Mấy hôm trước, mưa liên tục khiến ngập lụt rất sâu, đường vào làng ngập tới ngang ngực, hiện đã rút xuống tới ngang bụng, người dân phải di chuyển bằng thuyền.
Mấy cửa hàng trong làng đang vội vã chuyển đồ sơ tán đi nơi khác vì nghe đài báo sắp tới sẽ còn mưa to, hàng hóa nếu bị ngập sẽ hỏng hết.
Những nhà có nền thấp trong làng đã phải di dời sang nội, ngoại hoặc lên trường THCS trú tạm, còn những nhà có nền cao, mọi đồ đạc phải kê lên. Nước ngập đến đâu, kê bếp đến đó nấu cơm, kê giường đến đó để nằm, người già trẻ nhỏ ngủ bập bềnh trong nước lũ, đôi lúc còn có rắn bò vào nhà. Chuyện vệ sinh cũng rất khó khăn vì nước ngập, nhiều người dân phải đi vệ sinh vào túi nylon rồi chở thuyền ra đầu làng để xe rác đến thu gom.
Đàm Trọng Anh-con rể ông Nguyễn Văn Diện cõng con sang chơi nhà bố vợ, anh than trời mưa đi lại rất bất tiện giữa môi trường nước ô nhiễm.
Trước gần như cả làng Bùi Xá với hơn 100 hộ đều làm nghề thuyền chài nhưng giờ cả làng chỉ còn 4-5 hộ còn bám trụ trong đó có ông Diện. Lớp trẻ trong làng đã bỏ hết nghề chài đi làm nghề tự do hay công nhân bởi cá ít, lại theo mùa, không đủ tiền nuôi vợ nuôi con.
Thỉnh thoảng ông Diện lại nhận quăng chài làm mẫu cho đoàn nhiếp ảnh của Lớp nhiếp ảnh nghệ thuật ánh sáng số thuộc Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô về chụp với mức giá 1,5 triệu đồng/2 thuyền/buổi.
Lụt như thế này họ phải quay thuyền ra cổng làng đón đoàn nhiếp ảnh đi qua chỗ ngập sâu đến sân nhà mình, để từ đó “bày binh, bố trận”, người đứng ngâm chân dưới nước, người lại trèo lên bờ tường hay lên ngọn cây mà chụp.
Cả gia đình gồm vợ chồng ông và vợ chồng người con trai đều tham gia vào hoạt động này, cứ 2 người 1 thuyền, người làm nhiệm vụ chèo, người làm nhiệm vụ tung chài.
Khác với tung chài thông thường, tung chài biểu diễn phải thực hiện đồng đều theo hiệu lệnh từ lúc tung đến lúc kéo, nếu tung đôi 2 cái chài sẽ tỏa ra như hình của 2 cánh bướm. Họ phải thực hiện động tác tung chài đi tung chài lại theo ý đồ của đạo diễn có khi cả buổi mới xong và không cần quan tâm đến việc có cá hay không.