| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất hữu cơ đẩy lùi thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi

Thứ Năm 23/11/2023 , 09:15 (GMT+7)

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp nâng cao thu nhập cho bà con trên mỗi hécta; hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trôi nổi ở chợ phiên vùng cao.

Rau trái vụ ở Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) giúp bà con nâng cao thu nhập trên mỗi hécta canh tác. Ảnh: H.Đ.

Rau trái vụ ở Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) giúp bà con nâng cao thu nhập trên mỗi hécta canh tác. Ảnh: H.Đ.

Sản xuất hữu cơ ở vùng cao Y Tý

Ông Trần Quang Quản ở Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) đi đầu trong trồng rau hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

“Tôi có 20ha trồng bắp cải, cải thảo, súp lơ... các cây ngắn ngày như cải mèo, cải chíp theo nhu cầu thị trường. Thị trường nông sản hiện đang bị tác động lớn từ hàng Trung Quốc sang, trong khi đó đất đai canh tác ở vùng cao hạn chế, đồi núi dốc, không đưa máy móc vào được, chỉ làm theo thủ công, do đó hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, muốn phát triển được phải tìm khu vực có diện tích rộng, cây trồng phù hợp, thổ nhưỡng khí hậu tốt để giảm chi phí đặc biệt là không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng rau, nhất là các loại rau trái vụ sẽ được giá hơn”, ông Trần Quang Quản cho biết. 

Vụ hè năm 2023, ông Quản tập trung một số loại rau chủ lực nêu trên để bán ra thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc, và một số tỉnh miền Trung, miền Nam.

“Qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm thì ở Y Tý, khi nhiệt độ từ 10-17 độ C, cây trồng phát triển tốt và ít sâu bệnh. Thời điểm này sẽ tăng diện tích trồng vì lúc này sâu bọ khó phát triển nên lưu ý không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, tự chế biến. Trong đó, có thể dùng rượu vùng cao do người dân tự sản xuất và gừng, tỏi, ớt giã để phun, đuổi côn trùng, thậm chí là bắt sâu để loại bỏ côn trùng. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, không ảnh hưởng cây trồng và sản phẩm sau thu hoạch”, ông Quản nói.

Cũng theo ông Quản, nhận thức của một số bà con chưa cao, dùng thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi giá rẻ, chứa hóa chất độc hại. Mặt khác, bà con mua về do không biết chữ, biết tiếng, tự ý sử dụng nên khi lạm dụng sẽ tồn dư hóa chất, gây rơi vãi ra đồng ruộng làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước; do đó, cần có tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân vùng cao Y Tý. 

“Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, được các cơ quan chức năng cấp phép để vừa tốt cho môi trường, và sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn cũng như sức khỏe người tiêu dùng”, ông Quản khẳng định.

Ngoài ra, khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ thì hiệu quả sẽ mang lại gấp 2-3 lần so với trồng ngô, lúa. Từ việc người dân ở Y Tý chỉ trồng rau để tự cung tự cấp, đến nay, nhiều hộ chuyển sang trồng rau với quy mô, diện tích lớn thành hàng hóa, qua đó nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Bà con dần có của ăn của để và có thu nhập mua sắm vật dụng gia đình, chi tiêu cho con cái ăn học, rút ngắn khoảng cách vùng cao với vùng thấp.

Ông Trần Quang Quản ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) trồng rau hữu cơ giúp nâng cao thu nhập, được bà con học hỏi làm theo. Ảnh: H.Đ.

Ông Trần Quang Quản ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) trồng rau hữu cơ giúp nâng cao thu nhập, được bà con học hỏi làm theo. Ảnh: H.Đ.

Thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi bị tẩy chay

Ông Tao Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết, Y Tý là xã vùng biên của huyện Bát Xát, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, địa phương cũng có những lợi thế nhất định để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... 

Trong đó, đối với sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích đã được xã triển khai trồng cây ăn quả như: Cây lê (VH6), đào, táo mèo.

Cây lê (VH6) trong năm được thực hiện cải tạo 5ha diện tích, do chăm sóc hữu cơ nên năng suất tăng gấp 2 lần. Xã đang phối hợp cùng với một số doanh nghiệp đưa cây dược liệu vào trồng theo GACP-WHO như: Đương quy, Đan sâm, Vân Mộc Hương, Độc hoạt. Các loại dược liệu này phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu của Y Tý. Một số loại cây đã cho thu hoạch mang lại giá trị kinh tế khá cao, sản lượng trong năm ước gần 20 tấn, giá trị hơn 300 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, với lợi thế là xã có khí hậu ôn đới, địa phương đã mời gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ dân phát triển trồng rau trái vụ theo hướng hữu cơ trên 30ha tại 4 thôn; sản lượng đạt gần 500 tấn cung cấp cho thị trường Phú Thọ, Hà Nội, doanh thu trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20 hộ gia đình, từ đó thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân trồng và phát triển một số loại rau vụ đông có giá trị kinh tế như: Cây rau bắp cải, su hào, đậu Hà Lan, củ cải, cải thảo… 

Trước đây, bà con nhân dân ít trồng những loại rau này, nhưng khi được xã tuyên truyền hướng dẫn và thấy được giá trị kinh tế, các cây rau vụ đông nói trên đã được bà con mạnh dạn đưa vào sản xuất, có sản phẩm bán hằng ngày và chợ phiên, tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ.

Đặc biệt, do nhận thức của bà con chưa cao nên trước đây có việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, khi Y Tý phát triển, lượng du khách đến ngày càng đông, xã đã tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Một mặt, sản xuất rau, củ quả để bán ra thị trường, một mặt đáp ứng nhu cầu tại chỗ của du khách.

"Việc lạm dụng thuốc bảo vệ hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc đem lại những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe người sản xuất do tiếp xúc mà việc tồn dư thuốc trên nông sản và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, gây mất cân bằng môi trường sinh thái, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích... Tuy nhiên, khi nhận thức được điều này, nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học an toàn, khiến cho thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi không còn đất sống", ông Tao Văn Sinh nói.

Bà con ở Y Tý trồng cây dược liệu để nâng cao thu nhập. Ảnh: H.Đ.

Bà con ở Y Tý trồng cây dược liệu để nâng cao thu nhập. Ảnh: H.Đ.

Xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp

Với chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.500ha nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ khoảng 14.000ha.

Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, là chủ trương của tỉnh. 

Cũng theo ông Lâm, trước đây bài học về cây quế đã cho thấy phải đẩy mạnh sản xuất hữu cơ vì nếu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm sẽ không xuất khẩu được.

Hiện nay, các chương trình, dự án trên địa bàn huyện đều triển khai sản xuất theo hướng hữu cơ, đặc biệt là sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Huyện cũng đã quy hoạch, lựa chọn vùng đất sạch để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó năm 2023, huyện đã triển khai trên 1.000ha quế, trên 100ha cây ăn quả, 70ha chè… Tổng diện tích là hơn 4.000ha sản xuất theo hướng hữu cơ và thâm canh theo hướng hữu cơ.

“Về vấn đề rau sản xuất theo hướng hữu cơ và công nghệ cao, vùng cao Y Tý đã xuất hiện những nhà lưới sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, Y Tý sẽ có quy hoạch cụ thể vì gắn với phát triển du lịch. Còn với rau vùng thấp, khuyến khích nhân dân chuyển sang sản xuất hữu cơ tối thiểu đạt chuẩn VietGAP, an toàn.

Sản xuất theo hướng hữu cơ rất có lợi, người nông dân tận thu được sản phẩm từ chăn nuôi hiện có trong gia đình, an toàn đối với người sản xuất, có giá trị kinh tế cao hơn, lâu dài cải tạo được đất đai. Tuy nhiên, một số bộ phận người dân còn tập quán sử dụng phân hóa học để rút ngắn chu kỳ sản xuất, nhanh có sản phẩm ra thị trường và để chi phí, nhân công lao động, do đó thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn đề này", ông Lý Khánh Lâm nói.

Xem thêm
Supe Lâm Thao phất cao lá cờ tiên phong của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

PHÚ THỌ Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Tập đoàn Hoá chất Việt Nam thay mặt 20.000 cán bộ, người lao động Vinachem chúc mừng 14 sản phẩm mới của Supe Lâm Thao.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?