| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa khẩn trương xác định nguồn lây ca cúm A/H5 sang người gây tử vong

Chủ Nhật 24/03/2024 , 08:06 (GMT+7)

Hiện nay, theo kết quả điều tra của CDC cũng như điều tra tại hiện trường chưa biết bệnh nhân bị lây nhiễm cúm A/H5 từ nguồn nào.  

Cơ quan chức năng vẫn chưa xác định nguồn lấy cúm A/H5 sang người ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng vẫn chưa xác định nguồn lấy cúm A/H5 sang người ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Chưa phát hiện nguồn lây cúm A/H5 sang người

Chi cục Thú y vùng IV vừa có báo cáo kết quả điều tra ổ dịch tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) nơi phát hiện một trường hợp dương tính với cúm A/H5.

Theo đó, ngày 21/3 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành điều tra dịch tễ, lấy 2 mẫu trên đàn gia cầm (gà, vịt) tại hộ có bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm,1 mẫu trên đàn gà của hộ giáp ranh nhà bệnh nhân tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn còn lấy 2 mẫu tại cửa hàng bán chim cảnh tại phường Vĩnh Thọ, khu vực lân cận trường Đại học Nha Trang (nơi bệnh nhân tạm trú).

Sau đó, các mẫu được gửi Chi cục Thú y vùng IV để xét nghiệm tìm virus cúm A; subtype H5N1, H5N6 và H5N8. Theo kết quả xét nghiệm số 233;234;235 ngày 22/3/2024 của Chi cục Thú y vùng IV không phát hiện virus cúm A subtype H5 trên 5 mẫu xét nghiệm.

Mặt khác, hiện nay đàn gia cầm tại nhà bệnh nhân và trên địa bàn thôn, xã vẫn khoẻ mạnh không có dấu hiệu của bệnh cúm gia cầm.

Theo em gái bệnh nhân trình bày ngoài bệnh nhân ra còn có 5 người gồm mẹ, 2 dì, em gái và bạn trai em gái. Đến thời điểm điều tra em gái và bạn trai em gái vẫn khoẻ mạnh.

Hiện nay, theo kết quả điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa (CDC) cũng như điều tra tại hiện trường chưa biết bệnh nhân bị lây nhiễm H5 từ nguồn nào (nghi từ chim hoang dã).

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Ninh Trung báo cáo, năm 2023 xã này tiêm cúm gia cầm trên 80%. Còn toàn thị xã Ninh Hòa tiêm cúm gia cầm đạt 80%.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp cho thị xã Ninh Hòa 224.400 liều vacxin/272.476 con gia cầm tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm. Từ ngày 15/3 đến nay toàn thị xã đã tiêm được hơn 30.000 liều vacxin.

Đối với xã Ninh Trung hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 17.000 con, Chi cục  đã cấp 13.200 liều vacxin cúm gia cầm. Hiện nay cơ quan thú y đã tiêm được gần 2.000 con và đang tiếp tục triển khai tiêm vacxin.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành tiếp cận, điều tra khu vực nhà trọ bệnh nhân ở.

Cơ quan chức năng đã lấy mẫu 6 người ở cùng  phòng (có 2 người đang sốt) và lấy ngẫu nhiên 200 sinh viên đều cho kết quả âm tính H5. Ngoài ra, theo dõi tình trạng những người phơi nhiễm trong gia đình qua điện thoại ngày/lần hiện tất cả vẫn khoẻ mạnh bình thường.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm phát sinh lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa tiếp tục tham mưu Sở NN-PTNT văn bản đề nghị UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y vùng IV nhận định nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm trong thời gian tới là rất cao.

Bởi thời tiết diễn biến cực đoan thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của gia cầm, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh.

Trong khi đó, điều kiện chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi nông hộ còn hạn chế. Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao như các chủng virus cúm gia cầm A/H5 (H5N1, H5N6…).

Ngoài ra, năm 2023 giám sát chủ động đã phát hiện 11/312 mẫu có virus cúm gia cầm subtype H5N1 trên gia cầm buôn bán tại chợ ở khu vực nguy cơ cao.

Chi cục Thú y vùng IV đề nghị tỉnh Khánh Hòa tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Chi cục Thú y vùng IV đề nghị tỉnh Khánh Hòa tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Trước tình hình đó, Chi cục Thú y vùng IV đề nghị tỉnh Khánh Hòa triển khai chỉ đạo, phối hợp thực hiện công văn 688 ngày 21/3/2024 của Cục Thú y về tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại Khánh Hòa.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức thực hiện điều tra dịch tễ cúm gia cầm A/H5 tại nơi có ca mắc bệnh trên người trên địa bàn tỉnh để xác định nguồn dịch, các yếu tố nguy cơ.

Cùng với đó, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, không rõ nguồn gốc.

Rà soát, thống kê số liệu tổng đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh để chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Còn các Trạm Chăn nuôi và Thú y rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vacxin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vacxin cúm gia cầm tại địa phương. Cũng như rà soát, thống kê số liệu đàn gia cầm trên địa bàn toàn huyện để chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Đối với UBND xã Ninh Trung tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm báo cáo kịp thời khi đàn gia cầm có triệu chứng bệnh, nghi mắc bệnh. Chuẩn bị nhân lực, vật tư, nơi tiêu huỷ... để chủ động trong công tác phòng, chống dịch được kịp thời nếu xảy ra.

Đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhưng không gây hoang mang để người dân được biết, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi đàn gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh phải báo cáo chính quyền không được giấu bệnh hoặc tự tiêu huỷ.

Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch

Trước đó, ngày 21/3 Cục Thú y có văn bản số 668 đề nghị Sở NN-PTNT Khánh Hòa tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Sở NN-PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn có liên quan của địa phương khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp như giao cơ quan thú y của tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp tổ chức thực hiện điều tra dịch tễ cúm gia cầm A/H5 tại nơi có ca mắc bệnh trên người trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để xác định nguồn dịch, các yếu tố nguy cơ.

Từ đó, đề xuất biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên gia cầm và phòng bệnh lây sang người.

Cùng với đó, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Cục Thú y đề nghị Sở NN-PTNT Khánh Hòa tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm. Ảnh: KS.

Cục Thú y đề nghị Sở NN-PTNT Khánh Hòa tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm. Ảnh: KS.

Chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm và xử lý ổ dịch.

Rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vacxin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm, thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vacxin cúm gia cầm tại địa phương.

Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn.

Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định, hàng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Ngày 23/3, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Bùi Xuân Minh cho biết, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 trú tại thị xã Ninh Hòa đã tử vong sau 8 ngày điều trị. Dù các bác sỹ đã nỗ lực chăm sóc, điều trị với trang thiết bị, thuốc men đầy đủ nhưng không thể cứu sống được bệnh nhân vì tình trạng bệnh diễn biến quá nặng, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, phổi đã bị xơ.

Xem thêm
Vùng cao chăn nuôi bài bản

LÀO CAI Tập trung chăn nuôi trang trại, gia trại bài bản, chủ động về nguồn con giống... giúp huyện vùng cao Bảo Thắng phát triển chăn nuôi bền vững.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).