| Hotline: 0983.970.780

Mất tiền tỷ vì mua thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên mạng

Thứ Năm 30/11/2023 , 15:26 (GMT+7)

Anh Đ.T lên mạng tìm mua túi dưỡng chất truyền chữa cho cây bị bệnh vàng lá, suy kiệt… Kết quả: cả vườn cây của anh bị xóa sổ sau một thời gian ngắn.

Túi truyền dịch chữa bệnh cho cây không rõ nguồn gốc xuất xứ được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: MXH.

Túi truyền dịch chữa bệnh cho cây không rõ nguồn gốc xuất xứ được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: MXH.

“Truyền dịch” chữa bệnh cho cây như truyền đạm cho người

Mấy năm trước, phong trào chơi cây hoa mẫu đơn trong giới chơi cây rầm rộ chưa từng thấy. Ở ĐBSCL, các “trùm mẫu đơn” thành lập các đội đi săn lùng khắp các hang cùng ngõ hẻm ở các miệt vườn, nhà ai có cây hoa này đều tìm cách bứng bằng được, đến mức hầu hết các nhà dân vùng sông nước chỉ sau một thời gian ngắn đã gần như cạn kiệt loài cây này.

Địa chỉ “ăn hàng” mẫu đơn miền Tây là dân chơi, đầu nậu “tay to”, nhà vườn ngoài Bắc. Những “tay chơi” có số má trong làng chơi cây hoa khi ấy được biết tới gồm Đ.T, D.H… Những người này bỏ ra cả tỷ đồng để sở hữu những cây mẫu đơn to, khủng, độc lạ…, có những cây giá bán lên tới hàng trăm triệu đồng. Khi đó, các đầu nậu săn hàng trong miền Tây đi gom cây trong thời gian vài tháng, khi đủ mới đóng xe hàng đưa ra.

Mẫu đơn là loài cây hoa thuộc dòng thân gỗ, hoa to và nở quanh năm, gồm nhiều màu sắc, nhiều loại khác nhau như vàng, đỏ, vàng hường, vàng cam…; các loại mẫu đơn phổ biến là mẫu đơn Bắc (mẫu đơn ta) lá có kích thước trung bình, mỏng, hoa rất to và đẹp; mẫu đơn ngoại lai lá dày, to, bông hoa lớn hơn và nhiều màu sắc khác nhau như mẫu đơn cam có màu vàng như gạch cua, mẫu đơn phấn hồng hoa to, màu thẫm…

Hoa mẫu đơn thường được dùng để thờ cúng trong các đình chùa, gia đình vào ngày lễ, ngày rằm, mồng một đầu tháng… nên mẫu đơn thường được người dân trồng cạnh các cây hương ngoài trời. Do là dòng cây thân gỗ, cây mẫu đơn phát triển rất chậm. Để đạt kích thước chu vi thân được vài chục cm, cây hoa có tuổi đời lên tới vài ba chục năm. Do đó, những cây thân to, kích thước lớn… được đánh giá là những cây quý, giá trị giao dịch lên tới hàng trăm, thậm chí tiền tỷ.

Một nông dân trồng cam ở Hòa Bình sử dụng bộ truyền dịch để chữa bệnh cho vườn cam bị bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nông dân trồng cam ở Hòa Bình sử dụng bộ truyền dịch để chữa bệnh cho vườn cam bị bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn cây mẫu đơn của Đ.T ở thị trấn Phúc Thọ (Hà Nội) và của D.H ở Long Biên, Hải Phòng là một trong số những vườn cây hoa mẫu đơn “khủng” miền Bắc. Mỗi vườn có số lượng lên tới cả ngàn cây, hầu hết là những cây có giá trị cao. Số tiền mà Đ.T, D.H bỏ ra để mua gom cây hoa mẫu đơn lên tới nhiều tỷ đồng.

Nhưng, điều đáng nói, chỉ sau vài năm cây mẫu đơn từ phía Nam “di cư" ra đất Bắc, dù được chăm sóc thường xuyên theo quy trình khoa học, chỉ một thời gian, hầu hết cây bị bệnh vàng lá, thân cây suy kiệt, bỏ cành, bỏ dăm, sau đó kiệt cây rồi chết dần, chết mòn…

Không nỡ nhìn vườn cây bạc tỷ của mình bị chết, Đ.T nỗ lực tìm kiếm cách thức để chữa trị. Anh lên mạng tìm kiếm và được biết đến phương pháp “truyền dịch” cho cây.

Theo đó, bộ đồ nghề này giống như cách thức truyền dịch cho người: một túi hóa chất được giới thiệu là dinh dưỡng bổ sung cho cây qua thân. Người dùng khoan các lỗ nhỏ lên thân cây, sau đó cắm ống tiêm thông qua bộ dây dẫn nối với túi hóa chất để “truyền dịch”.

“Các địa chỉ bán hàng cho biết, những túi dinh dưỡng bổ sung dưỡng chất cho cây là hàng ngoại nhập, có nguồn gốc từ Đài Loan, Nhật Bản… kèm theo cam kết đảm bảo 100% cây phục hồi. Đang không biết như thế nào, tôi mua về dùng thử”, anh Đ.T cho hay.

Thời gian đầu, vườn cây của anh Đ.T có biến chuyển, lá xanh hơn. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, cây suy kiệt hơn so với trước khi “truyền dịch”, rồi chết hàng loạt.

Những cây cam của Bùi Thanh Long (xóm Chằng Ngoài, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong) bị chết, chặt bỏ làm củi sau khi dùng phương pháp truyền dịch để cứu cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cây cam của Bùi Thanh Long (xóm Chằng Ngoài, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong) bị chết, chặt bỏ làm củi sau khi dùng phương pháp truyền dịch để cứu cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Lúc đó tôi mới để ý, theo hướng dẫn sử dụng, người dùng khoan lỗ vào thân cây, sau đó cắm ống dẫn dưỡng chất để truyền qua thân, giống như truyền đạm cho người. Những chỗ khoan, dù là rất nhỏ đều không lành. Thân cây suy kiệt nhanh hơn vì bị nhiều những lỗ khoan đó. Chưa hết, các bệnh khác như sâu đục thân, virus có hại cho cây có điều kiện thâm nhập nhanh hơn qua các lỗ khoan. Một thời gian sau, tôi cay đắng nhìn cả vườn cây tiền tỷ bị chết”, anh Đ.T cay đắng.

Không riêng anh Đ.T, nhiều người trồng cây gặp phải trường hợp tương tự cũng lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin, sau đó mua bộ dụng cụ “truyền dinh dưỡng” cho cây. Vùng cây có múi nổi tiếng đất Hòa Bình - cam Cao Phong, một thời gian nhiều nhà vườn cũng trị bệnh vàng lá của cây cam theo cách thức này.

Khuyến cáo không truyền dịch chữa bệnh cho cây

Trước thực trạng các nhà vườn tự tìm kiếm phương pháp chữa bệnh cho cây bằng các phương pháp không có chỉ dẫn từ các nhà chuyên môn, trong đó có cách thức mua bộ đồ truyền dịch, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình ngay sau đó đã phải ra Công văn số 2327 tuyên truyền, khuyến cáo không áp dụng biện pháp truyền dịch để chữa bệnh cho cây ăn quả có múi.

Nông dân Cao Phong phá bỏ vườn cam để trồng ngô sinh khối vì cam ngã bệnh hàng loạt, không chữa trị được. Ảnh: Kiên Trung.

Nông dân Cao Phong phá bỏ vườn cam để trồng ngô sinh khối vì cam ngã bệnh hàng loạt, không chữa trị được. Ảnh: Kiên Trung.

Theo cơ quan này, một số hộ dân trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong đã sử dụng một số loại thuốc kháng sinh chữa bệnh dành cho người, cho động vật như Tetracycline, Streptomycin, Penicillin G; các Vitamin B1, B6, B12; đường Gluco pha với nước thành dung dịch, đục lỗ và truyền trực tiếp vào thân cây cam với mong muốn chữa được hiện tượng vàng lá, tàn lụi cây. Tuy nhiên, một số vườn cho thấy có cây đã khỏi bệnh vàng lá và hồi phục, cũng có vườn không hiệu quả rõ ràng, thậm chí tàn cây và chết nhanh sau khi truyền dịch.

Để làm rõ về cơ sở khoa học và tính pháp lý của giải pháp này, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã có văn bản tham vấn ý kiến Viện Bảo vệ thực vật. Viện Bảo vệ thực vật đã có công văn phúc đáp số 233/BVTV-KH&HTQT về việc ý kiến về giải pháp truyền dịch cho cây ăn quả có múi là không có cơ sở khoa học. Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình khuyến cáo người trồng cam không áp dụng biện pháp truyền dịch để chữa bệnh cho cây ăn quả có múi trên địa bàn.

Sở NN-PTNT đề nghị UBND huyện Cao Phong yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn, đôn đốc đến các cơ sở, các tổ chức, cá nhân trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn thực hiện các biện pháp kỹ thuật về quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại vùng rễ cây cam, quýt trên cơ sở ứng dụng chế phẩm sinh học; quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) có ứng dụng chế phẩm sinh học đối với cây cam, quýt ở thời kỳ kinh doanh.

Sở khuyến cáo người sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc sử dụng phân bón, nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng các hóa chất, chất dinh dưỡng được chỉ định cho người, cho động vật để trừ bệnh hay cung cấp dinh dưỡng cho cây. Không chấp nhận bất cứ hình thức nào lợi dụng để quảng bá, thương mại các biện pháp này; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán thuốc hay quảng bá và thực hiện các biện pháp này theo các quy định của pháp luật.

Một sản phẩm thuốc diệt cỏ được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: MXH.

Một sản phẩm thuốc diệt cỏ được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: MXH.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Phong thực hiện hướng dẫn chuyện môn về hiện tượng vàng lá cam và biện pháp phòng chống; về tác hại của việc lạm dụng biện pháp truyền dịch chữa bệnh cho cây. Từ đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người sản xuất biết, áp dụng.

Sở NN-PTNT chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất cây ăn quả có múi đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận GAP; phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm và xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định, đặc biệt các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có quảng bá, buôn bán các loại thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và xử lý nghiêm theo quy định.

Theo tìm hiểu, phương pháp chữa bệnh cho cây bằng cách thức truyền dịch được quảng bá và rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Không những không biết về nguồn gốc xuất xứ, thành phần thuốc, pháp nhân của đơn vị quảng cáo bán hàng, giá cả rao bán của mặt hàng trên cũng là một “ma trận” khiến người mua “hoa mắt”.

Các túi truyền dịch được rao bán theo màu sắc (túi cam, xanh, vàng…) có giá từ trên 100.000 - trên 200.000 đồng mà không hề có các thông số về hoạt chất bên trong cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Danh mục 31 hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam

Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thuộc lĩnh vực kinh doanh buôn bán có điều kiện. Người kinh doanh mặt hàng này ngoài việc phải có các bằng cấp đào tạo chuyên môn tại các cơ sở đào tạo được cấp phép tại Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định về giấy phép đăng ký kinh doanh; hằng năm phải tham gia các khóa tập huấn do đơn vị quản lý thị trường, Chi cục Bảo vệ thực vật (cấp huyện) tổ chức.

Bộ NN-PTNT cũng đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, có 712 hoạt chất với 1.725 tên thương phẩm thuốc trừ sâu; 683 hoạt chất với 1561 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 261 hoạt chất với 792 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ; 8 hoạt chất với 43 tên thương phẩm thuốc trừ chuột, 60 hoạt chất với 178 tên thương phẩm thuốc điều hòa sinh trưởng; 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm chất dẫn dụ côn trùng; 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm thuốc trừ ốc; 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm chất hỗ trợ (chất trải).

Tại dự thảo, Bộ NN-PTNT cũng đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm 31 hoạt chất: 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản; 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh; 1 hoạt chất thuốc trừ chuột và 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ.

Xem thêm
Chất lượng quặng apatit phục vụ sản xuất phân bón suy giảm mức báo động

Sự thiếu hụt nguồn cung, cùng chất lượng quặng apatit suy giảm đã gây tác động lớn đến các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất trong nước.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?