| Hotline: 0983.970.780

Cuộc xâm lăng toàn cầu của một loài sâu mới

Thứ Sáu 16/08/2019 , 18:23 (GMT+7)

Gần 100 nhà khoa học quốc tế và trong nước đã tham dự hội thảo quốc tế "Sâu keo mùa thu và giải pháp quản lý bền vững” tại Thái Nguyên ngày 16/8 để bàn cách chống lại cuộc xâm lăng ồ ạt của loài này...

Hội thảo do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật và Bayer đồng tổ chức.

Giáo sư, Tiến sỹ Y. Andi Trisyono phát biểu.

Đe dọa an ninh lương thực toàn cầu:

Giáo sư, Tiến sỹ Y. Andi Trisyono-chuyên gia Côn trùng thuộc Khoa Bảo vệ thực vật (BVTV), Đại học Nông nghiệp, Đại học Gadjah Masa, Indonesia thông tin: Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) bắt đầu lan rộng thành dịch từ năm 2016 ở châu Phi với tốc độ bay đáng kinh ngạc của bướm lên tới 100km/ngày nên chỉ trong vòng 2 năm đã lây lan ra trên 44 quốc gia vùng hạ Sahara. Thống kê nhanh chỉ trong năm 2018 ở 12 quốc gia ở khu vực này sâu đã cắn phá khoảng 3 tỉ đô la Mỹ giá trị nông sản, khiến cho Ủy ban Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) phải hỗ trợ khẩn cấp để cứu đói.

Ngô bị sâu keo mùa thu phá hoại ở xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Hồi tháng 4/2019 khi loại côn trùng này bắt đầu xuất hiện ở Indonesia, Giáo sư đã nhận định chuyện lan rộng chỉ là vấn đề thời gian. Y như rằng, ba tháng sau nó đã có mặt ở hầu hết các đảo lớn, đảo nhỏ, tình hình rất thê thảm khi ở Nam Lampung-vùng trồng ngô lớn có những trà ngô mới trồng đã bị tàn phá 100%.

Sâu keo mùa thu đã là một phần đời sống của chúng ta, phải chấp nhận nó. Indonesia tình hình cũng giống ở Việt Nam là nông hộ rất nhỏ nên có thể sử dụng chung một quy tắc Knipling: Phòng trừ đồng bộ và triệt để các quần thể sâu hại qua nhiều thế hệ trong một thời gian có hiệu quả phòng trừ cao hơn việc phòng trừ ở cấp độ cao hoặc tiêu diệt phần lớn nhưng không toàn diện mỗi quần thể sâu hại trên đồng ruộng.

Những thông điệp của Giáo sư muốn chuyển tải là: Từ loài “xâm lấn” sâu keo mùa thu đã thành “bản địa” có sức tàn phá rất lớn, gây hại nặng nhất vào tháng đầu tiên; Áp dụng phòng trừ quy mô lớn để quản lý bền vững; Nỗ lực hợp tác giữa nông dân và các cấp chính quyền trung ương đến địa phương; Trước tiên phải giảm nhanh quần thể thì các biện pháp về hệ thống sinh thái mới có hiệu quả lâu dài...

Theo FAO, sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ châu Mỹ, thức ăn ưa thích là cây ngô. Tuy nhiên, loại sâu này có thể lây lan sang hơn 300 loại cây trồng khác nhau với mức độ gây hại lớn. Nó chính thức xuất hiện tại châu Á từ giữa năm 2018. Mặc dù lúa gạo là cây trồng chủ yếu tại châu Á, ngô cũng là một cây lương thực quan trọng, nguồn cung chính cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc và gia cầm. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp từ các quốc gia châu Á nhóm họp tại Việt Nam để cùng trao đổi thông tin và chiến lược theo dõi và kiểm soát sự gây hại từ loài sâu này.

Không phải là loài bất tử

Bởi sức sống mãnh liệt nên nhiều người gọi sâu keo mùa thu là loại sâu không thể tiêu diệt, nhưng thực tế không phải như thế. Nó chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và gây hại nặng nề trên cây ngô. Theo số liệu từ Cục BVTV, có thời điểm hơn 16.000 ha ngô trên toàn quốc đã bị xâm hại trong đó Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị nhiễm tới 10.500 ha. Công tác phòng trừ hết sức khó khăn và tốn kém do tốc độ sâu sinh sản nhanh, vòng đời dài, tập quán canh tác nhỏ lẻ, mỗi nơi lại có một thời điểm gieo trồng và cơ cấu mùa vụ khác nhau. 

Là loài côn trùng đa thực, gây hại trên 300 loài thực vật khác nhau, sâu keo mùa thu ưu thích nhất cây ngô (nhất là cây ngô ngọt), ngô nếp và ngô rau.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiều biện pháp để phòng chống dịch hại này. Cục BVTV đã chỉ đạo hệ thống BVTV tập trung theo dõi, giám sát và thực hiện nhiều hoạt động để ứng phó với sâu keo mùa thu; liên tục tổ chức các buổi hội thảo chỉ đạo công tác phòng trừ và chia sẻ các giải pháp hiệu quả cao trên khắp cả nước.

“Sâu keo mùa thu là đối tượng gây hại nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm sang nhiều loại cây trồng quan trọng khác nên công tác phòng trừ cần được thực hiện hết sức khẩn trương. Chúng tôi đã và đang hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để đánh giá và tìm ra giải pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) hiệu quả và bền vững – từ thuốc bảo vệ thực vật, giống kháng, kiểm soát sinh học truyền thống, pheromone, phương pháp canh tác... để có thể đưa ra các khuyến nghị cho bà con”, TS. Đào Thế Anh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Toàn cảnh hội thảo.

TS. Nguyễn Văn Liêm-Viện trưởng Viện BVTV thông báo một tin nóng: “Có ghi nhận sâu keo mùa thu đã gây hại trên lúa ở Nam Định-một nguy cơ lớn bởi lúa là đối tượng trồng trọt quan trọng của Việt Nam nhưng điều an ủi là việc phòng trừ sâu keo trên lúa dễ hơn ngô. Các hiểu biết về loài sâu hại này ở Việt Nam là chưa đầy đủ, cần phải có các nghiên cứu chuyên sâu toàn diện về sinh học, sinh thái và các biện pháp phòng chống. Chúng rất nguy hiểm, đang bùng phát số lượng lớn trên ngô ở nhiều địa phương nhưng hoàn toàn có thể phòng chống có hiệu quả bằng các biện pháp kỹ thuật trong hệ thống phòng trừ tổng hợp. Tiềm năng của các loài kẻ thù tự nhiên có sẵn ở Việt Nam trong hạn chế số lượng quần thể của loài sâu hại này là rất lớn cần được khai thác và sử dụng hợp lý. Hướng nghiên cứu sử dụng các tác nhân sinh học, các thuốc trừ sâu sinh học cần được ưu tiên trong thời gian tới…

Những ô thí nghiệm của Bayer

Trên diện tích hơn 2 ha ngô của anh Vũ Văn Sai ở xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên-nơi bố trí thí nghiệm của Công ty Bayer có thể thấy sự tương phản rõ rệt giữa các ô ruộng. Về giải pháp giống, ở đây dùng hai giống ngô kháng sâu là DK 6919S và DK 9955S đều không bị sâu cắn phá.

“Nhà tôi năm nay trồng 10 mẫu ngô vừa giống thường vừa giống kháng sâu. Tháng 7 vừa rồi tôi thu hoạch khu vực giống thường thì năng suất giảm hẳn so với năm ngoái, tỉ lệ bắp thối do nhiễm nấm cũng chiếm tới 34% mặc dù đã đầu tư rất nhiều công sức và chi phí phòng trừ mà năng suất chỉ đạt 6,7 tấn/ha. Còn khu vực trồng giống ngô kháng sâu thì năng suất vẫn đạt 7,4 tấn/ha mà không phải phun thuốc gì cả...".

Giống ngô kháng sâu vẫn phát triển tốt.

Về giải pháp thuốc BVTV, Cục BVTV đã công bố tên 4 hoạt chất sử dụng tạm thời vào tháng 5 vừa qua, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương báo cáo, cập nhật các loại thuốc hiệu quả để đưa vào danh mục khuyến cáo cho bà con. Đồng hành, Công ty Bayer hiện đang thực hiện khảo nghiệm đánh giá hiệu lực sinh học của sản phẩm Vayego để phòng trừ sâu keo mùa thu. Đây là một loại thuốc trừ sâu thế hệ mới, tác dụng nhanh, tính kháng cao với nhiều loại sâu hại cũng đang được thí nghiệm ở vườn nhà anh Sai, kết quả rất khả quan.

“Nhờ các chính sách hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, công nghệ giống kháng sâu của Tập đoàn Bayer hiện đã có mặt sẵn sàng trên thị trường và phát huy hiệu quả cao trong công cuộc giúp nông dân phòng trừ các loại sâu hại hại bộ cánh vảy bao gồm sâu keo mùa thu, sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang vượt trội”, ông Andre Kraide, Giám đốc khu vực Đông Nam Á & Pakistan, Bayer Crop Science chia sẻ. 

Các biện pháp phòng chống được khuyến cáo gồm:

Biện pháp canh tác: Gieo trồng tập trung, gọn vụ, không rải vụ; Làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng ngô;  Làm đất kỹ, phơi khô đất để diệt sâu non, nhộng trong đất và giúp thiên dễ tìm diệt sâu trước khi gieo trồng; Luân canh cây ngô – lúa nước.

Biện pháp thủ công: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 2 - 5 lá, ngắt ổ trứng, bắt sâu non vào sáng sớm hoặc chiều tối khi mật độ sâu thấp; Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô để diệt sâu non.

Biện pháp sử dụng các giống kháng sâu: Sử dụng các giống ngô chuyển gen kháng sâu non bộ cánh vảy;  Lựa chọn sử dụng các giống ngô ít bị sâu gây hại.

Biện pháp sinh học: Sử dụng các chế phẩm nấm xanh, vi khuẩn Bt, Vi-rus NPV phun trù khi sâu tuổi nhỏ; Cải thiện hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các loài thiên địch phát huy vai trò kiểm soát số lượng quần thể của sâu.

Biện pháp sử dụng các loại bẫy bả: Bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone, bẫy ánh sáng, bẫy dính màu vàng; Bẫy cây trồng (trồng sớm 1 diện tích ngô ngọt để hấp dẫn sâu, sử dụng bẫy bả chua ngọt diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng, diệt sâu non trên diện tích bẫy cây trồng…).

Biện pháp hóa học:  Sử dụng khi đa số sâu non tuổi 1 – 3 (giai đoạn ngô 2  - 5 lá) - Phun nhắc lại sau phun lần 1 từ 5 – 7 ngày; - Sử dụng các hoạt chất như Bacilus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacorb, Lufenuron,  Abamectin, Emamectin, Nereistoxin, Cartap, Azadirachin - Phun vào chiều mát, sử dụng vòi chụp vặn vào đầu bép, phun có điểm dừng (phun chụp bào nõn cây ngô)…

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.