Trong bối cảnh bao trùm khắp thế giới trong 6 tháng qua vẫn là sự hoành hành của Covid-19, nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, quyết liệt và sáng tạo trong thực hiện mục tiêu kép, trong nửa đầu năm nay, Cúc Phương đã tạo được những kết quả ấn tượng.
Phương án Quản lý rừng bền vững được Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt, là một dấu ấn quan trọng. Đây được coi là kim chỉ nam cho Cúc Phương triển khai các giải pháp đồng bộ, khoa học và lâu dài trong triển khai thực hiện các chức năng của một Vườn quốc gia.
Tiếp tục lấy bảo vệ rừng là gốc, bảo vệ rừng tận gốc, với phương châm mỗi cán bộ, mỗi người dân vùng đệm và du khách là một kiểm lâm viên, tình hình an ninh rừng Cúc Phương được đảm bảo. Đã ngăn chặn kịp thời một số vụ xâm hại rừng, giảm thiểu mức độ thiệt hại 50% so với cùng kì năm ngoái. Qua bẫy ảnh, số loài và tần xuất xuất hiện loài đều tăng.
Trong lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác quốc tế, các dự án giai đoạn 2021-2026 được triển khai tích cực, lấy hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu. Ngoài duy trì tốt các dự quốc tế và chương trình phối hợp trong cứu hộ bảo tồn, Vườn đang tích cực triển khai Dự án quốc tế với tổ chức Usaid, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về cây Chò Xanh, Nâng cấp bảo tàng Cúc Phương. Vườn cũng đã tổ chức Hội nghị đánh giá lợi ích bảo tồn với các bên liên quan và hoàn thành 50% kế hoạch các nội dung theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học.
Đổi mới cả về nội dung và hình thức thực hiện các nhiệm vụ công ích, nhất là lĩnh vực cứu hộ gắn với giáo dục môi trường và dịch vụ được khai thác có hiệu quả theo xu thế xanh, vì mục tiêu phát triển bền vững. Hiệu quả của nỗ lực này đang góp phần vừa làm giàu tính đa dạng sinh học, không chỉ cho riêng Cúc Phương, vừa làm chủ chuyên môn, kĩ năng, nghiệp vụ cứu hộ và năng lực phục vụ du khách.
Trong 6 tháng đầu năm, Cúc Phương đã thực hiện 7 đợt tái thả với 148 cá thể của 14 loài vào VQG Cúc Phương, Bạch Mã, Vũ Quang, Pù Mát; phối hợp với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tái thả 92 cá thể của 17 loài vào VQG Cúc Phương; tiếp nhận 32 đợt với 252 cá thể động vật của 28 loài từ cơ quan chức năng trên cả nước; 95 cá thể của 18 loài sinh sản trong nuôi nhốt.
Về du lịch sinh thái, mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn từ Đại dịch, tuy nhiên 6 tháng đầu năm Vườn đã đón tiếp và phục vụ xấp xỉ 3 vạn lượt khách, bằng 82% cùng kì năm ngoái.
Với sự đổi mới, kết nối thông qua truyền thông, nhiều sản phẩm đã được triển khai, tạo dấu ấn và nâng vị thế du lịch Cúc Phương. Có thể kể đến “Hội xuân Thêm Xanh Cho Cánh Rừng Già” với nội dung và ý nghĩa sâu sắc, tôn vinh giá trị văn hóa cộng đồng bản địa, thu hút sự tham gia của cộng đồng, du khách.
Đây là dấu ấn tiêu biểu trong các hoạt động dịp Tết Nguyên Đán, thiết thực hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2021 “Hoa Lư – Ninh Bình”; Bộ sản phẩm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên được vận hành chính thức, đã đổi mới đột phá trong cách tiếp cận giáo dục môi trường, thực hiện kì vọng biến Cúc Phương trở thành trường học lớn về thiên nhiên; mùa bướm và mùa đom đóm, gắn với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thu hút hàng vạn lượt du khách tới thưởng ngoạn trong sự đổi mới quy trình đón tiếp, phục vụ, đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách; Về Nhà – tour trải nghiệm độc đáo tham gia tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ và tạo nên sức lan tỏa rất lớn.
Tour được tổ chức, vận hành bài bản, chuyên nghiệp. Hiện đang có hàng trăm đoàn đã đăng kí để được trải nghiệm sản phẩm mang ý nghĩa sâu sắc này.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Vườn, duy trì hoạt động, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và có hiệu quả. Toàn bộ các quy trình, khuyến nghị của cơ quan chức năng các cấp, tỉnh Ninh Bình được quán triệt thực hiện nghiêm túc. Tính đến thời điểm này, Vườn đã tuyệt đối an toàn trước Đại dịch.
Những kết quả trên của Cúc Phương đã được Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ghi nhận trong chuyến kiểm tra mới đây tại vườn quốc gia này. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thứ trưởng đã động viên tập thể công nhân viên Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, phát huy bề dày truyền thống, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong thực hiện mục tiêu kép, lập thành tích hướng tới kỉ niêm 60 năm ngày thành lập Vườn vào năm 2022.