| Hotline: 0983.970.780

Cuộc họp lần thứ nhất về Báo cáo Việt Nam 2030

Thứ Tư 10/09/2014 , 08:43 (GMT+7)

Báo cáo “Việt Nam 2030” do WB phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm đưa ra những kiến nghị để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới đây.

Ngày 9/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất về Báo cáo Việt Nam 2030 (ảnh).

Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Giám đốc WB tại Việt Nam và trên 50 chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Báo cáo “Việt Nam 2030” do WB phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm đưa ra những kiến nghị để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới đây. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được Chính phủ phân công làm Trưởng BCĐ xây dựng Báo cáo.

Báo cáo cho thấy 20 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,7%/năm, cao thứ hai thế giới. Nếu Việt Nam muốn bắt kịp những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thì cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm trong 20 năm tới. Trong trường hợp chỉ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình.

Câu hỏi lớn được đặt ra là Việt Nam có thể hay không và cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng trưởng nhanh hơn, phát triển bền vững và để người dân được thụ hưởng nhiều nhất kết quả phát triển.

Dự kiến, Báo cáo sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015.

Đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã được giao chỉ đạo Bộ KH-ĐT, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đưa ra những tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cùng trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nghị quyết 19 đặt mục tiêu về những chỉ số tác động cực kỳ mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh, đó là: Nộp thuế, tiếp cận điện năng và giao dịch qua biên giới (xuất nhập khẩu).

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hàng tỷ USD, hàng nghìn tỷ đồng là những lợi ích kinh tế cụ thể mà Việt Nam sẽ có được nếu làm được như Nghị quyết 19 đề ra. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có bước tiến rõ rệt.

Một ví dụ, nếu giảm được 1 ngày trong thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu thì các DN Việt Nam giảm được khoản chi phí giao dịch tương đương 1% giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1 năm, khoảng 2,7 tỷ USD. Hay nếu số giờ nộp thuế giảm từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm như mục tiêu của Nghị quyết 19, sẽ tiết kiệm chi phí tới 6,6 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết 19 được cộng đồng xã hội, các nhà khoa học, nhân dân đánh giá rất cao.

Và Báo cáo Việt Nam 2030, ở tầm rộng hơn, dài hơi hơn, sẽ kế thừa những đánh giá về quá trình phát triển của Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới; xác định cơ hội, thách thức mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt, từ đó nghiên cứu, định hình một kịch bản phát triển trong giai đoạn tới.

Cuộc họp thống nhất thời gian nghiên cứu Báo cáo khoảng 20 năm.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.