| Hotline: 0983.970.780

Cục Trồng trọt chỉ đạo ứng phó với bão số 6

Thứ Bảy 26/10/2024 , 16:49 (GMT+7)

Trước nguy cơ ảnh hưởng của bão số 6, ngành trồng trọt có nguy cơ thiệt hại nặng. Do đó Cục Trồng trọt đã đề ra nhiều biện pháp ứng phó.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, rạng sáng 28/10, bão Trà Mi đổi hướng Đông Đông Nam trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung bộ với cường độ cấp 10, giật cấp 12; sau đó di chuyển theo hướng Đông và tiếp tục suy yếu.

Trước nguy cơ ảnh hưởng của bão Trà Mi (bão số 6) Cục Trồng trọt đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ khẩn trương tập trung ứng phó, đồng thời hướng dẫn nông dân tập trung máy móc thiết bị, nhân lực nhanh chóng thu hoạch lúa còn trên đồng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Trước khi bão Trà Mi ập đến, những diện tích rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch nông dân cần tập trung thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Trước khi bão Trà Mi ập đến, những diện tích rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch nông dân cần tập trung thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Đối với rau màu, nông dân cần tập trung thu hoạch những diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng. Những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch bị bão gây thiệt hại không có khả năng phục hồi thì sau khi nước rút, nông dân tiến hành thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy; tranh thủ thời tiết thuận lợi chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau chịu nước để cung cấp kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.

Đối với những diện tích rau màu bị thiệt hại nhẹ, nông dân cần chủ động kiểm tra, thoát nước kịp thời, không để nước đọng trên mặt luống. Sau mưa, cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy; tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng nhằm hạn chế nấm bệnh; sau khi nước rút, trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây.

Với vùng chuyên rau màu, ngành chức năng các địa phương cần hướng dẫn nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất đã khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh cây bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK..., chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Các vườn cây ăn quả cần được cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng để đề phòng bão lớn, lũ gây ngập úng. Ảnh: V.Đ.T.

Các vườn cây ăn quả cần được cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng để đề phòng bão lớn, lũ gây ngập úng. Ảnh: V.Đ.T.

Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, khuyến cáo nông dân khẩn trương khơi, thoát nước ngay, tránh để nước đọng trên đất và xung quanh gốc cây dẫn tới úng cục bộ. Tập trung thu hoạch nhanh gọn, đặc biệt đối với cây ăn quả đã đủ tuổi thu hoạch.

Cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả để đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng. Sau bão lũ, ngập úng, nông dân cần khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Đặc biệt, nông dân cần chủ động nguồn giống để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại.

Cục Trồng trọt đề nghị sau bão, ngành chức năng các địa phương cần tập trung, khẩn trương rà soát, phân loại diện tích cây trồng bị thiệt hại theo các mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời. Đề xuất chính sách hỗ trợ người dân theo quy định để người dân kịp thời khôi phục sản xuất đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất.

“Ngay từ bây giờ, ngành chức năng các địa phương phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp, kịp thời. Đồng thời tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV…, không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất”, công văn nêu rõ.

Xem thêm
Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm Tết: [Bài 3] Áp dụng công nghệ nâng tầm giống gà Mía

HÀ NỘI Ứng đụng đồng bộ các giải pháp công nghệ giúp việc bảo tồn nguồn gen, chọn tạo giống gà Mía thuận lợi, kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh gia cầm khi tăng đàn

Đắk Nông Từ đầu năm 2024 đến nay, đàn gia cầm tại tỉnh Đắk Nông tăng mạnh, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, công tác phòng dịch được chú trọng.

Hợp tác thay đổi diện mạo sản xuất khoai tây các tỉnh phía Bắc

Sự hợp tác của cả khối công và khối tư trong chuỗi sản xuất khoai tây bền vững đang mở ra cho nông dân các tỉnh phía Bắc cơ hội tăng thu nhập.

Các bước sản xuất giống cây có múi sạch bệnh

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) nêu các bước để sở hữu giống cây sạch bệnh, chất lượng cao.

Bình luận mới nhất