| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: Cách làm hay của doanh nghiệp

Thứ Ba 05/12/2023 , 09:02 (GMT+7)

ĐBSCL Nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, làm giả, nhái nhãn mác bao bì bị ngành chức năng phát hiện, xử lý.

Tinh vi nhưng cũng rất dễ bị phát hiện

Công ty TNHH Phú Nông ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2015 – 2016, sau khi bà con nông dân phản ánh nhiều về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp tiến hành kiểm tra và phát hiện một vài đối tượng làm nhái nhãn mác và xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ của công ty.

Công ty TNHH Phú Nông hướng dẫn bà con nông dân cách thức quét mã QR trên bao bì sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Kim Anh.

Công ty TNHH Phú Nông hướng dẫn bà con nông dân cách thức quét mã QR trên bao bì sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Kim Anh.

Nghiêm trọng nhất, tháng 3/2016, sản phẩm Indosuper 150SC và Trobin Top 325SC bị làm giả, với giá rẻ hơn rất nhiều lần so với sản phẩm chính hãng do công ty sản xuất. Cũng trong thời gian này, một số lượng lớn sản phẩm AntiXO 200WP của công ty được phát hiện bị làm giả tại tỉnh Đồng Tháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và tình hình kinh doanh của đơn vị.

Đại diện truyền thông của Công ty Phú Nông cho biết, dù hành vi làm nhái, giả sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được các đối tượng thực hiện rất tinh vi nhưng vẫn dễ bị phát hiện. Bởi lẽ, đối với sản phẩm chính hãng do công ty sản xuất, có những đặc điểm được dập khuôn trên bao bì, rất khó để làm nhái, nếu không có công nghệ máy móc hiện đại.

Rút kinh nghiệm từ đó, Công ty Phú Nông liên tục tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phân biệt hàng thật, chính hãng giúp bà con nông dân lựa chọn chính xác sản phẩm chất lượng để sử dụng. Doanh nghiệp này cũng đầu tư hệ thống mã QR và chính thức đưa vào vận hành vào tháng 10/2021 với mong muốn quản lý hàng hóa bằng hệ thống có thể truy xuất nguồn gốc ngay từ khâu sản xuất đến nhà phân phối và đến tận tay người tiêu dùng.

Bà con nông dân khi mua sản phẩm của công ty được tuyên truyền lựa chọn đúng các sản phẩm có tích hợp mã QR trên bao bì sản phẩm và thực hiện quét tích lũy điểm để nhận được các chương trình ưu đãi do đơn vị đưa ra. Một đường dây nóng cũng được doanh nghiệp lập ra để tiếp nhận kiến nghị thắc mắc, phản ảnh của bà con nông dân về sản phẩm làm nhái, giả hoặc tẩy xóa mã QR. Đây chính là cách doanh nghiệp này bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân trước bối cảnh sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được bán tràn lan trên thị trường, nguồn gốc và chất lượng khó kiểm soát.

9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã triển khai 3 đoàn thanh tra. Trong đó, có 2 đoàn thanh tra lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng trên địa bàn. Đơn vị đã thực hiện kiểm tra 127 cơ sở kinh doanh, buôn bán, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản.

Đặc biệt, cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu sản phẩm hàng hóa kiểm tra chất lượng gửi Trung tâm Kiểm nghiệm phân tích, với 20 mẫu thuốc bảo vệ thực vật và 45 mẫu phân bón. Kết quả cho thấy, 5 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, 2 mẫu phân bón giả và 1 mẫu thuốc bảo vệ thực vật làm giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thời gian qua, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu như: Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng trên nhãn mác có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, sự thật hàng hóa đó. Phân bón không có quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam; hay phân bón bị làm giả về giá trị sử dụng và công dụng hoặc hết hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên giám sát thị trường phân bón để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bà con nông dân được hướng dẫn cách thức lựa chọn sản phẩm uy tín, chất lượng. Ảnh: Kim Anh.

Bà con nông dân được hướng dẫn cách thức lựa chọn sản phẩm uy tín, chất lượng. Ảnh: Kim Anh.

Thời điểm cuối năm, đặc biệt là sắp bước vào vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, nhu cầu sử dụng các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dự báo tăng cao. Đây là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng “len lỏi” vào các vùng nông thôn.

Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ đã lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023. Các Đội Quản lý thị trường địa bàn cũng được chỉ đạo tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm soát thị trường.

Đặc biệt, cơ quan này đã có phương án kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số. Nhất là các đối tượng quảng cáo và kinh doanh hàng hóa công khai trên các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/2/2024.

Kiểm tra đột xuất các mô hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Ghi nhận ý kiến thực tế tại xã Long Đức, huyện Long Phú, trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng một số đoàn khách tư xưng là doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp uy tín đến tận nhà người dân để chào bán sản phẩm. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm, bà con nông dân thận trọng từ chối mua hàng. Với kinh nghiệm lâu năm, bà con nông dân nơi đây thường lựa chọn những đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín, của những thương hiệu lớn để sử dụng.

Bà con nông dân rất thận trọng trong việc lựa chọn các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng nông sản. Ảnh: Kim Anh.

Bà con nông dân rất thận trọng trong việc lựa chọn các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng nông sản. Ảnh: Kim Anh.

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, địa phương liên tục phát hiện nhiều trường hợp các cửa hàng vật tư nông nghiệp vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Một số nội dung vi phạm chủ yếu là: ghi nhãn hàng hóa không phù hợp với hồ sơ công bố về tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng; không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hay buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Ngoài phương thức kinh doanh truyền thống, theo phản ánh của bà con vẫn có tình trạng sản phẩm được giới thiệu, quảng cáo và buôn bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Không khó để tìm gặp các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mức giá, chủng loại, thương hiệu đa dạng trên những nền tảng này, còn chất lượng ra sao lại rất khó kiểm chứng.

Một hộ dân ở ấp An Hưng, xã Long Đức, đã từng mua thuốc bảo vệ thực vật trên sàn thương mại điện tử bức xúc cho biết, sản phẩm được quảng cáo có rất nhiều công dụng; bao bì nhãn mác, thương hiệu rõ ràng, giá cả lại rẻ. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm khi tiếp cận với phương thức mua sắm mới này, khi nhận được hàng ông bất ngờ khi sản phẩm chỉ là chai nhựa được đóng gói sơ sài và đã cũ nên không dám sử dụng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh hiện không có doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là đại lý kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, vấn đề kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm với nhiều phương thức kinh doanh khác nhau được địa phương quan tâm, thắt chặt quản lý.

Đơn vị đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón nhiều trường hợp.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi bà con nông dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Việc tăng cường thông tin tuyên truyền sẽ hỗ trợ người nông dân có nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng trọt đảm bảo chất lượng. Ảnh: Kim Anh.

Việc tăng cường thông tin tuyên truyền sẽ hỗ trợ người nông dân có nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng trọt đảm bảo chất lượng. Ảnh: Kim Anh.

Việc tăng cường nắm thông tin, phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đã phần nào cũng hỗ trợ người nông dân có nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng trọt đảm bảo chất lượng.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đợt cao điểm này, đơn vị sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa, trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm