| Hotline: 0983.970.780

Cuộc phô diễn chức danh ngoạn mục

Thứ Năm 25/11/2010 , 11:39 (GMT+7)

Chỉ cần chịu khó nhìn trước nhìn sau kỹ lưỡng một chút, chắc chắn ai cũng mừng rỡ vì chưa bao giờ người Việt có nhiều chức danh lấp lánh như bây giờ.

Tất nhiên, ở góc độ nhất định, đó cũng là một dấu hiệu của sự phát triển. Trong thế kỷ khuyến khích vẻ đẹp cá nhân, mọi chức danh đều được phô diễn một cách náo nức và sinh động.

Bây giờ, không những bộ máy của các cơ quan hành chính đang phình to ra, mà nhiều tổ chức đoàn thể cũng được thành lập rộng rãi, cho nên không ít người không thể nào liệt kê hết chức danh trên tấm danh thiếp bé xíu. Để giải quyết nguy cơ không thể giải phóng hết sức quyến rũ của bản thân, có người phải in hàng chục loại danh thiếp khác nhau, mỗi danh thiếp in một chức danh.

Ví dụ, danh thiếp này này in Giáo sư – Tiến sĩ X, thì danh thiếp kia in Thường vụ ban chấp hành Y, còn danh thiếp nọ in hội viên Hội Z… Vì vậy, lần nào giới thiệu mình, họ cũng sẵn sàng tặng luôn cho người đối diện cả một xấp danh thiếp rực rỡ và thơm phức nước hoa!

Thế nhưng, dùng danh thiếp chứng tỏ bản thân chưa phải là cách ứng xử khôn ngoan nhất. Có những cuốn sách được in ấn công phu, mà tinh hoa tập trung chủ yếu ở bìa 4 để e ấp hé lộ cho độc giả biết các chức danh của tác giả, từ chức vụ đang đảm nhiệm cho đến chức vụ “nguyên” và kèm 1001 chức nghiệp, chức phận, chức trách, kể cả việc tham gia câu lạc bộ “Phụ nữ và xe hơi” cũng được liệt kê trang trọng.

Chút ái ngại không thể nào che giấu: liệu những sự bộc bạch kia có quá diêm dúa không? Xin thưa, không hề có gì đáng trách. Chẳng qua đó chỉ là sự cởi mở hơi thật thà và hồn nhiên! Nếu băn khoăn thì phải nhìn cuộc phô diễn chức danh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hình như nhiều người lên báo chí, lên truyền hình để nhằm khoe khoang chức danh, chứ không nhằm bày tỏ suy tư hay thẩm mỹ.

Thử hỏi, một ý kiến nhỏ như bàn tay hoặc một bài điểm sách vô thưởng vô phạt, thì có nên ghi chức danh Viện sĩ không? Hãy nhớ rằng, mỗi chức danh chỉ phù hợp với một hoàn cảnh, muốn bước qua một môi trường mới thì hãy cởi chiếc áo cũ ra. Phép ứng xử ấy rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng hiểu!

Lẽ thường, chức danh bác sĩ để ghi vào phiếu khám sức khỏe, còn chức danh dược sĩ để ghi vào toa thuốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều người quá say mê cái chức danh của mình đã không kiềm chế được ham muốn bộc lộ khi có cơ hội xuất hiện trước đám đông.

Chẳng biết nên vui hay buồn, đọc một bài thơ ngắn ngủi bỗng thấy ký tên “Nhà giáo Nhân dân - Nhà thơ ABC”, nghe một bài hát bỗng thấy tác giả được giới thiệu “Đại tá – Nhạc sĩ BAC”, xem một vở kịch càng ngạc nhiên hơn chứng kiến người viết xưng danh “Thiếu tướng – Nhà văn CBA”. Hay nhỉ, Nhà giáo Nhân dân có phải để làm thơ đâu, Đại tá có phải để viết nhạc đâu, Thiếu tướng có phải để soạn kịch đâu?

Theo cách trình bày mỹ mãn chức danh trên, thì một công nhân quét rác tình cờ sáng tác tiểu thuyết thì phải chú thích tác giả là “công nhân quét rác – tiểu thuyết gia” chăng? Ở đây, không còn là sự khiêm tốn hay sự khoa trương, mà là văn hóa chức danh. Bởi lẽ, điều này dẫn đến hệ lụy, tác phẩm vốn không bị lệ thuộc vào thời gian, lại bị gắn với thành tích xã hội mang tính nhất thời.

Thật dở khóc dở cười khi cũng một bài hát, cứ vài ba năm lại thay đổi chức danh tác giả một lần, chẳng hạn lần thứ nhất là “Trung úy – Nhạc sĩ”, lần thứ hai là “Trung tá – Nhạc sĩ” và sau đó là “Trung tướng - Nhạc sĩ”.

Cái sự éo le các loại các loại chức nghiệp, chức phận, chức trách bủa vây chức danh sẽ càng trở nên khó xử hơn khi chúng ta nói về những nhân vật lừng lẫy một thời đã qua. Khi viết “Dế mèn phiêu lưu ký”, Tô Hoài đang kế toán hiệu buôn thì không lẽ cuốn sách ghi tác giả “Kế toán hiệu buôn – Nhà văn Tô Hoài” hay sao? Còn nữa, nếu diễn vở kịch “Không một tiếng vang” của Vũ Trọng Phụng thì phải giới thiệu tác giả là “Tốt nghiệp trường tiểu học Hàng Vôi – Nhà văn Vũ Trọng Phụng” ư? Ôi, thời loạn danh!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm