| Hotline: 0983.970.780

Cù lao Khoai xứ - chuyện bây giờ mới kể

Gặp 'kỳ nhân' của biển

Thứ Sáu 10/06/2022 , 08:05 (GMT+7)

Thời trẻ, ông tung hoành khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, mặc dù ghe không lớn, lại chẳng có công nghệ' hỗ trợ. Không phải liều, mà vì ông là 'kỳ nhân'.

Suốt gần 50 năm đi biển, ông chưa từng “dính” bão, hay nói đúng hơn là do ông có đôi tai thính, đôi mắt tinh, và cái mũi đánh hơi giỏi để nghe, thấy và ngửi được mùi của bão mà tránh. Anh bạn thổ địa của tôi bảo, nếu ông là số 2 thì không có ai số 1. Ở đây người ta gọi ổng là “kỳ nhân” của biển. Đó là ngư dân Ngô Văn Chức, ở thôn Phú Long, xã Long Hải, đảo Phú Quý, nay đã giải nghệ.

'Kỳ nhân' Ngô Văn Chức đang hồi tưởng về những ngày tung hoành trên biển. Ảnh: Phúc Lập.

"Kỳ nhân" Ngô Văn Chức đang hồi tưởng về những ngày tung hoành trên biển. Ảnh: Phúc Lập.

Thuộc Trường Sa như lòng bàn tay

Căn nhà của ông nằm trong con hẻm nhỏ, nhưng ở ngoài đường Nguyễn Thông, cách chừng 300m, đã nhìn thấy. Vì đây là ngôi nhà dạng biệt thự, không phải 1 mà là 2 căn liền nhau, 1 của vợ chồng ông, căn còn lại của vợ chồng cậu con trai út.

Ông Chức không chỉ cởi mở, dễ gần, mà còn rất hóm hỉnh. Trên giấy tờ cá nhân ghi ông sinh năm 1942, tức 80 tuổi. Nhưng ông cười nhăn nheo khóe mắt, bảo: “80 là tuổi nhà nước, còn tuổi cha mẹ sinh mới 74 à. Hồi xưa mấy ổng cho mình nói láo”. Ngừng giây lát rồi ông giải thích: “Hồi chế độ cũ, tui khai gian 1942 để trốn lính, sau này chính quyền mình kêu khai lại, mình khai đúng tuổi, mấy ổng lại bảo mình khai gian, vì “nhìn chú thế này làm sao 74 tuổi được?”. Ý là tui già quá, 80 mới đúng. Tôi chịu thua mấy cậu luôn”.

Ông Ngô Văn Chức: 'Gần 50 năm đi biển, tôi chưa từng 'dính' bão, mặc dù không có công nghệ hỗ trợ hiện đại như bây giờ'. Ảnh: Trần Thắng.

Ông Ngô Văn Chức: "Gần 50 năm đi biển, tôi chưa từng "dính" bão, mặc dù không có công nghệ hỗ trợ hiện đại như bây giờ". Ảnh: Trần Thắng.

“Hồi nhỏ gia đình tôi nghèo, khổ lắm. Tôi có đến 21 anh em lận”, ông Chức nheo mắt, nhìn ra cửa sổ chói chang nắng, mở đầu. “Cha mẹ tôi trước lấy nhau, đều đã 1 lần gãy gánh. Cha thì ly hôn, mẹ thì chồng chết. Cha tôi có với bà lớn 12 con. Còn mẹ 6 đứa. Ông bà có 3 con chung nữa, tổng cộng cha tôi có 21 người con. Năm 6 tuổi, chẳng hiểu sao mẹ lớn kêu ba đưa tôi vào đất liền cho bả nuôi, thương như con ruột. Nhưng vì ai cũng nghèo, lại đông con nên 10 tuổi tôi đã phải đi làm thuê kiếm tiền phụ cha mẹ. Tôi nghề gì cũng làm được, thợ hồ, thợ mộc, thợ đóng tàu, ghe, thợ xẻ gỗ… năm 12 tuổi, cha đón tôi về đảo, bắt đầu theo ghe đi biển”, ông kể tiếp.

Sau gần chục năm theo ghe đánh bắt, học hỏi, cha chính thức cho ông tự lập, làm thuyền trưởng một chiếc ghe nhỏ, đánh bắt ở vùng biển gần, mỗi chuyến đi kéo dài 1 tuần, 10 ngày. “Chú đi đánh bắt xa, dài ngày và ra đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa từ khi nào?”, tôi hỏi. “Không nhớ chính xác, nhưng cũng không lâu sau khi tôi làm thuyền trưởng. Lúc đó tôi mới 20 - 21 tuổi chớ bao nhiêu. Hồi đó, tôi là người đầu tiên ra vùng biển Trường Sa đánh bắt. Từ đây ra đảo gần nhất của Trường Sa gần 200 hải lý, đi hết 2 ngày 2 đêm. Còn đảo xa nhất 380 hải lý. Quần đảo Trường Sa có 32 điểm đảo, 21 đảo. Tất cả 21 đảo đều có dấu chân tôi rồi. Giờ nhắm mắt tôi cũng điều khiển được tàu chạy một mạch ra Trường Sa”.

2 căn biệt thự liền nhau của cha con ông Chức. Ảnh: Phúc Lập.

2 căn biệt thự liền nhau của cha con ông Chức. Ảnh: Phúc Lập.

Vợ chồng ông Chức có 8 người con, 4 con trai đều làm thuyền trưởng, các con ông Chức hiện đều đã yên bề gia thất, người nào có cũng có kinh tế ổn định. “Thằng con trai thứ 3 và thằng út giống tôi, có năng khiếu đi biển, rất giỏi. Tôi được trời phú cho trí nhớ tốt. Các hải trình mới, vùng biển mới, chỉ chạy một lần là tôi nhớ. 2 thằng con tôi cũng vậy. Thằng út vừa đi chuyến hơn tháng về, được hơn 800 triệu. Trừ chi phí xong, chắc mỗi thuyền viên cũng được 2 - 3 chục triệu. Như vậy chưa nhiều, ngày xưa tôi đi, có những chuyến về chia thuyền viên 5 - 7 chục triệu, thuyền trưởng gấp đôi”.

Khi mấy người con trai “đủ lông đủ cánh”, ông giao lại ghe cho con làm thuyền trưởng. Cũng từ lúc đó, ông “bị” cho nghỉ việc. “Lúc tụi nó lên làm thuyền trưởng liền “sa thải” tui. Xin theo ghe làm giúp việc nó cũng không cho”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông cười, giải thích: “Giỡn cho vui vậy thôi, chứ tụi nó lo cho sức khỏe của tui thôi. Tụi nó bảo, cha vất vả cả đời rồi, giờ đến lúc nghỉ dưỡng già rồi. Thực ra, tui muốn làm không phải vì tiền, mà vì thấy còn sức khỏe, ở nhà không làm gì buồn chân buồn tay, nhớ biển lắm. Tụi nó nói vậy tui cũng nghe theo, nhưng không nghỉ, mà ra bè nuôi cá, đan lưới mực bán cho thương lái. Mấy năm nay sức khỏe kém đi tui mới nghỉ hẳn ở nhà”, ông Chức nói. Mặc dù nghỉ, nhưng ông vẫn là “quân sư” của các con và nhiều ngư dân khác.

Từ một người nghèo, khổ nhất đảo, ông Chức trở thành người giàu nhất đảo nhờ biển. Ảnh: Phúc Lập.

Từ một người nghèo, khổ nhất đảo, ông Chức trở thành người giàu nhất đảo nhờ biển. Ảnh: Phúc Lập.

“Lúc các con và bà con ngư dân đang trên tàu đánh bắt ngoài biển thì tui ở nhà nghe đài, xem tivi, tổng hợp tin tức rồi mở máy liên lạc với các tàu tư vấn đi lại, đánh bắt và tránh trú khi có bão. Có lần, tàu con trai bị bão, dạt qua vùng biển quốc tế, tui ngồi ở nhà liên lạc, hướng dẫn con điều khiển tàu về an toàn”, lão ngư Ngô Văn Chức.

Cuốn từ điển sống

“Chú có bí quyết gì mà đoán trước sắp có bão, bão khu vực nào để tránh?”, tôi hỏi.

“Cái này nó là kiến thức mình tìm hiểu, học hỏi từ những người bên hàng hải, rồi kinh nghiệm thực tế. Ví dụ dựa vào hiện tượng trời chớp, chớp hướng nào thì trời gió, gió cấp mấy, chớp thế nào thì mưa…chớp trên đỉnh đầu khác, chớp trước mặt (đường chân trời) khác. Hoặc nhìn màu nước dưới chân có thể biết sắp có mạnh, giông hay bão, lo chạy nhanh về vùng an toàn. Tôi nhiều lần đưa ghe thoát khỏi vùng biển nguy hiểm nhờ cách này.

Nhiều khi chỉ cần thời gian 1 - 2 giờ, cho ghe chạy hết tốc cũng được 2 - 3 chục lý, là ra khỏi tâm bão rồi. Mình càng chạy càng xa vùng bão. Nhưng vấn đề là mình phải có kinh nghiệm nhìn nước, đoán hướng gió để chạy xa vùng biển nguy hiểm chứ không phải chạy vào gần, hoặc cho tàu rẽ ngang luồng bão để thoát ra càng nhanh càng tốt. Nếu không phán đoán được hướng gió, luồng bão, cứ chạy dọc theo nó, thì rất nguy hiểm.

Ví dụ mình bị một đoàn xe chạy nhanh phía sau, mình muốn thoát khỏi đoàn xe đó thì rẽ ngang vào một con đường hông. Nhưng mình phải biết đoàn xe đó chạy theo hướng nào, nhiều khi đoàn xe phía sau đang bật xi nhan rẽ đúng vào con đường mình định tránh, mình phán đoán sớm, hoặc không nhìn thấy nó bật xi nhan, vội vàng rẽ vào, chẳng phải vừa không thoát ra được, vừa tiếp tục nguy hiểm sao?”. Tôi tròn mắt nghe ông phân tích và lấy một ví dụ không thể sinh động hơn.

Mặc dù đã 'nghỉ hưu', nhưng ông Chức vẫn là một 'quân sư' về biển đối với các con và ngư dân trên đảo. Ông lập kế hoạch, tính toán hải trình, kinh dộ, vĩ độ chi tiết cho tàu đánh bắt. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù đã "nghỉ hưu", nhưng ông Chức vẫn là một "quân sư" về biển đối với các con và ngư dân trên đảo. Ông lập kế hoạch, tính toán hải trình, kinh dộ, vĩ độ chi tiết cho tàu đánh bắt. Ảnh: Phúc Lập.

“Hồi đó tụi tui đi biển chỉ có 1 cái radio và cái hải bàn cơ thô sơ. Nên phải dựa vào giác quan, cái đầu phán đoán nhanh nhạy, và kinh nghiệm. Hôm nào trời yên biển lặng, trời trong, nhiều sao thì không nói, còn khi thời tiết xấu, từ trên trời đến mặt biển, bốn bề chỉ có một màu đen thì lúc đó phải làm sao? Dựa vào kinh nghiệm thôi. Nếu đang câu thì không nói, còn trên đường về thì tôi nhìn mặt sóng để xác định hướng.

“Nghe nói chú là ngư dân giỏi nhất đảo, chuyến đi nào cũng đầy ắp ghe hải sản, chú có bí quyết gì?”, tôi hỏi tiếp. “Hồi đó không có máy móc hỗ trợ, nên việc biết luồng cá, biết vùng nào cá nào tập trung nhiều, chủ yếu là do kinh nghiệm, giác quan, phán đoán là chính. Trước tiên là phải hiểu đặc tính sinh sống của các loài cá, sau đó hiểu địa thế lòng biển, từ đó suy ra vùng biển đó là môi trường sinh sống của những loài cá nào. Ví dụ cá tà ma, loài cá đặc sản này hình dáng giống cá gáy biển, chép biển, không xấu, nhưng tên nó lại xấu. Vì sao vậy? Loài cá này thường sống ở các vùng biển có hang hốc, khe đá, rạn san hô, chúng bơi rất nhanh, thoắt ẩn thoắt hiện như ma, rất khó bắt, nên người ta gọi nó là tà ma. Mình đi biển lâu năm, nắm rõ vùng biển nào có địa thế phù hợp loài này sinh sống thì đến đánh bắt thôi. Tất nhiên, còn có những yếu tố khác nữa, như thời tiết, nhiệt độ nước, vùng thức ăn, mật độ đánh bắt…nhiều thứ lắm”, ông Chức nói.

Ônh Chức cho biết, những số liệu ông lập ra là kiến thức, kinh nghiệm đi biển tích luỹ mấy chục năm. Ảnh: Trần Thắng.

Ônh Chức cho biết, những số liệu ông lập ra là kiến thức, kinh nghiệm đi biển tích luỹ mấy chục năm. Ảnh: Trần Thắng.

Ông Chức khoe: “Dân đảo Phú Quý với bộ đội Trường Sa tình cảm lắm. Mỗi lần tụi nhỏ chuẩn bị ra ngư trường Trường Sa đánh bắt, tôi lại nhắc lên rẫy đóng vài chục bao đất đem ra đảo cho các anh trồng rau. Trên đảo Trường Sa có nhiều đất của Phú Quý lắm đó”.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

  • Những 'bông hồng' trên mâm pháo
    Phóng sự 08/03/2024 - 06:30

    Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

  • Thu hoạch tiêu, nghề nguy hiểm
    Phóng sự 06/03/2024 - 06:33

    Nghề hái tiêu nhìn bên ngoài có thể dễ dàng nhưng công việc luôn đứng trên thang cao, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đây được xem là nghề nguy hiểm.

  • Gã họa sĩ lập dị móng tay dài cả mét
    Phóng sự 05/03/2024 - 09:08

    Sau hơn 30 năm nuôi móng tay, ông Huyền không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại là họa sỹ nổi tiếng vùng biển.

  • Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối
    Phóng sự 04/03/2024 - 06:54

    Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

  • Chuyện ông 'Thìn rồng' ở đền Đô
    Phóng sự 02/03/2024 - 06:00

    Về Từ Sơn, hỏi chuyện 'ông Thìn rồng', đứa trẻ lên 6 cũng tỏ tường bởi ông là người may mắn hai lần ghi được khoảnh khắc đám mây hình rồng trên đỉnh đền Đô.

  • Ngày hội của những chàng trai
    Phóng sự 01/03/2024 - 06:00

    Mới ngày nào, họ còn là những học sinh, sinh viên, hay lao động tự do, nay đã chỉnh tề trong bộ quân phục màu xanh, chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân nhân.

  • Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà
    Phóng sự 26/02/2024 - 10:05

    YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Nghệ An thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai

Đã thành thông lệ, thiên tai thường xuyên rình rập và đe dọa Nghệ An bất kỳ lúc nào. Riêng năm 2023, tỉnh này thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai.