Bệnh cúm gia cầm là gì?
Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm ở gia cầm nuôi và chim hoang dã, do virus gây ra, có thể gây chết gia cầm với tỷ lệ lên đến 100%.
Bệnh cúm gia cầm gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi gia cầm, có thể lây nhiễm và gây chết người.
Bệnh cúm gia cầm được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 2005. Cho đến nay đã phát hiện 3 chủng virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gây bệnh ở gia cầm.
Sức đề kháng của virus cúm gia cầm
Virus cúm gia cầm có thể sống lâu trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Virus có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới vài tháng trong phân gia cầm mắc bệnh, xác gia cầm chết, trong các sản phẩm thịt gia cầm đông lạnh.
Virus dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C trong 5 phút.
Một số loại thuốc sát trùng được cấp phép lưu hành dùng trong thú y, vôi bột, nước vôi 10% có thể tiêu diệt virus cúm gia cầm.
Những loài động vật có thể mắc bệnh cúm gia cầm
Các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi có thể mắc bệnh cúm gia cầm. Đặc biệt virus có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người.
Phương thức truyền lây bệnh cúm gia cầm
Gia cầm bị lây nhiễm qua 2 con đường:
Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc: Nuôi nhốt chung gia cầm khỏe mạnh với gia cầm mắc bệnh hoặc nuôi thả cùng nhau. Lây nhiễm từ chim hoang dã có mang mầm bệnh.
Lây gián tiếp thông qua: Phân, máu, chất bài tiết của gia cầm, chim hoang dã có mang mầm bệnh. Phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, lồng nhốt, chất độn chuồng, bao bì đựng cám… có mang mầm bệnh. Nguồn nước, thức ăn có mang mầm bệnh. Giày dép, quần áo của người chăn nuôi có mang mầm bệnh.
Dấu hiệu nhận biết gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm
Gia cầm lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám, chảy nước mắt, nước dãi, ho, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, sưng khớp.
Sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái, xuất huyết dịch dưới da, tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh. Gia cầm đẻ bị giảm năng suất hoặc đẻ trứng không có vỏ.
Bệnh tích khi mổ khám: Xuất huyết ở khí quản, phổi, gan, lách, thận, dà dày tuyến, manh tràng, ruột non, hậu môn, buồng trứng, dịch hoàn, túi khí dày đặc, có ổ cazein, màng bao tim, cơ tim xuất huyết, tim nhão, bao tim xuất huyết, chứa nhiều dịch màu vàng,màng não xung huyết.
Cần làm gì khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt?
Không giấu dịch. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y hoặc cơ quan thú y. Không mua bán, vận chuyển gia cầm bệnh, gia cầm chết.
Không vứt xác gia cầm chết ra môi trường hoặc sông, ngòi, ao, hồ… Không giết mổ, tiêu thụ thịt gia cầm bệnh, gia cầm chết.
Không để bất kỳ ai đến gần đàn gia cầm, đặc biệt là trẻ em. Tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột.
Cần làm gì để phòng bệnh?
Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chắn nuôi bảng hóa chất, vôi bột. Tiêm vacxin phòng bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác cho đàn gia cầm nuôi.
Gia cầm giống phải có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy; nuôi nhốt riêng gia cầm mới mua về 1 - 2 tuần trước khi cho nhập đàn.
Gia cầm đã mang ra chợ bán nhưng không bán hết, khi mang về cần phải nuôi nhốt riêng trong 1 - 2 tuần.
Nuôi nhốt gia cầm trong chuồng nuôi hoặc khu vực có hàng rào; hạn chế tối đa nuôi chung gia cầm với các loài động vật khác tại cùng một địa điểm nuôi.
Người chăm sóc gia cầm phải sử dụng ủng, giày, bảo hộ cá nhân khi vào khu chăn nuôi. Hạn chế khách ra, vào khu chăn nuôi, nếu phải ra, vào cần thay ủng, giày mới hoặc rửa sạch đế ủng, giày bằng nước xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn.
Không để các phương tiện, dụng cụ vận chuyển vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp bắt buộc phải phun khử khuẩn hoặc rửa phương tiện bằng nước xả phòng.
Bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất nâng cao sức đề kháng của gia cầm. Khi có thông tin về dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn cùng xã, khu vực xung quanh, cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 6 tỉnh, gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang, buộc tiêu hủy 8.924 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Thú y nhận định, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do: Tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vacxin.
Virus cúm gia cầm (các chủng virus A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 5%).
Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới. Thời tiết diễn biến cực đoan, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh.