| Hotline: 0983.970.780

Cùng nhau chuyển đổi nông nghiệp xanh, sạch, bền vững

Thứ Bảy 14/05/2022 , 07:25 (GMT+7)

Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ từ 11-17/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có cuộc làm việc với 2 tổ chức quốc tế: IFPRI và WWF.

Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh theo xu hướng thế giới

Sáng 12/5 (giờ Washington), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc với ông Paul Dorosh, Giám đốc Ban Chiến lược phát triển và Chính phủ, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực thực phẩm Quốc tế (IFPRI).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi về giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh theo xu hướng thế giới.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với Viện Nghiên cứu chính sách lương thực thực phẩm Quốc tế (IFPRI). Ảnh: Lê Trung Quân.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với Viện Nghiên cứu chính sách lương thực thực phẩm Quốc tế (IFPRI). Ảnh: Lê Trung Quân.

Việt Nam luôn coi trọng về các chính sách nông nghiệp và lương thực quốc gia để thúc đẩy đổi mới trong công nghệ nông nghiệp, phát triển các giải pháp bền vững về xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp xanh/nông nghiệp các bon thấp và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Việt Nam dần chuyển đổi cách tiếp cận từ an ninh lương thực lúa gạo sang an ninh lương thực thực phẩm và dinh dưỡng.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050" với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính… Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu...".

Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện các cam kết tại COP26 thông qua các kế hoạch/chương trình về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp bao gồm cả phát thải khí mê-tan. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào một số sáng kiến về Hệ thống lương thực thực phẩm Liên Hợp Quốc, gồm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Lương thực, Thực phẩm tại Việt Nam (Food innovation Hub); Sáng kiến “100 triệu nông dân: chuyển đổi sang hệ thống lương thực không phát thải và thân thiện với môi trường” (100 Million Farmers Initiative: Transitioning towards net-zero, nature-positive food systems); Sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (Agriculture Innovation Mission for Climate - AIM for Climate); “Liên minh hành động thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (Coalition of Action on Sustainable Productivity Growth for Food Security and Resource Conservation - SPG).

Để thực hiện Chiến lược, cam kết quốc tế và các sáng kiến vừa nếu, Việt Nam cần phải có nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với nhóm chuyên gia của Liên minh các Viện nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế (One CGIAR) mà trong đó IFPRI là một thành viên quan trọng xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2021-2030”.

Ông Paul Dorosh, Giám đốc Ban Chiến lược Phát triển và Chính phủ, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực thực phẩm quốc tế nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu ấn tượng của nông nghiệp Việt Nam, và khẳng định các chương trình, dự án triển khai tại Việt Nam đảm bảo nguyên tắc cân bằng từ sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh cho người dân và nghiên cứu đưa chất dinh dưỡng vào từng bữa ăn. Việc chuyển đổi an ninh lương thực - thực phẩm thì bản thân người tiêu dùng cũng phải có kiến thức về dinh dưỡng, do đó cần phải nâng cao năng lực cho cán bộ làm chính sách.

Trên cơ sở những thông tin giới thiệu của IFPRI, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề xuất IFPRI có nghiên cứu và hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp đặc biệt hỗ trợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều mô hình chuyển đổi phù hợp với nền nông nghiệp xanh - sạch thích ứng với biến đổi khí hậu.

Qua buổi gặp gỡ này, Bộ trưởng đề nghị IFPRI thúc đẩy hợp tác lại mối liên kết với các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam và tái khởi động các dự án hợp tác với sự tham gia của cả khu vực tư nhân và người tiêu dùng nhằm lan tỏa và định hướng những khung chính sách đã nghiên cứu, cần thúc đẩy để lan tỏa.

Các lĩnh vực nghiên cứu IFPRI cần ưu tiên cho Việt Nam bao gồm chính sách nông nghiệp, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, giảm thất thoát và lãng phí lương thực, kiểm soát dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt, chăn nuôi và bảo vệ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên rừng, đất đai và nước.

Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững

Chiều 12/5, ông Carter Roberts, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WWF-Hoa Kỳ đã đến chào Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp được thể hiện rõ nét hơn vào thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong khi các ngành và lĩnh vực khác lâm vào khó khăn, thách thức thì nông nghiệp đóng vai trò duy trì cho nền kinh tế ổn định.

Ông Carter Roberts, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WWF - Hoa Kỳ đến chào Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Lê Trung Quân.

Ông Carter Roberts, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WWF - Hoa Kỳ đến chào Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Lê Trung Quân.

Tuy nhiên, để nông nghiệp phát triển bền vững, xanh, toàn diện và hiện đại, ngành nông nghiệp Việt Nam phải có những chính sách và chủ trương nhằm tận dụng được cả cơ hội, thách thức, thay đổi tư duy làm nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, biến nguy cơ thành cơ.

Việt Nam sẽ là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững theo cam kết của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên Hợp Quốc tháng 9/2021; Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về các bon vào năm 2050, theo đó, nông nghiệp sẽ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên đất và nước, vật tư nông nghiệp.

Phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái là một cách tiếp cận đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo sự phát triển toàn diện trong mối tương tác môi trường - hệ sinh thái - con người và động thực vật; tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên nhưng cũng cố gắng bảo vệ môi trường, cảnh quan, đa dạng sinh học theo hướng tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh, thúc đẩy Chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững theo 3 trục: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh.

Ở Việt Nam, thực trạng đất đai và các nguồn lực ngày càng thu hẹp làm khó khăn cho việc đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp chất lượng, hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính. Chưa kể, thiếu khoa học công nghệ, áp lực gia tăng dân số, tình trạng khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học còn nhiều bất cập, nhất là ý thức bảo vệ đa dạng sinh học của cộng đồng chưa cao, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã không an toàn và tiềm ẩn những mầm bệnh lây lan ra môi trường... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam bị suy thoái, bất ổn.

Một trong những giải pháp để khắc phục hạn chế và hỗ trợ tốt việc thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp là huy động các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật của quốc tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho ông Carter Roberts, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WWF-Hoa Kỳ. Ảnh: Lê Trung Quân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho ông Carter Roberts, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WWF-Hoa Kỳ. Ảnh: Lê Trung Quân.

“Chúng tôi đánh giá cao vai trò đi đầu của WWF trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho con người, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, tư vấn các giải pháp và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức của quá trình phát triển quốc gia và ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp mà hai bên đang hợp tác rất tốt và hiệu quả hiện nay.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác sâu rộng và toàn diện của ngành nông nghiệp bao gồm: Lâm nghiệp, Động vật hoang dã (bảo tồn, nuôi trồng và buôn bán hoang dã), Đại dương (nghề cá và quản lý rác thải nhựa đại dương), Thủy lợi (Quản lý nước và nguồn nước, Quản lý sông và lưu vực sông), Quản lý rủi ro thiên tai, Phát triển nông thôn, An ninh lương thực, Thương mại nông sản, Bảo vệ môi trường, Biến đổi khí hậu và Đa dạng sinh học...”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

WWF đang tham gia rất tích cực nhằm triển khai Khung đối tác một sức khỏe về động vật sang người, đặc biệt là đóng góp tích cực cho Nhóm phòng chống đại dịch trong các hoạt động dự phòng rủi ro và phòng chống kịp thời các mầm bệnh xuất hiện trên động vật, nhất là động vật hoang dã, tăng cường thể chế, chính sách và hoạt động về nuôi nhốt, buôn bán trái phép và bảo tồn các loài động vật hoang dã thông thường và quý hiếm.

Bộ trưởng tin tưởng WWF sẽ là một trong những đối tác chiến lược cho các cơ quan Chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn trong thập kỷ tới, vốn là thập kỷ vàng của đa dạng sinh học Việt Nam và toàn cầu.

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.