| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: [Bài 1] Săn lùng thuốc cấm

Thứ Hai 27/11/2023 , 10:59 (GMT+7)

Các loại thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV độc hại được bày bán nhan nhản, công khai trên mạng, chỉ cần nhấc điện thoại lên, loại nào cũng có.

LTS: Thuốc cấm, thuốc Tàu, thuốc giả, thuốc nhái…, ngày càng lộng hành với những thủ đoạn hết sức tinh vi đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với ngành nông nghiệp. Loạt bài này là những điều tra, ghi chép của Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn nạn kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại và những hệ lụy khôn lường. 

Mua thuốc BVTV nhập lậu từ Trung Quốc rất dễ dàng. Ảnh: Hoàng Anh.

Mua thuốc BVTV nhập lậu từ Trung Quốc rất dễ dàng. Ảnh: Hoàng Anh.

Thuốc cấm, thuốc Tàu, thuốc lậu… ship tận nhà

Bài liên quan

“Chào bà con. Hôm nay tôi giới thiệu đến bà con thuốc trừ cỏ hoạt chất lưu dẫn Glyphosate dạng bột hòa tan. Hoạt chất lưu dẫn cực kỳ mạnh có thể diệt các loại cỏ mà những loại thuốc khác không diệt được. Sản phẩm bên em là độc quyền, xin mời bà con inbox trực tiếp hoặc để lại số điện thoại để được tư vấn hoặc gọi điện đến số hotline 0355.415.0XX để được tư vấn”.

Hay, “một sản phẩm mới cho nông nghiệp, có thể cứu nguy được nhân công, chi phí, đó là thuốc diệt cỏ Glyphosate hoạt chất cũ cực mạnh, dạng túi 100g, một túi có thể pha 25 lít nước phun cho 1.000m2, có thể diệt các loại cỏ”.

Đó là những lời giới thiệu của trang Tổng kho vật tư nông nghiệp - bảo vệ thực vật ở trên facebook với hàng nghìn lượt theo dõi. Sử dụng hình ảnh, video giới thiệu quảng bá và hướng dẫn khách hàng, mỗi sản phẩm của trang này thu hút hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ của cộng đồng mạng. Hầu hết đều là sản phẩm thuốc BVTV Tàu. Triệt cỏ chết từ gốc đến ngọn (dạng cốm gói), sản phẩm kích rễ, kích lá (dạng chai và dạng gói)…

Thốc BVTV Tàu bày bán nhan nhản trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoàng Anh.

Thốc BVTV Tàu bày bán nhan nhản trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoàng Anh.

Lần theo số điện thoại trên trang, chúng tôi vào vai nông dân có nhu cầu mua thuốc trừ cỏ Tàu, được chia sẻ: Thuốc trừ cỏ Glyphosate Tàu có giá 1.400 nghìn đồng/thùng 100 gói. Ngoài ra còn nhiều loại thuốc Tàu khác có thể tham khảo với giá vài chục nghìn đồng mỗi gói. Việc mua bán chỉ thực hiện giao dịch bằng cách để lại địa chỉ và số điện thoại, sau đó sẽ nhận hàng thông qua hình thức giao hàng nhanh hoặc gửi xe khách.

 
 
Thuốc BVTV Tàu rao bán công khai. Ảnh: An Khang. 

Thuốc BVTV Tàu rao bán công khai. Ảnh: An Khang. 

Còn ở trang Tổng kho thuốc trừ cỏ lưu dẫn, tình trạng cũng tương tự. Chủ trang này quảng cáo có đủ các loại thuốc trừ cỏ hàng độc “hàng nội địa Trung Quốc” như: Thuốc cỏ lưu dẫn gốc cũ Glyphosate sản phẩm của Nicotex nhập khẩu chuẩn 100% không pha, không trộn. Tiêu diệt các loại cỏ, xịt cho cả trên cạn và dưới nước… Helosate 520 nghìn đồng/can, mỗi thùng 4 can pha được 600 lít, giá 1.600 nghìn đồng. Thuốc diệt cỏ với thành phần hoạt chất cũ diệt tận gốc rễ tất cả các loại cỏ chỉ sau một lần phun, cắt gói kiểm tra rồi mới thanh toán. Hotline 0978,197,1xx.

Liên hệ số điện thoại nói trên, đầu dây bên kia xác nhận loại nào cũng có, sẵn sàng ship toàn quốc, trong đó mặt hàng lưu dẫn phổ biến hàng can Glyphosate hoặc hàng đóng chai Helosate, Nicotex… Khi phóng viên nói muốn mua thuốc diệt cỏ dùng cho cam và lấy hàng trực tiếp, đầu dây bên kia nói giọng miền Bắc: Bên em chỉ giao hàng nhanh qua mạng. Sau đó một số điện thoại khác là 0355.415.0xx liên hệ tư vấn, nếu vườn anh gặp những loại cỏ “cứng đầu” thì nên dùng loại thuốc diệt cỏ dạng lưu dẫn của Trung Quốc, dạng gói xanh có thể diệt tất cả các loại cỏ. Một gói chỉ cần pha với 20l nước có thể phun cho diện tích từ 300 đến 350m2.

“Loại này của Trung Quốc, diệt cỏ nhanh nhất, mạnh nhất nên được dân mình rất chuộng, bên em chỉ còn hơn 100 gói, giá 22 nghìn đồng một gói. Nếu anh ở Hà Tĩnh thì bọn em ship giao hàng nhanh đến tận nhà, tầm 3-4 ngày là anh nhận được. Anh lấy 20 gói thì giá 440 nghìn đồng, miễn phí ship”, trang Tổng kho thuốc trừ cỏ lưu dẫn thông tin.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm trang, nhóm kinh doanh thuốc BVTV độc hại trên facebook. Chỉ cần gõ một vài từ khóa như thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc BVTV lập tức có hàng loạt trang, hội nhóm kinh doanh hiện lên với đủ loại sản phẩm. Thuốc ngoài danh mục cho phép, thuốc lậu, thuốc cấm, thuốc dừng sản xuất kinh doanh đều được rao bán rầm rộ. Hình thức giao dịch cũng rất đơn giản và ở bất cứ đâu cũng có thể nhận được hàng.

Loại thuốc BVTV Tàu mà PV Báo Nông nghiệp Việt Nam dễ dàng mua được qua facebook. Ảnh: An Khang. 

Loại thuốc BVTV Tàu mà PV Báo Nông nghiệp Việt Nam dễ dàng mua được qua facebook. Ảnh: An Khang. 

Anh N, một nhân viên thị trường của một công ty kinh doanh thuốc vùng Đồng bằng sông Hồng chia sẻ: Kể từ khi rộ lên tình trạng buôn bán thuốc BVTV qua mạng, số nông dân gặp phải thuốc giả, thuốc cấm nhiều vô kể. Việc mua bán qua mạng xã hội, qua các sàn thương mại điện tử quá đơn giản đã nảy sinh vấn đề chất lượng sản phẩm như thế nào, thuốc có được phép sử dụng hay không rất khó để kiểm soát. “Ngoài mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… thì các sàn thương mại điện tử như như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… bất cứ nơi đâu cũng có thể dễ dàng tìm mua thuốc BVTV dạng cấm kinh doanh, thuốc lậu, thuốc giả, thuốc nhái. Người nông dân chỉ cần bỏ tiền ra là thuốc ship đến tận giường”, anh N khẳng định.

Qua chỉ dẫn của anh N, chúng tôi thử vào một số sàn thương mại điện tử và dễ dàng đặt hàng các sản phẩm thuốc BVTV độc hại, thuốc BVTV lậu từ Trung Quốc, Campuchia… Ví dụ trang Lazada bán thuốc trừ cỏ Nicotex nhập lậu loại can 4,5l với giá 654 nghìn đồng. Trang Shopee bán hàng chục loại thuốc trừ cỏ Trung Quốc không được phép kinh doanh, buôn bán theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Nhan nhản thuốc BVTV lậu rao bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Ảnh: An Khang. 

Nhan nhản thuốc BVTV lậu rao bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Ảnh: An Khang. 

Thủ đoạn tinh vi và hệ lụy khôn lường

Thực trạng buôn bán thuốc BVTV tràn lan trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử đang gây ra những hệ lụy nhức nhối và thách thức lớn đối với công tác quản lý.

Cánh đồng hoa ở xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) mù mịt thuốc. Nghề trồng hoa ở vùng ngoại thành Hà Nội mang lại thu nhập khá tốt cho bà con nhưng cùng với đó thực trạng sử dụng thuốc BVTV thái quá đã gây ra không ít những hệ lụy về đất đai, môi trường và sức khỏe người dân. Chiều chạng vạng, anh Thủy, một nông dân ở xã Thanh Lâm đang chuẩn bị đánh sâu cho nhà vườn nằm giữa cánh đồng đủ các loại hoa cúc, hoa hồng. Trong thùng thuốc BVTV anh Thủy mang ra đồng có đến 4 loại thuốc Tàu. Bao bì, nhãn mác chỉ toàn chữ Trung Quốc, đồng nghĩa với thuốc lậu, nằm ngoài danh mục được phép buôn bán, sử dụng ở Việt Nam. Đó là loại thuốc trừ sâu dạng lọ màu đỏ sẫm như máu, dân gọi là sâu Tàu, thuốc đánh nhện, bọ nhảy; dạng “bóng đèn” giá 150 nghìn đồng/cặp, gọi là nhện Tàu; loại đóng chai, đóng gói dùng để diệt cỏ 16.000 đồng/lọ…

Nông dân Hà Nội sử dụng thuốc BVTV Tàu. Ảnh: Hoàng Anh.

Nông dân Hà Nội sử dụng thuốc BVTV Tàu. Ảnh: Hoàng Anh.

“Thuốc Tàu độc, mùi ghê lắm nhưng vẫn phải “oánh” nó vì đánh sâu, bọ nhảy nhanh mà giá cả lại hợp lý. Ở đây nhà nào chả phải dùng”, anh Thủy tiết lộ.

Chỉ trong một buổi chiều ở cánh đồng hoa xã Thanh Lâm, tất cả những người dân chúng tôi gặp đều sử dụng thuốc Tàu. Hỏi họ có biết thuốc này bị cấm không, nói biết. Thuốc này độc không? Độc. Mua ở đâu? Nhiều đại lý bán lắm. Sau khi nghe quảng cáo đủ tính năng của các loại thuốc BVTV Tàu, tôi thử nhờ anh Gi, một nhà vườn ở Thanh Lâm tìm mối mua.

“Đây là loại thuốc Tàu dạng “bóng đèn”, mua ở đại lý SVĐ”. Sau câu nói anh Gi điện thoại cho một người đàn ông tên S hỏi: Nhện Tàu bóng đèn loại chai to còn không? Đầu dây bên kia nói vừa hết, vài hôm nữa mới về. “Mùa này dân dùng nhiều quá nên hàng về lại hết. Loại “bóng đèn” này giá 800 nghìn đồng/chai, chỉ nhà S mới có, còn thuốc Tàu nhưng loại khác thì nhiều và cũng nhiều đại lý ở huyện Mê Linh có bán”, anh Gi nói.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, một cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thông tin: Trên địa bàn Hà Nội hiện có 2 xưởng sản xuất gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV, 139 doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV, 101 doanh nghiệp phân bón, 92 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và gần 1.800 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Nan giải chống thuốc BVTV độc hại. Ảnh: Hoàng Anh.

Nan giải chống thuốc BVTV độc hại. Ảnh: Hoàng Anh.

Lượng vật tư nông nghiệp sử dụng trên địa bàn rất lớn với gần 47 ngàn tấn phân bón, trên 1.500 tấn giống cây trồng và trên 300 tấn thuốc BVTV. Hà Nội là trung tâm của cả nước nên việc trung chuyển hàng hóa, giao lưu kinh tế rất lớn và đa dạng, đặc biệt hàng hóa là các loại vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng… Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV không ngừng tăng, đa dạng chủng loại giống cây trồng, phân bón với trên 20.000 tên thương phẩm gây khó khăn cho công tác quản lý.

“Số lượng cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp lớn, giáp ranh với nhiều tỉnh bạn, do đó các đối tượng có thể vận chuyển lén lút thuốc BVTV nhập lậu từ các địa phương khác vào Hà Nội. Hiện nay xuất hiện tình trạng buôn bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thông qua điện thoại, online, ship hàng… Thuốc BVTV được vận chuyển đến địa điểm hai bên thống nhất trước nên lực lượng thanh tra chuyên ngành rất khó phát hiện”, vị cán bộ nêu.

Thuốc lậu, thuốc cấm đang gây hại ngành nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh.

Thuốc lậu, thuốc cấm đang gây hại ngành nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội kiến nghị Bộ NN-PTNT tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng thuốc BVTV cấm, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Tham mưu Chính phủ ban hành các quy định trong quản lý việc buôn bán thuốc BVTV, phân bón trên mạng, đặc biệt tại các trang thương mại điện tử.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan: Công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương tập trung kiểm tra tình trạng buôn bán thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục thông qua điện thoại, online, ship hàng.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất