Các trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, trong đó có Taobao, JD.com và Pinduoduo, đều triển khai các chương trình riêng để hỗ trợ nông dân bán nông sản tươi sạch trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, theo kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.
Pinduoduo, gần đây vượt Alibaba và trở thành trang mua bán có nhiều khách hàng nhất, đã giúp kết nối 12 triệu nông dân tới hơn 800 triệu người dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước hướng đến thương mại điện tử nông thông như China Co-op Group cũng góp sức phân phối nông sản, đặc biệt là ở tỉnh Hồ Bắc – tâm dịch Covid-19.
Ngay khi Trung Quốc quyết định phong tỏa nhiều khu vực để ứng phó Covid-19 hồi đầu năm ngoái, Huang Honglin – bán chanh dây thu hoạch từ các nông trại của bố mẹ và hàng xóm ở tỉnh Giang Tây – lo ngại về khả năng đưa nông sản tới các khu chợ truyền thống. Huang sau đó xin tham gia sáng kiến “Help the Farmers” (Hỗ trợ nông dân) của Pinduoduo.
Nhân viên Pinduoduo tới thăm khu vực và hướng dẫn cách bán hàng trực tuyến, đóng gói hiệu quả và khuyến mại hàng hóa. Với kết quả thu được, Huang hiện vẫn bán phần lớn sản phẩm thông qua Pinduoduo, ngay cả khi các hạn chế được dỡ bỏ.
“Bán hàng trực tuyến giúp chúng tôi ‘chốt đơn’ 15 tấn chanh dây”, Huang nói.
Câu chuyện của Huang còn giúp lý giải tại sao Pinduoduo vượt qua Alibaba về số lượng khách hàng. Pinduoduo chú trọng vào bán thực phẩm tươi sạch từ khi thành lập năm 2015, chiến lược có chút bất thường đối với một công ty thương mại điện tử, tích cực thu hút nông dân. Doanh số bán nông sản năm ngoái gấp đôi so với năm 2019, chiếm khoảng 1/6 tổng giao dịch của Pinduoduo năm 2020, theo báo cáo tài chính công ty.
“Pinduoduo là người tiên phong trong kinh doanh nông nghiệp. Giờ thì ai cũng muốn tham gia”, Ashley Dudarenok, đồng tác giả cuốn New Retail: Born in China Going Global.
Theo Dudarenok, nỗ lực của Pinduoduo diễn ra trùng với lúc chính phủ Trung Quốc thúc đẩy giảm nghèo ở vùng nông thôn và hưởng lợi từ tâm lý thích đi chợ 1 – 2 lần mỗi ngày của người tiêu dùng Trung Quốc.
“Khi mua nông sản trực tiếp từ nông dân, sản phẩm đó được coi là cực kỳ tươi ngon và họ thích như vậy”.
Pinduoduo chỉ có dưới dạng ứng dụng điện thoại, thiên về duyệt thông tin hơn là tìm kiếm, phát triển bằng cách giảm giá với mua nhóm – thúc đẩy người dùng rủ thêm bạn bè.
Ngay từ đầu, nông nghiệp là ngành bị tụt lại trong tích hợp vào nền kinh tế số và chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm bất lợi có thể được cải thiện bằng công nghệ”, Chen Lei, CEO kiêm nhà đồng sáng lập Pinduoduo, cho biết.
Pinduoduo hướng đến thực phẩm là hướng đi phù hợp với ngành nông nghiệp có đặc điểm phân tán rộng của Trung Quốc. 98% nông dân Trung Quốc canh tác trên diện tích nhỏ hơn một sân bóng chày, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO). Tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 11%.
Khác với Mỹ, Trung Quốc không có chuỗi cung ứng - gồm xử lý, bán sỉ và bán lẻ - đủ phát triển để đưa sản phẩm ra thị trường, Holly Wang, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ, nhận định.
Trong báo cáo tháng 1, giới phân tích tại ngân hàng đầu tư Oppenheimer cho biết 20 – 30% rau quả tại Trung Quốc bị vứt bỏ do khâu đông lạnh và vận chuyển kém. Pinduoduo buộc phải “đổi mới quanh những điểm yếu này”, Xin Yi Lim, giám đốc điều hành về tính bền vững và tác động đến nông nghiệp tại Pinduoduo, chia sẻ.
Một trong những đổi mới này là chương trình New Farmers (Nông dân mới) nhằm khuyến khích nông dân dùng công cụ số. Chương trình cung cấp các bài học về cách vận hành nền tảng, quy tắc cơ bản về buôn bán, marketing và cách phát trực tuyến. Pinduoduo cho biết chương trình tiếp cận hơn 100.000 nông dân và đang đặt mục tiêu đào tạo thêm 100.000 người nữa.
Sofya Bakhta, nhà phân tích tại Daxue Consulting, nói hình thức mua nhóm của Pinduoduo giúp tổng hơp nhu cầu tiêu dùng bị phân tán và kết nối người mua với nông dân, “tạo ra một thị trường quy mô quốc gia hiệu quả”. Nông dân được giảm chi phí và cảm nhận lợi ích từ trồng trọt quy mô lớn.
Trước đó, nông dân Trung Quốc phải đối mặt nguy cơ lực cầu bất ổn và giá biến động, Gerard Sylvester, khối đầu tư tại FAO, đánh giá. “Chúng tôi từng thấy nhiều trường hợp nông dân chở nông sản đến chợ rồi đổ bỏ toàn bộ sau đó để không phải mất thêm phí chở hàng về lại làng”.
Tuy nhiên, không phải tất cả nông dân đều hài lòng với Pinduoduo. Yang Lin bán 30 tấn táo mỗi tháng trên nền tảng này trong năm 2019 nhưng “không thu về đồng lợi nhuận nào”, đặc biệt là sau khi mua quảng cáo để thu hút thêm người tiêu dùng. Yang từng nghĩ sẽ có lời nếu bán được thêm táo nhưng từ bỏ vì điểm hòa vốn dường như quá khó. Mua quảng cáo không phải yêu cầu bắt buộc.
Khi được hỏi về trường hợp của Yang, người phát ngôn của Pinduoduo trả lời công ty “bảo vệ” người nông dân và nỗ lực “để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho nông dân, giúp họ buôn bán tốt hơn”.
Phe chỉ trích cho rằng Pinduoduo cùng các đối thủ cạnh tranh của công ty đang làm gián đoạn các chuỗi kinh doanh truyền thống cho một số nông dân. Theo họ, các mạng lưới kinh doanh truyền thống cân bằng và bao quát hơn các thuật toán thương mại điện tử, ưu tiên thiên vị các nông sản bán chạy.
Dudarenok cho rằng công nghệ “không phải câu trả lời duy nhất để đưa nông dân thoát nghèo đói hay cải thiện sinh kế cho họ” nhưng Pinduoduo đã cung cấp một nền tảng người tiêu dùng ổn định, kênh bán hàng và vận chuyển đến bên mua.
“Cả nông dân và người tiêu dùng đều hưởng lợi bằng cách cắt bỏ người trung gian”. Dù vậy, nông dân “vẫn cần ‘nỗ lực’ với việc phát trực tuyến và mua quảng cáo. Họ cần phải biết cách thu hút người dùng”.
Theo Bakhta, những ứng dụng như Pinduoduo khó thay thế chợ truyền thống bởi Trung Quốc đủ lớn để duy trì cùng lúc hai hình thức này. Chợ truyền thống “không chỉ là nơi mua hàng tươi ngon mà mọi người còn có thể trò chuyện, thực hành kỹ năng mặc cả. Đó là một phần trong văn hóa Trung Quốc”.