi trẻ học hành nhiều, vào đất liền sống, làm việc, rồi ra đây mới tổ chức đám cưới. Trên đảo bây giờ cũng có nhà hàng tiệc cưới rồi, nhưng lâu lâu mới có 1 đám cưới tổ chức như trong đất liền. Mà dân số đảo bây giờ khoảngg 30 ngàn người rồi chứ đâu phải ít. Các gia đình cũng không ai cấm cản tụi nhỏ tổ chức cưới nhà hàng, mà chính tụi nhỏ tự nguyện”.

“Hay chuyện xe ôm cũng lạ. Không ở đâu nhiều xe ôm bằng Phú Quý”, ông Văn Trảnh, người đàn ông 72 tuổi, ngồi cạnh ông Thinh nói khiến tôi tròn mắt ngạc nhiên, bởi mấy ngày “lùng sục” khắp đảo, tôi chưa thấy chiếc xe ôm nào.

Môt cặp đôi tổ chức đám cưới, nhưng chỉ làm lễ rước dâu chứ không tổ chức tiệc. Ảnh: Trần Thắng. 

Môt cặp đôi tổ chức đám cưới, nhưng chỉ làm lễ rước dâu chứ không tổ chức tiệc. Ảnh: Trần Thắng. 

“Xe ôm nhiều bởi vì ai có xe cũng làm xe ôm, nhưng xe ôm này hoàn toàn miễn phí. Giờ cậu ra cổng, đứng đó một lát, hoặc cứ đi bộ một lát là có người chở cậu đi. Chỉ cần thấy có ai đi bộ, người chạy xe thấy sẽ dừng lại hỏi đi đâu, rồi chở họ đến tận nơi. Thậm chí không cần dừng lại vẫy tay nữa. Tôi dám chắc ở ngoài đảo này, ai có xe máy cũng từng làm xe ôm miễn phí”, ông Trảnh nói tiếp.

Một điều khá thú vị, độc đáo là ngoài cách phát âm giống vùng Bình Định, Phú Yên, không hề dễ nghe, thì người dân Phú Quý còn dùng khá nhiều từ mà lần đầu tôi nghe. Khi tiếp xúc với người dân đảo, tôi thường xuyên ngớ người, mắt tròn mắt dẹt vì không hiểu. Thắng thường hỏi tôi câu “hiểu không?” và sau đó “phiên dịch” lại, còn tôi cũng thường phải hỏi lại cho rõ. Tôi thác mắc về từ “nói chừng”, ông Thinh giải thích: “Nói chừng nó kiểu như ướm hỏi, hay thăm dò xem ý bên kia thế nào. Trong chuyện cưới xin thì giống như lễ dạm ngõ”.

Một cặp đôi tổ chức tiệc cưới tại hội quán từ thiện Thanh niên của nhóm ông Hạnh năm 2018 để làm từ thiện. Ảnh: Trần Thắng.

Một cặp đôi tổ chức tiệc cưới tại hội quán từ thiện Thanh niên của nhóm ông Hạnh năm 2018 để làm từ thiện. Ảnh: Trần Thắng.

Ngoài ra, người dân còn có cách “nói ngược”, dùng từ cổ, không chỉ khiến người “ngoại đạo” như tôi không hiểu, mà đôi khi còn giật mình tự ái. “Dân đảo gọi ông Trời là “ông Blời”, ông Trăng là “ông Klăng”. Các âm “a” biến thành “e”. Hoặc nói ngược như mời ăn giỗ mà dùng từ “mời ăn chực”, hay khen một cô gái đẹp lại dùng từ “dữ”...”, Thắng nói.

Và chuyện tử tế…

Sự tử tế của người dân ở đây tôi đã được trải nghiệm ngay từ ngày đầu bước chân lên đảo. Khi hỏi thăm đường, khi liên hệ nhân vật, tôi đều cảm nhận rất rõ sự nhiệt tình của họ.

Minh chứng rõ nhất về sự tử tế của người dân đảo là ngôi chùa Linh Sơn trên núi Cao Cát. Để có được ngôi chùa đẹp như hôm nay, có sự đóng góp công sức, tài lực của hầu hết người dân xã Long Hải. Và để chăm sóc ngôi chùa này, bất cứ ai cũng tự nguyện lên chùa làm công quả khi rảnh rỗi.

Hội quán từ thiện Thanh niên là công sức và đóng góp của người dân toàn đảo, từ người già đến trẻ em. Ảnh: Trần Thắng.

Hội quán từ thiện Thanh niên là công sức và đóng góp của người dân toàn đảo, từ người già đến trẻ em. Ảnh: Trần Thắng.

Ông Thinh cho biết, từ hơn chục năm nay, đảo bắt đầu có tiệc cưới như đất liền. Điều khiến tôi ngạc nhiên là mỗi khi có đám cưới, khách đến rất đông. Và không phải tất cả đều có giấy mời. Và đám cưới nào cũng “lời” lớn chứ không bao giờ lỗ. “Đừng nghĩ người ta đến “ăn ké”, mà ngược lại, người ta đến để mừng thật sự và muốn góp một chút vốn làm ăn cho tụi trẻ. Chi phí một bàn tiệc khoảng 2 triệu đồng, nhưng người ta đến mừng người ít thì 300, người nhiều thì 500, 1 triệu. Nhưng không phải vì lời mà nhiều đám cưới đâu. Cũng chẳng phải vì gia đình, mà chính những cặp đôi vẫn thích làm theo truyền thống hơn. Như tôi chắng hạn”, Thắng cười, cho biết.

Đó là đám cưới, còn khi gia đình nào có hiếu sự, hàng xóm lại càng chung tay góp sức nhiệt tình hơn. “Mỗi xã trên đảo có một ban lo tang lễ từ thiện. Người ở đất liền chết tốn rất nhiều tiền, còn ở đây không tốn đồng nào. Hàng xóm láng giềng, hay kể cả người chỉ quen sơ thôi cũng đến, ngồi xếp hàng dài ngoài đường tiễn người quá cố. Nhà nào khó khăn thì người dân tới đóng góp, để gia chủ không phải mắc nợ. Ai có mặt cũng góp một vài trăm ngàn đồng”, ông Thinh nói tiếp.

Chùa Linh Sơn, một trong những minh chứng hùng hồn về sự yêu thương, chia sẻ và đoàn kết của người dân Phú Quý. Ảnh: Trần Thắng.

Chùa Linh Sơn, một trong những minh chứng hùng hồn về sự yêu thương, chia sẻ và đoàn kết của người dân Phú Quý. Ảnh: Trần Thắng.

Qua giới thiệu của ông Hai Cụ, chúng tôi tìm đến hội quán Thanh niên từ thiện ở vịnh Triều Dương, xã Tam Thanh. Quán do ông Nguyễn Đức Hạnh, 71 tuổi, ở thôn Hội An, xã Tam Thanh, khởi xướng lập năm 2008. Đây là điểm từ thiện mang tính cộng đồng đúng nghĩa trên đảo. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến thì ông Hạnh đang đi vào đất liền có việc. Qua điện thoại, ông Hạnh cho biết, ông là con dân của đảo. Vào đất liền đi kinh tế mới, nhưng chẳng may bệnh nặng. Kinh tế kiệt quệ nên năm 1986, cả gia đình quay về đảo. Suốt thời gian 7 năm bệnh tật, ông phải nhờ sự cưu mang, đùm bọc của bà con lối xóm, hỗ trợ từng ký gạo, từng món tiền nhỏ 5 - 10 ngàn đồng.

“Khi hết bệnh, tôi bắt đầu lao động và dần dần hết khó khăn. Nghĩ lúc mình đau bệnh, bà con giúp đỡ hết lòng, giờ mình vượt qua khó khăn rồi, phải giúp lại những người khó khăn. Giúp người, họ vui mình cũng vui. Nghĩ vậy nên tôi quyết định lập cái hội quán từ thiện này. Tính đến nay, cũng được mười mấy năm rồi và ngày càng mở rộng”, ông Hạnh nói.

"Toàn bộ thu nhập của quán đều công khai, một nửa gửi vào quỹ chùa Linh Quang, một nửa làm từ thiện, xây nhà tình thương, giúp các hộ nghèo… Hiện tại nhân viên của hội quán có hơn 200 người, trong đó có cả cựu cán bộ xã về hưu và 30 em học sinh cũng thường xuyên đến phụ chạy bàn. Nam sắp bàn, nữ nấu nướng, chế biến, rửa chén bát. Hội quán này là công sức và đóng góp của người dân toàn đảo, từ người già đến trẻ em”, ông Hạnh nói.

“Tính cộng đồng của người dân đảo Phú Quý rất cao. Khi một người có chuyện gì, mọi người xúm lại giúp đỡ. Người dân rất đùm bọc. Khi có người qua đời hoặc gặp hoạn nạn, dù không phải là họ hàng, người dân đều rủ nhau đến chia buồn, thăm hỏi. Ma chay thì cả xóm cùng phụ làm, không tốn đồng nào. Xóm còn cắt cử người ở lại trực giúp gia chủ, giúp lo chu toàn mọi việc trong ngoài”, ông Ngô Tấn Lực, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.