Vào giữa những năm 2010, một người trồng kiwi đã lấy bí mật của một giống kiwi vàng ở New Zealand và bán sang Trung Quốc. Hàng ngàn hecta vườn cây ăn trái này nhanh chóng mọc lên ở Trung Quốc và New Zealand đã mất nhiều năm tranh giành để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Giờ đây, những lựa chọn mà những người trồng trọt của New Zealand phải đối mặt cũng cho thấy những thách thức lớn hơn trong mối quan hệ của nước này với đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Biểu tượng kiwi
Kiwi là hàng hóa quan trọng của New Zealand. Zespri, Hợp tác xã kiwi khổng lồ của New Zealand có doanh thu là 3,9 tỷ đô la New Zealand (NZD) vào năm ngoái. Có lẽ giá trị nhất trong số đó là Sungold, một loại kiwi vàng mới đã giúp cứu ngành công nghiệp địa phương khỏi thảm họa.
Đến năm 2010, các vườn kiwi của New Zealand bị phá hủy bởi một loại bệnh mới có tên là PSA. Dây leo chảy ra dịch đỏ, hoa bị thối rữa và quả bị xẹp. Đó là một cơn ác mộng về kinh tế và làm vườn với thiệt hại khoảng 900 triệu NZD.
Zespri đã tham gia cùng các nhà tài trợ khác và đầu tư hàng triệu NZD vào việc tìm kiếm một giải pháp thay thế. Hợp tác xã đã chọn lọc được 40 giống từ danh sách 50.000, sau đó đưa 4 giống vào thử nghiệm trồng tại vườn cây ăn quả. Chủng Gold3 ra đời và cuối cùng được bán tại siêu thị với tên gọi Sungold.
Các thuộc tính của nó đại diện cho các đặc tính được ưa thích của quả kiwi: hấp dẫn trên kệ, ngọt ngào với hương thơm dễ chịu, giàu vitamin C, rẻ và dễ trồng. Điều quan trọng, nó cũng có khả năng chống lại bệnh thối cây đã tàn phá ngành công nghiệp ở New Zealand và Ý.
Sungold là con ngỗng đẻ trứng vàng của Zespri, và công ty đã nhanh chóng đăng ký quyền sở hữu độc quyền ở các quốc gia trên thế giới. Xuất khẩu trái kiwi vàng vượt qua kiwi xanh và ngành công nghiệp kiwi của New Zealand đã được xây dựng lại một phần dựa trên nền tảng của Sungold.
Nhưng vào năm 2016, xuất hiện tin đồn: Sungold được phát hiện đang phát triển ở Trung Quốc. Công ty đã thuê các nhà điều tra tư nhân và thấy những tin đồn là sự thật.
Một cuộc điều tra của tòa án cho thấy nguyên nhân là do Haoyu Gao, một người đàn ông đã mua một vườn kiwi ở Opotiki, một thị trấn nhỏ ở Vịnh Plenty của New Zealand rồi bí mật bán cây mầm sang Tứ Xuyên với giá 60.000 NZD một lô. Tuy nhiên, cuối cùng, vụ giao dịch đã không thành công. Gao phủ nhận hành vi sai trái, nhưng tòa án cấp cao của New Zealand đã ra phán quyết bồi thường thiệt hại 14 triệu NZD.
Zespri đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tại phòng xử án, nhưng lại thua trong cuộc chiến kiểm soát sự lây lan của Gold3 sang Trung Quốc. Nỗ lực thực hiện các hành động pháp lý tiếp theo của công ty đã thất bại. Trong một báo cáo gần đây, Zespri viết rằng diện tích trồng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2019 đến năm 2021 lên hơn 5.200 ha.
Báo cáo cho biết: Trung Quốc đang trên đà sản xuất từ 30 đến 90 triệu khay trái cây Gold3 mỗi năm. Với ước tính thấp hơn, Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều bằng lượng xuất khẩu của New Zealand sang Trung Quốc, 30 triệu khay sang Trung Quốc trong mùa trước.
Một đề xuất táo bạo
Có một điều trớ trêu là các giống kiwi ban đầu được trồng ở Trung Quốc và đến New Zealand vào năm 1904. Kiwi phát triển mạnh nhờ khí hậu địa phương, và New Zealand bắt đầu xuất khẩu vào những năm 1950. Các nhà xuất khẩu đã đặt ra thuật ngữ “quả kiwi” theo tên loài chim biểu tượng của New Zealand. Trong mắt người Âu Mỹ, trái cây dần trở thành đồng nghĩa với New Zealand.
Trước vấn đề khó khăn này, Zespri đã đề xuất một thỏa thuận táo bạo: nếu không thể thắng thì "hãy tham gia" - hoặc ít nhất là mua kiwi. Thay vì truy lùng các vườn cây ăn trái đang lan rộng, họ đề xuất mua và tiếp thị quả kiwi "nhái" được trồng ở Trung Quốc với nhãn hiệu Zespri.
Câu hỏi sẽ được đặt ra vào tuần tới, khi người trồng bỏ phiếu về việc nên theo đuổi chiến lược đối đầu hay hợp tác với thế hệ người trồng mới của Trung Quốc.
Jason Young, Phó Giáo sư tại Đại học Victoria và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại New Zealand, nói “đề xuất của Zespri“ cho thấy rằng có thể vấn đề bị mắc kẹt. “Câu hỏi thực sự với Zespri là điều gì sẽ xảy ra nếu mất quyền kiểm soát tài sản trí tuệ của mình ở thị trường Trung Quốc?”.
Chủ nghĩa thực dụng hoặc nguyên tắc
Cuộc xung đột về trái cây cũng làm nổi bật các cách tiếp cận cạnh tranh về chủ nghĩa thực dụng và nguyên tắc, vào thời điểm mà New Zealand bị cáo buộc nhẹ tay để tránh làm mất lòng Bắc Kinh. Nó cũng cho thấy khó khăn mà một nước nhỏ phải đối mặt khi đối đầu với cường quốc và việc New Zealand thiếu đòn bẩy với đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Andrew Gillespie, một giáo sư luật quốc tế cho biết: “Đẩy mạnh vấn đề có thể khiến Bắc Kinh tức giận,“ và bạn có thể giành chiến thắng, nhưng với cái giá lớn hơn lợi ích có được và “… Họ có thể thấy mình ở giữa một cơn bão rất lớn. Hậu quả cuối cùng sẽ lớn hơn nhiều so với vấn đề sở hữu trí tuệ này”.
Cơn bão đó là một rủi ro mà chính phủ và ngành công nghiệp của New Zealand nhận thức sâu sắc. Ngoại trưởng Nanaia Mahuta cũng dùng từ tương tự khi cảnh báo các nhà xuất khẩu về tính dễ bị tổn thương nếu New Zealand kích động sự tức giận của Bắc Kinh.
Tiến sĩ Hongzhi Gao, thuộc trường kinh doanh quốc tế của Đại học Victoria cho biết: “Đây thực sự là một phép thử cho mối quan hệ này“.
Công ty Zespri đã từ chối phỏng vấn, nhưng cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng "tìm kiếm một giải pháp thương mại và có thể là sự phù hợp với ngành công nghiệp Trung Quốc, mang lại cho chúng tôi cơ hội tốt nhất để đạt được kết quả thành công". Một giải pháp như vậy “cũng cần phải hỗ trợ cho cả hai bên để thành công”.