Việt Nam và Mông Cổ có truyền thống hữu nghị và hợp tác lâu dài. Mông Cổ là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay từ tháng 11/1954, thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với Việt Nam từ trong giai đoạn kháng chiến. Việt Nam cũng rất coi trọng quan hệ với Mông Cổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Mông Cổ vào tháng 5/1955 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Người sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam.
Trong 68 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Mông Cổ không ngừng củng cố và phát triển dù tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động. Trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì thường xuyên, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau được củng cố, quan hệ giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực được tăng cường và có tiến triển mới.
Việt Nam luôn ghi nhớ những tình cảm, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân Mông Cổ đã dành cho Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước đây.
Mặc dù bối cảnh tình hình thế giới, khu vực trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đặc biệt là đại dịch Covid-19, xung đột giữa các nước, hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, hỗ trợ nhau hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, cũng như giữ vững đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực là minh chứng cho mối quan hệ truyền thống hữu nghị gắn bó Việt Nam - Mông Cổ.
Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan phát triển quan hệ hai nước phát triển chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, du lịch, an ninh quốc phòng, giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Trong đó, hợp tác về kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư còn nhiều dư địa để phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần gấp đôi từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 80,1 triệu USD năm 2021. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đã đạt mức tăng trưởng 37,7% so với năm 2020.
Tuy đạt mức tăng trưởng cao, nhưng quy mô thương mại còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của hai nước. Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của Mông Cổ đối các mặt hàng nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, thủy sản…
Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu về các mặt hàng mà Mông Cổ có thế mạnh như than đá, đồng, kim loại và đặc biệt là nguyên phụ liệu dệt may, da giầy.
Nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đầy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Mông Cổ trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật đã dẫn đầu Đoàn công tác liên Bộ Việt Nam sang Mông Cổ từ ngày 13 -16/9/2022 tổ chức Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ.
Tham gia đoàn công tác có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vân tải, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, đại diện một số Viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ, hai bên dự kiến thảo luận về định hướng hợp tác trong bối cảnh tình hình mới, đảm bảo hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân mỗi nước.
Đây sẽ là bước tiến mới để phát triển vững chắc mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra năm 2024.