| Hotline: 0983.970.780

Cửa biển bồi lấp nặng, ngư dân lo lắng

Thứ Ba 13/01/2015 , 07:35 (GMT+7)

Sau mùa mưa bão, hiện phần lớn các cửa sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang bị cát tái bồi lấp nặng, nhiều cửa bị thu hẹp, độ sâu không đủ cho tàu thuyền ra vào đánh bắt thủy sản và tránh trú bão.

Vì vậy, hàng nghìn chủ tàu thuyền và ngư dân ven biển không khỏi lo lắng...

Tái bồi lấp nặng

Mặc dù đã được nạo vét từ năm 2008, nhưng mấy năm gần đây, các luồng lạch vào cảng cá Tiên Châu và lạch Vạn Củi, cửa biển Lễ Thịnh, thuộc xã An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An, Phú Yên) bị cát bồi lấp, có thời điểm chỉ còn rộng từ 15 đến hơn 20m, mực nước sâu từ 1 đến 1,8m, tàu thuyền ra vào tránh trú bão, tiêu thụ thủy sản gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Trong khi đó, cửa biển An Hải, đầm Ô Loan thuộc xã An Hải (huyện Tuy An) cũng nằm trong tình trạng tương tự, ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản của người dân. Theo nhiều ngư dân, tại các khu vực trên đã nhiều lần xảy ra tình trạng tàu thuyền bị mắc cạn, bị sóng đánh vỡ, gây thiệt hại kinh tế, ách tắc giao thông đường thủy.

Trước thực trạng trên, tháng 8/2014, UBND tỉnh Phú Yên giao UBND huyện Tuy An làm chủ đầu tư triển khai 3 dự án nạo vét đất, cát bồi lấp, thông luồng vào cảng cá Tiên Châu, lạch Vạn Củi, cửa biển Lễ Thịnh và cửa biển An Hải - đầm Ô Loan với tổng khối lượng trên 1.145.000m3 cát, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2015.

Trong đó, cảng cá Tiên Châu, lạch Vạn Củi khoảng 375.000m3; cửa biển Lễ Thịnh 376.000m3 và cửa biển An Hải - đầm Ô Loan 395.000m3.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Nguyễn Phụng Ngoạn, đây là các dự án đáp ứng nguyện vọng cấp thiết của ngư dân, đảm bảo cho tàu thuyền đi lại, tránh trú bão an toàn, tăng cường trao đổi nguồn nước giữa biển và đầm, giảm thiểu ô nhiễm đầm Ô Loan, góp phần thoát lũ vùng hạ lưu.

Tại TP Tuy Hòa, sau mùa bão vừa qua, cửa biển Đà Diễn đang bị tái bồi lấp nặng do sóng biển mang cát vào từ ngoài khơi. Hiện chiều rộng cửa biển còn hơn 20m, nước sâu từ 1,5 đến 2m, tàu thuyền ra vào cảng cá Đông Tác và phường 6 gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, bờ Nam của cửa Đà Diễn bị cát bồi lấp, ăn sâu vào cảng cá phường 6 hơn 100m. Khi thủy triều xuống, tàu thuyền phải nuối đuôi, kèm nhau ra vào trong tình trạng bị mắc cạn bất cứ lúc nào. Cũng theo ông Cư, mùa biển tới, nếu cửa biển không được khơi thông kịp thời, tàu thuyền khó có thể ra khơi đánh bắt thủy sản.

Tại huyện Đông Hòa, cửa sông Đà Nông cũng thường xuyên bị bồi lấp, gây khó khăn cho hàng trăm tàu thuyền ra vào của ngư dân các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Trung...

Trước tình hình trên, tháng 4/2014, Công ty Cổ phần BKG tự bỏ vốn triển nạo vét khơi thông cửa sông Đà Nông nhằm thoát lũ, hạn chế ngập úng vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, đến tháng 8 thì kết thúc giai đoạn 1.

Phú Yên có hơn 7.000 phương tiện đánh bắt thủy sản với hơn 29.000 lao động (trong đó gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ), chủ yếu là ở TP Tuy Hòa (hơn 1.000 tàu), huyện Đông Hòa (703 tàu), huyện Tuy An (1.300 tàu). Sản lượng đánh bắt thủy sảnh bình quân hàng năm từ 45.000 đến 50.000 tấn (trong đó cá ngừ đại dương khoảng 5.500 tấn).

Theo nhiều ngư dân, bước đầu dự án đã giải phóng lượng cát bồi lấp lớn, tạo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam và chống ngập úng. Tuy nhiên, cần tiếp tục nạo vét cát hàng năm kết hợp với xây kè chống sạt lở, triều cường mới đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào và đời sống của người dân.

Cần tiếp tục nạo vét

Mặc dù đã được nạo vét khơi thông, song do đợt mưa lũ vừa qua, hầu hết các cửa sông, cửa biển ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đều trong tình trạng bị cát tái bồi lấp nặng.

Mùa biển mới sau Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp đến, hàng nghìn ngư dân lo lắng phải đối mặt với nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống do tàu thuyền ra vào khó khăn, nguy hiểm.

Hiện cửa Tiên Châu thuộc xã An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) đã dịch chuyển vào bờ cách vị trí cũ hơn 200m, bị cát bồi lấp nặng, chắn ngang cửa biển. Ông Trần Thanh Lãnh ở xóm 5, thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông cho biết, do xây kè chắn sóng bảo vệ khu dân cư xóm 6, thôn Phú Hội, nên dòng chảy chuyển hướng, đẩy cát bồi lấp cửa biển, tàu công suất lớn không thể ra vào.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, hai xã An Ninh Đông và An Ninh Tây có hơn 400 tàu thuyền. Cửa biển hẹp, cạn nên khi gặp lũ lớn, tàu từ 90CV trở lên không thể vào tránh trú bão do bị dòng nước lũ tống ngược, vì vậy phải neo đậu ở bãi Dài trong tình trạng mất an toàn.

Trong khi đó, hiện lạch Vạn Củi thuộc xã An Ninh Tây chỉ còn rộng khoảng 15m, sâu hơn 1m, tàu thuyền ra vào hết sức khó khăn, tàu công suất lớn cũng không thể vào tránh bão. Hiện người dân rất mong Nhà nước sớm triển khai các dự án nạo vét luồng lạch ra vào cửa biển, cửa sông để phục vụ cho mùa đánh bắt mới sau Tết Nguyên đán và tránh trú bão an toàn.

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, việc nạo vét khơi thông luồng lạch trên địa bàn huyện là vô cùng cần thiết. Vì không những tạo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào an toàn, mà còn góp phần thoát lũ vùng hạ lưu, chống ngập úng hơn 120ha lúa ở các cánh đồng Bình Thạnh, Phú Hội, Đồng Tiệm thuộc xã An Ninh Tây và An Ninh Đông...

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.