Tân Trào hôm nay
Làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hôm nay đã đổi mới. Ngoài làm làm nông, người Tày nơi đây đã biết làm du lịch gắn với điểm di tích lịch sử với văn hóa bản địa của người Tày.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thôn Tân Lập là cái nôi của cách mạng Việt Nam. Nơi đây Bác Hồ, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã ở và làm việc. Bởi vậy, đến nay nhiều di tích lịch sử của các cơ quan Trung ương đặt tại nơi này.
Hiện nay làng văn hóa Tân Lập có hơn 180 hộ gia đình, với trên 800 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào người dân tộc Tày. Điểm đặc biệt nổi bật của ngôi làng này là những nếp nhà sàn truyền thống biểu trưng văn hóa của người Tày nằm san sát nhau tựa lưng vào núi, hướng mặt ra ao, ra ruộng.
Làng văn hóa Tân Lập hiện có khoảng 10 ngôi nhà sàn của các hộ gia đình có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm du khách có nhu cầu lưu trú theo hình thức homestay tại những ngôi nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát đã được bố trí, sắp xếp ngăn nắp, đảm bảo điều kiện du khách nghỉ ngơi.
Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống, do chính bà con tìm kiếm trên rừng hoặc nuôi trồng sản xuất trên nương, rẫy như măng rừng, rau rớn, rau ngót rừng, rau bò khai, cơm lam, xôi ngũ sắc, cá nướng, lợn rừng, chè, mật ong, rượu nếp Tân Trào...
Cùng với làng Tân Lập, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân vùng chiến khu Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Tân Trào phát triển. Tân Trào là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về đích xây dựng nông thôn mới năm 2014.
Tân Trào đang đổi thay từng ngày, diện mạo nông thôn khang trang hơn. Hiện nay, 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; hệ thống trường học các cấp đều đã đạt chuẩn quốc gia; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao…
Ông Hoàng Ngọc năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông là con của của cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sĩ giao liên đặc biệt cho Bác Hồ và Trung ương Đảng những ngày kháng chiến. Ông Hoàng Ngọc cho biết, nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Tân Trào hôm nay được sống trong độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, giàu mạnh hơn xưa rất nhiều; khoa học kỹ thuật được áp dụng nên cây trồng, vật nuôi năng suất cao đầy nhà, đầy ruộng nương. Các cháu nhỏ được quan tâm cho đi học đầy đủ.
Hiện nay xã Tân Trào, huyện Sơn Dương không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm; 100% số thôn đạt “Làng văn hóa”, trên 90% hộ dân đạt “Gia đình văn hóa”; 95% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên… Xã phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Những bản làng no ấm
Vùng ATK các huyện Sơn Dương, Yên Sơn gồm 32 xã. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc vùng chiến khu nơi đây đã đồng lòng làm các mạng, bảo vệ chở che cho Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, những bản làng nơi đây ngày một đổi mới, đời sống của người dân thêm no ấm. Những con đường nhựa, đường bê tông kiên cố được trải dài; nếp nhà kiên cố mọc lên san sát, dịch vụ thương mại ngày một sầm uất…
Năm 2019 xã ATK Kim Quan, huyện Yên Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 67 hộ, chiếm 7,97%. Toàn xã có 98% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 7/7 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa. Giai đoạn 2020 - 2025, Kim Quan đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Thôn Làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn hiện hữu rõ bức tranh nông thôn đầy sức sống. Đến nay 100% đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa đạt chuẩn, xây dựng được 15 bể chứa rác thải đồng ruộng, 10 thùng chứa rác công cộng. 100 hộ dân trong thôn có thùng, hố rác tại nhà để phân loại rác…
Anh Mã Phúc Hương, Bí thư Chi bộ thôn Làng Hản, xã Kim Quan cho biết, nhờ ý thức vì cộng đồng nên khi triển khai làm đường bê tông vướng mắc về đất đã có 40 hộ dân tự nguyện hiến 1.200m2 đất làm đường bê tông. Cùng với đó, các hộ đã đóng góp cả trăm ngày công làm nhà văn hóa, kênh mương nội đồng. Nhờ vậy mà bộ mặt nông thôn của xã ngày một khang trang hơn.
Xã Trung Yên, huyện Sơn Dương là một trong những địa phương có nhiều điểm di tích lịch sử ở vùng chiến khu cách mạng. Đặc biệt, nơi đây có Khu di tích Nhà ở và Hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng. Nơi đây đồng chí Tôn Đức Thắng đã sinh hoạt và làm việc từ cuối năm 1952 đến năm 1954. Cũng giống như các xã vùng chiến khu, đời sống của người dân xã Trung Yên hôm nay ngày càng no ấm.
Hiện toàn xã Trung Yên, huyện Sơn Dương có 20 mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Trên địa bàn xã đã hình thành nhiều HTX, tổ hợp tác, tổ hội nghề như: tổ hợp tác sản xuất chế biến chè; nuôi cá lòng hồ; chăn nuôi lợn, chăn nuôi dê, trồng dưa chuột... Xã đã cơ bản hoàn thành làm đường bê tông nông thôn, làm mới 6,5 km đường nội đồng, 8,55 km kênh mương bê tông.
Nhân dân đóng góp xây dựng hoàn thành 2 cầu thôn Trung Long và cầu thôn Quan Hạ với số tiền trên 500 triệu đồng. Trung Yên vốn là một xã nghèo, 5 năm trước số hộ nghèo chiếm gần 50% thì nay đã giảm còn 21,5%, xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ sớm hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Anh Ma Hồng Phú (dân tộc Tày) Trưởng thôn Yên Thượng, xã Trung Yên cho biết, từ phát triển chăn nuôi nuôi dê, nuôi bò nhốt chuồng, nuôi lợn, phát triển cây chè, nuôi cá… đã giúp nhiều hộ dân thôn Yên Thượng có thu nhập khá.
Để nông nghiệp phát triển chuyên nghiệp, bài bản hơn, các hộ dân trong thôn Yên Thượng, xã Trung Yên đã thành lập các tổ hợp tác chế biến chè, tổ hợp tác chăn nuôi lợn, nuôi dê, nuôi cá hồ, mỗi tổ có hàng chục hộ dân tham gia. Biết vươn lên làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nên chỉ trong 2 năm 2019-2020, thôn đã giảm được 44 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 34% xuống còn 16%. Năm 2021, thôn Yên Thượng phấn đấu giảm thêm 9 hộ nghèo.
Cuộc sống của người dân các xã vùng chiến khu xưa ở Tuyên Quang đã có nhiều thay đổi. Người Mông, Dao, Tày ở các bản làng này càng ngày càng khấm khá nhưng họ vẫn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc như trang phục, những nghi lễ cúng ngày Tết cổ truyền, những điệu múa, hát, phong tục chợ phiên... Họ luôn tự hào về truyền thống là cái nôi của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc.