| Hotline: 0983.970.780

Cử tri Mỹ bước vào cuộc bầu cử khó khăn nhất

Thứ Ba 03/11/2020 , 16:50 (GMT+7)

Bất chấp đại dịch, cử tri Mỹ bắt đầu bỏ phiếu để bầu chọn tổng thống nhiệm kỳ mới giữa hai ứng cử viên Trump và Biden, được ví đối nhau như nước và lửa.

Phân hóa và biến động

Sự kiện Ngày Bầu cử 3/11 đã chính thức bắt đầu sau khi hai ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đảng Dân chủ Joe Biden kết thúc tua tranh cử nước rút ở các bang chiến trường buộc phải thắng nhằm tạo thế thượng phong trong ngày trọng đại.

Ghi nhận của giới quan sát cho thấy, bầu không khí đi bỏ phiếu của cử tri Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chứng kiến những biến động và phân hóa sâu sắc, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tờ New York Times đã liệt kê hàng loạt các vấn đề cấp bách của cuộc bầu cử năm nay bao gồm: khủng hoảng sức khỏe cộng đồng không thể kiểm soát, nền kinh tế điêu đứng, hệ tư tưởng bị chia rẽ sâu sắc, nạn phân biệt chủng tộc và nổ ra tranh cãi về tính không chắc chắn của kết quả cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên không nản lòng trước đại dịch, người Mỹ vẫn thể hiện một sự quyết tâm hiếm thấy nhằm thể hiện quan điểm của mình qua lá phiếu cử tri. Thống kê đã có gần 100 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trước Ngày Bầu cử thông qua hoạt động bỏ phiếu qua đường bưu điện, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.

“Hầu như mọi người dân Mỹ đều cảm thấy như đang đứng trên bờ vực, coi đây là ‘cuộc bầu cử quan trọng nhất trong đời’ đã đến. Ngay trước khi diễn ra vòng bỏ phiếu chính thức đầu tiên, hàng loạt các doanh nghiệp ở các thành phố từ Denver tới Detroit đến thủ đô Washington DC đều đã phải thận trọng dán ván ép lên cửa sổ nhằm đề phòng khả năng xảy ra bất ổn, bạo loạn dân sự. Thậm chí một số thống đốc bang còn chuẩn bị lực lượng Vệ binh Quốc gia sẵn sàng làm nhiệm vụ”, theo tờ NewYorkTimes.

“Mọi người bắt đầu hoảng sợ”, Fernando Salas, một công nhân xây dựng chia sẻ trong khi gia cố một cửa tiệm bán đồ hiệu thuộc khu mua sắm cao cấp ở gần thành phố Los Angeles.

Được biết, các đơn vị tổ chức bầu cử đều đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với những thách thức có thể phát sinh trong và sau cuộc bầu cử, đặc biệt là nguy cơ nổ ra xung đột trong quá trình kiểm phiếu. “Xin hãy kiên nhẫn,” Jim Kenney, thị trưởng Philadelphia - thành phố lớn nhất ở một trong những bang chiến trường dao động được cho là quan trọng nhất là Pennsylvania kêu gọi mọi người trước khi bỏ phiếu.

Hiện cả hai chiến dịch tranh cử của ông Trump và Biden đều đã chuẩn bị sẵn sàng đội quân luật sư cho một cuộc chiến kiện tụng có thể kéo dài sau ngày bầu cử.

Giới quan sát nhìn nhận, sự lây lan không thể kiểm soát của dịch bệnh Covid-19 đã phủ bóng lên cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Sự đảo lộn thể hiện rõ nhất là khi ngay trước Ngày Bầu cử, một báo cáo từ các điều phối viên chuyên trách về coronavirus của Nhà Trắng đã mâu thuẫn với các tuyên bố lặp đi lặp lại của tổng thống trong chiến dịch tranh cử rằng “nước Mỹ đang trên đường đánh bại virus”.

Tờ Washington Post dự đoán, đất nước những ngày sắp tới sẽ tiếp tục chứng kiến ​​số trường hợp nhiễm bệnh mới vượt quá 100.000 ca. Và bệnh dịch cũng khiến cử tri bị căng thẳng.

Theo giới phân tích tính đến trước Ngày Bầu cử, con đường trở lại Nhà Trắng của ông Trump đang hẹp hơn so với ông Biden, nếu dựa vào tỷ lệ các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump vẫn là người bám đuổi trên toàn quốc và ở hầu hết các chiến trường quan trọng nhằm đạt được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để giành được chiến thắng.

Do đó muốn đảo ngược thế trận, ông Trump buộc phải bảo vệ được không chỉ ba bang công nghiệp phía Bắc vốn trước đây là "bức tường xanh" gồm Pennsylvania, Wisconsin và Michigan – nơi mà ông đã giành được chiến thắng bất ngờ bốn năm trước mà còn giữ vững vị thế ở một loạt các bang thuộc Vành đai Mặt trời và miền Nam, như Florida, Arizona, North Carolina, Georgia và thậm chí cả Texas. Hiện năm bang này có tổng cộng 109 phiếu đại cử tri.

Tuy nhiên, cử tri của cả hai đảng đều không tin tưởng mấy vào các cuộc thăm dò, đặc biệt là các thành viên phía đảng Dân chủ vẫn còn nguyên vết sẹo sau cú sốc hồi năm 2016.

Chính sách đối nghịch

Cả thế giới đang dõi theo sự kiện bầu cử được cho là có ảnh hưởng mạnh nhất đến thế giới, có thể khiến nước Mỹ và toàn cầu bước vào một ngã rẽ quan trọng. Đặc biệt là xét trên lập trường trái ngược của hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden không chỉ phản chiếu sự khác biệt ý thức hệ lâu đời của hai đảng, mà còn cho thấy một nước Mỹ ngày càng khó tìm được sự đồng thuận.

Phát biểu tại hai bang Ohio và Pennsylvania, ông Biden nói: “Bước đầu tiên để đánh bại virus là đánh bại Donald Trump. Quyền lực của sự thay đổi (đất nước) đang nằm trong tay các bạn”.

Trong khi đó ông Trump tiếp tục các chiến thuật công kích các nhân vật thuộc đảng Dân chủ như bà Nancy Pelosi, Adam Schiff, Hillary Clinton và các phương tiện truyền thông, đồng thời tuyên bố chắc chắn về khả năng tái đắc cử như một mệnh lệnh kinh tế để tránh rơi vào "một cuộc phong tỏa chết người kiểu Biden".

“Đây không phải là đám đông của những người về nhì”, ông Trump nói ở thành phố Scranton, bang Pennsylvania- nơi ông Biden cũng sẽ xuất hiện vào Ngày Bầu cử.

Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden có quan điểm hầu như trái ngược nhau trong nhiều vấn đề quan trọng như đại dịch Covid-19, các chính sách phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, nhập cư cũng như đối ngoại…

Trong khi ông Trump tiếp tục theo đuổi chính sách nới giảm thuế và phục hồi kinh tế thì cựu Phó tổng thống Biden lại ưu tiên các giá trị truyền thống của đảng Dân chủ như chăm sóc sức khỏe toàn dân, nữ quyền, mở rộng quyền nhập cư, sở hữu súng đạn...

Giới phân tích nhận định, sự khác biệt của hai ứng viên trong mùa bầu cử này không chỉ bởi đảng phái mà còn tương ứng với sự quan tâm của các nhóm cử tri Mỹ đối với từng vấn đề cụ thể. Đơn cử, trong khi ông Trump thường tỏ ra hoài nghi vấn đề biến đổi khí hậu cũng khiến các cử tri của ông cũng không xem đây là một ưu tiên khi chỉ 11% tỷ lệ quan tâm, so với 68% bên phía ông Biden.

Trước đó trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Biden đề xuất chi 2 nghìn tỷ USD trong 4 năm cho các dự án phát triển năng lượng sạch và chấm dứt phát thải carbon từ các nhà máy điện vào năm 2035.  Đề xuất mới của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cũng tỏ rõ tham vọng hơn bản kế hoạch 10 năm trị giá 1,7 nghìn tỷ USD mà ông đã đưa ra trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, bao gồm mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngược lại Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu của mình tại Nhà Trắng đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris - một thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2015 về các mục tiêu cắt giảm khí thải toàn cầu, một đòn giáng mạnh vào phản ứng của cộng đồng thế giới đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Chính quyền dưới thời ông Trump còn thu nhỏ hai di tích quốc gia của bang Utah và mở cửa khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực ở Alaska để thăm dò dầu khí...

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.